Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội siết quản lý cơ sở hành nghề y, dược tư nhân

Hải Hà

Thứ bảy, 05/10/2024 - 17:45

(Thanh tra) - Thời gian qua, các cơ sở y, dược tư nhân tại Hà Nội phát triển nhanh, góp phần giảm tải cho bệnh viên công lập. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có cơ sở y tế tư nhân "chạy" theo lợi nhuận, vi phạm quy định. Do đó, cần siết chặt quản lý các cơ sở y, dược tư nhân…

Phòng khám Đa khoa Bắc Việt (số 73 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, Cầu Giấy) vừa bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt và đình chỉ hoạt động trong 3 tháng. Ảnh: I.T

Còn nhiều tồn tại, vi phạm

Tính đến tháng 6 năm nay, toàn thành phố Hà Nội có 15.339 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân được cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ (giấy phép) hành nghề, trong đó có 4.648 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh, 10.691 cơ sở hành nghề dược.

Về cơ bản, các cơ sở đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật; hoạt động theo phạm vi chuyên môn, danh mục kỹ thuật được phê duyệt. Nhiều cơ sở y tế tư nhân đã quan tâm đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, hỗ trợ giảm tải cho hệ thống y tế công lập, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Tuy nhiên, qua giám sát, khảo sát của HĐND thành phố Hà Nội, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân vẫn còn. Một số cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân, cơ sở vật chất, trang thiết bị không bảo đảm yêu cầu khám, chữa bệnh như: Diện tích chật hẹp, không sạch sẽ, gọn gàng, phòng lưu bệnh nhân không có hệ thống chống sốc…

Các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, spa không có chức năng nhưng vẫn quảng cáo việc thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh sau phẫu thuật thẩm mỹ (hình thức quảng cáo qua cardvisit, trang thông tin điện tử, đơn cử, ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông...).

Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện đúng quy định về xử lý rác thải, nước thải y tế, còn có cơ sở trang bị xe vận chuyển chuyên dụng để thu gom, vận chuyển chất thải y tế từ nơi phát sinh về nơi lưu giữ tạm thời; chưa có báo cáo phương án quản lý bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải y tế…

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, nguyên nhân của những hạn chế trên, khách quan do địa bàn thành phố Hà Nội rộng, các loại hình hành nghề y, dược tư nhân đa dạng, số lượng cơ sở hành nghề lớn, hoạt động chủ yếu ngoài giờ hành chính, trong đó nhiều cơ sở nằm ở khu chung cư, thôn, xóm, phân tán nên khó khăn cho việc kiểm soát thường xuyên.

Đáng quan tâm, các văn bản pháp luật hiện nay không có quy định việc thu hồi, đình chỉ vĩnh viễn đối với hoạt động kinh doanh y, dược tại 1 địa điểm hành nghề. Do đó, một số trường hợp, cơ sở sau khi bị thu hồi giấy phép lại đăng ký kinh doanh tại địa điểm cũ với một pháp nhân mới (đổi tên công ty, đổi người đại diện pháp luật) để tiếp tục đề nghị cấp phép hành nghề tại địa điểm cũ.

Đặc biệt, hiện chưa có những quy định cụ thể và biện pháp hiệu quả để quản lý đối với các loại hình nhạy cảm như: Thẩm mỹ viện, spa, chăm sóc sắc đẹp. Đây là loại hình kinh doanh không điều kiện, không thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế nhưng lại thường xuyên quảng cáo và hoạt động; trong kinh doanh có sử dụng mỹ phẩm và các loại thuốc tân dược...

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Theo nhận định của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, hiện chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế và UBND các quận, huyện, thị xã trong việc quản lý đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân sau khi cấp phép.

Việc quản lý, xử lý đối với các hoạt động quá phạm vi sang lĩnh vực y tế của các cơ sở thẩm mỹ viện, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, spa (các dịch vụ làm đẹp tiêm các chất làm đầy môi, mắt, má; cắt mí mắt...) còn lúng túng, bất cập… Những hạn chế từ thực tiễn trên cần phải có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh.

Thực tế thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về hành nghề y, dược tư nhân, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện.

Sở Y tế cũng như các quận, huyện, thị xã đã tổ chức phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động của các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh, cơ sở thẩm mỹ viện, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, cơ sở dịch vụ massage, cơ sở chăm sóc da... Qua đó, đã xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân.

Theo thống kê, từ ngày 1/1/2021 đến 31/5/2024, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, thanh tra 1.115 lượt cơ sở (697 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh; 418 cơ sở hành nghề dược), tước 61 chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động; xử lý vi phạm hành chính 695 cơ sở, tổng số tiền phạt là hơn 13 tỷ đồng.

Ngoài ra, các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao cũng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội kiểm tra, giám sát một số dự án theo lĩnh vực và thành lập đoàn kiểm tra, giám sát trực tiếp tại địa điểm thực hiện dự án của doanh nghiệp (năm 2023 thực hiện giám sát 81 dự án/tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, năm 2024 giám sát 64 dự án/tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài).

Công an thành phố Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính 682 cơ sở với tổng số tiền gần 3,9 tỷ đồng; phối hợp với Sở Y tế Hà Nội kiểm tra 37 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân có yếu tố nước ngoài trên địa bàn, xử phạt vi phạm hành chính 18 cơ sở, tổng số tiền phạt 400 triệu đồng (đình chỉ 2 cơ sở, thu hồi giấy phép hoạt động của 2 cơ sở, tước quyền sử dụng 2 chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh).

Cùng với các sở, ngành các quận, huyện, thị xã cũng đã thanh tra 23.737 lượt cơ sở; xử lý vi phạm hành chính đối với 1.366 trường hợp, tổng số tiền phạt là hơn 15 tỷ đồng; đóng cửa 324 cơ sở…

Có thể thấy rằng, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, đưa hoạt động này dần đi vào nền nếp, giảm tải cho các bệnh viện công. Tuy nhiên, lực lượng “mỏng” cùng với việc thiếu chế tài xử lý vi phạm khiến hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp. Do vây, cần thiết phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để siết chặt hoạt động này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khi nào 2 bệnh viện “nghìn tỷ” tại Hà Nam sẽ đi vào hoạt động?

Khi nào 2 bệnh viện “nghìn tỷ” tại Hà Nam sẽ đi vào hoạt động?

(Thanh tra) - Tại buổi gặp mặt báo chí chiều 20/12, thông tin về tiến độ của 2 bệnh viện "nghìn tỷ" là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam), Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, nếu các khó khăn vướng mắc được giải quyết, 2 bệnh viện này sẽ hoàn thiện việc xây dựng trong năm 2025.

Phương Anh

17:37 20/12/2024
Khai trương Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Quận 8

Khai trương Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Quận 8

(Thanh tra) - Sáng 19/12/2024, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chính thức khai trương Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8, đánh dấu bước tiến mới trong việc mở rộng mạng lưới y tế chất lượng cao và chuyên sâu tại khu vực phía Tây Nam TP.HCM và Tây Nam bộ.

Trí Đức

10:14 20/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm