Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nguy cơ và cách phòng tránh dịch bệnh có thể xảy ra sau mưa lũ

Phương Anh

Thứ hai, 16/09/2024 - 08:26

(Thanh tra)- Cơn bão số 3 đi qua để lại hậu quả nặng nề đối với các tỉnh, thành phố phía Bắc. Cùng với việc khắc phục hậu quả của mưa bão đối với kinh tế và những khó khăn sau mưa lũ như điện, nước, an toàn thực phẩm… thì nguy cơ dịch bệnh là vấn đề được đặc biệt quan tâm, nhằm bảo vệ sức khoẻ cho người dân.

Sau mưa lũ, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ảnh: Hạnh Mai

Dịch bệnh truyền nhiễm thường đi liền sau mưa bão, lũ lụt

Theo các chuyên gia y tế, kinh nghiệm từ trước tới nay cho thấy, dịch bệnh truyền nhiễm thường đi liền sau mưa bão lũ lụt. Sau bão lũ, nguồn nước, nguồn thực phẩm có nguy cơ bị ô nhiễm do các mầm bệnh có sẵn trong nước, chất thải của người và động vật, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, sau lũ lụt, các bệnh có nguy cơ gặp cao nhất là tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm...

Ở các vùng sau mưa, lũ lụt, bệnh về đường tiêu hóa thường tăng lên một cách đáng kể. Các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (e.coli, campylobacter...) hoặc amíp, giardia. Nhóm các bệnh này thường dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, tiêu chảy cấp. Trẻ em còn có nguy cơ mắc bệnh tay - chân - miệng.

Bên cạnh đó, môi trường ẩm ướt, ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Mặt khác, sau mưa lũ các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát sinh mạnh. Đây là các bệnh rất dễ lây và bùng phát dịch trên diện rộng. Điển hình trong số này là bệnh sốt xuất huyết, sốt do virus thường và sốt rét.

Cũng theo chuyên gia y tế, thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp trong đó phổ biến nhất là cúm, cảm lạnh. Các triệu chứng nặng hơn là sốt cao, sốt kéo dài, người rét run và vã mồ hôi, mệt mỏi trầm trọng. Một số trường hợp, cảm lạnh và cúm có thể dẫn đến viêm phổi, viêm xoang, viêm tai hoặc viêm họng. Các bệnh hô hấp thường có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành dịch, gây khó khăn cho việc điều trị.

Sau mưa lũ, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh, trong đó phải kể đến các vi khuẩn gây bệnh về da. Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như: Nấm kẽ chân, nấm móng, ghẻ, viêm da, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm kí sinh gây ra), mẩn ngứa...

Ngoài ra, đau mắt đỏ cũng dễ bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm.

Theo bác sĩ Phùng Thị Thúy Hằng, Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai, lượng mưa lớn gây ngập lụt, đem theo chất bẩn, độc hại, môi trường ô nhiễm là nguyên nhân gây các bệnh truyền nhiễm tại mắt, trong đó bệnh viêm kết mạc là phổ biến, có thể bùng phát thành dịch sau lũ. Viêm kết mạc sẽ gia tăng ở cộng đồng thiếu nước sạch, lứa tuổi dễ mắc các bệnh mắt thuộc 2 nhóm là trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn trên 60 tuổi, bệnh rất dễ lây, có thể thành các vụ dịch lớn.

Lý giải về điều này, bác sĩ Phùng Thị Thuý Hằng cho biết, môi trường ngập nước trong bão lũ có độ ẩm  cao, nhiệt độ môi trường từ 20 - 30 độ C khiến các vi sinh vật gây bệnh cho mắt sẽ hoạt động mạnh mẽ, nguy cơ gây bệnh cao. Trong đó, nước bẩn sẽ là môi trường lan truyền bệnh dễ dàng nhất. Do vậy phòng ngừa bệnh mắt luôn phải đi kèm vệ sinh mắt với vệ sinh môi trường.

Giám sát tình hình dịch bệnh và đưa ra khuyến cáo kịp thời

Trước nguy cơ dịch bệnh sau lũ lụt, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi các tỉnh, thành bị ảnh hưởng của bão lũ, trong đó đề nghị các địa phương tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để những ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Ngành Y tế các tỉnh, thành cũng cần khẩn trương cung ứng đủ thuốc phục vụ việc phòng, chống dịch bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh sau bão lũ.

Sau khi nhận được đề nghị của tỉnh Sơn La, Bộ Y tế đã quyết định xuất cấp từ kho hàng phòng, chống thiên tai cho Sở Y tế tỉnh Sơn La 3.000 thùng Cloramin B với tổng số 75.000 kg để khử khuẩn nguồn nước.

Bộ Y tế đã chỉ đạo đơn vị chức năng xuất cấp cho mỗi tỉnh 2 tấn CloramB, sau đó cấp tiếp 100.000 viên Aquatabs để ngay lập tức nguồn nước đảm bảo nguồn nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân.

Đặc biệt, sau cuộc họp ngày 12/9 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý môi trường y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và đưa ra những khuyến cáo kịp thời, đồng thời, hướng dẫn cho người dân về xử lý nguồn nước sinh hoạt đã bị ảnh hưởng của mưa lũ.

Với phương châm, nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương kịp thời thu gom, xử lý xác gia súc, gia cầm, động vật chết; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ để tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm; làm vệ sinh và xử lý các nguồn nước cấp cho ăn uống sinh hoạt để đảm bảo có nước sạch cho người dân.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các biện pháp dự phòng dịch bệnh trong và sau bão, lũ lụt như sau:

1. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước; lọc nước sinh hoạt ăn uống bằng cát sạch hoặc đánh phèn để lắng sau đó khử khuẩn nước bằng Cloramin B theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

2. Lựa chọn thực phẩm sạch và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, thực hiện "ăn chín, uống sôi", không ăn thức ăn cũ, ôi thiu.

3. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

4. Vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn, không mặc quần áo ẩm ướt.

5. Hạn chế bơi lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.

6. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế

7. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô... hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng

8. Mắc màn khi ngủ để tránh muỗi đốt, kể cả ban ngày.

9. Luôn giữ ấm cơ thể, nhất là người già và trẻ em; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất.

10. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm