Theo thống kê của ban tôn giáo các tỉnh, cho đến hết năm 2013, tình hình Phật giáo ở 5 tỉnh Tây Nguyên như sau:

Kon Tum có 29.507 tín đồ trong đó 1.641 tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); 34 chức sắc (02 hòa thượng, 01 ni sư; 21 đại đức; 10 Sư cô); 24 chức việc; có 25 cơ sở tôn giáo (trong đó có 21 chùa và 04 tịnh xá).

Gia Lai: 98.545 tín đồ; 413 chức sắc và nhà tu hành (10 hoà thượng, 11 thượng toạ, 04 ni trưởng, 05 ni sư, 90 đại đức, 98 sư cô và 195 nhà tu hành); 83 cơ sở thờ tự.

Đắk Lắk: 135.000 tín đồ; 152 chùa, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật đường, 220 tăng, ni, với khoảng 145.000 tín đồ (3.000 DTTS). Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ VI (2012-2017) có 47 thành viên.

Đắk Nông: 35.953 tín đồ, 28 tổ chức tôn giáo cơ sở (chùa 22, tịnh xá 03, Niệm Phật đường 02; thiền viện 01), 53 chức sắc, 140 chức việc.

Lâm Đồng: trên 317.000 tín đồ (đồng bào DTTS 7.000 người), 1.857 tăng, ni (hòa thượng 14, thượng tọa 18, đại đức 372 (02 đại đức là người dân tộc thiểu số), ni trưởng 12, ni sư 33, sư cô 442, 353 cơ sở thờ tự.

Nhìn vào số liệu thống kê cho thấy Phật giáo là tôn giáo lớn thứ 2 ở Tây Nguyên xét về mặt số lượng tín đồ, chỉ sau Công giáo. Phật giáo tăng dần số lượng tín đồ theo phía Nam Tây Nguyên. Càng về phía Nam Tây Nguyên thì Phật giáo càng đông. Nếu chúng ta mường tượng khi Đăk Nông chưa tách ra từ tỉnh Đắk Lắk thì số lượng tín đồ Phật giáo tăng theo thứ tự từ Bắc xuống phía Nam, ít nhất là phía Bắc tỉnh Kon Tum và đông nhất là phía Nam tỉnh Lâm Đồng.

Hiện chưa có lý giải cặn kẽ cho việc phân bố này. Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân của việc phân bố này liên quan đến giao thông và các chương trình di dân đến các tỉnh Tây Nguyên thời điểm trước đó. Trong đó có di chuyển dân cư theo các chương trình đi vùng kinh tế mới của Nhà nước và các cuộc di dân tự phát sau đó.

Khác hoàn toàn với Tin lành và Công giáo, tín đồ Phật giáo đa số là người Kinh. Tỷ lệ người DTTS theo Phật giáo rất ít. Theo một nghiên cứu của Đinh Văn Hạnh vào năm 210 cho thấy: Nếu như trên toàn địa bàn Tây Nguyên năm 2004 có 11,9% dân số theo Phật giáo thì năm 2009 giảm xuống còn 11,4%. Tỷ lệ này của đồng bào các DTTS 0,4% cho năm 2004 và 0,6% tại thời điểm tháng 6/2009. Mặc dù tỷ lệ tín đồ theo đạo Phật có tăng trong đồng bào DTTS nhưng vẫn ở mức rất thấp so với Công giáo và nhất là so với Tin lành.

Những con số trên cho thấy, Phật giáo là tôn giáo chiếm ưu thế với người Kinh. Và hiện nay, một xu hướng mới giáo hội Phật giáo ở Tây Nguyên đang nỗ lực truyền giáo cho người DTTS. Tuy nhiên việc này không hẳn chỉ nỗ lực là đủ. Nó còn phụ thuộc vào lợi thế ảnh hưởng tự nhiên của tôn giáo này đối với đồng bào DTTS, chẳng hạn ngôn ngữ, nghi lễ, quan điểm về đấng thiêng, sự năng động của đội ngũ chức sắc.... Về những lợi thế tự nhiên của việc truyền giáo này, xem ra Công giáo, đặc biệt là Tin lành có điểm mạnh hơn. Đó là chưa kể đến việc truyền giáo của chức sắc Phật giáo thật khó mà thực hiện theo cách chứng đạo của Tin lành, hay hoạt động theo hình thức giáo phu của Công giáo.

So với Công giáo và Tin lành, nhìn chung Phật giáo có đội ngũ chức sắc, chức việc và các cơ sở thờ tự nhiều hơn. Điều này cho thấy Phật giáo có những điểm mạnh hơn các tôn giáo khác về nhân sự và cơ sở vật chất. Nó xuất phát từ việc tôn giáo này có những lợi thế từ việc xây dựng một hình ảnh chính trị nhìn chung tốt đẹp và lâu đời trong qua khứ đối với quốc gia. Mặt khác, tín đồ Phật giáo đa phần là người Kinh, có điều kiện tốt hơn đồng bào DTTS. Đây cũng là nguồn tiềm lực quyên góp cho việc xây dựng và phát triển các cơ sở thờ tự của Phật giáo.

Hoạt động của Phật giáo Tây Nguyên hiện nay có nhiều nét chung giống với Công giáo và Tin lành trên địa bàn, cũng hướng vào việc truyền giáo cho người dân tộc, đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, và các hoạt động Phật sự, hoạt động từ thiện, cầu siêu gây ảnh hưởng cuốn hút tín đồ trong khu vực. Trong các hoạt động Phật giáo ở Tây Nguyên cũng như nhiều nơi khác trong cả nước là có sự tạo điều kiện của chính quyền cơ sở, nên gặp thuận lợi. Hiện nay các chùa mới với quy mô lớn được xây dựng rất nhiều.

Trong các hoạt động của Phật giáo ở Tây Nguyên thì hoạt động hướng tới việc truyền giáo cho đồng bào DTTS cũng được ban trị sự Phật giáo các tỉnh coi trọng. Việc truyền giáo sắc tộc có kết quả rất khiêm tốn. Sự kiện hơn 3.000 người DTTS chủ yếu ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, quy y năm 2009 được xem là điểm nhấn của Phật giáo cả nước cho việc truyền giáo cho đồng bào DTTS. Dù vậy, nhìn chung toàn vùng, số người DTTS theo Phật giáo không nhiều. Điều này có thể từ nguyên nhân khách quan là giáo lý Phật giáo, hay các quy định về tu tập chưa hợp với họ. Mặt khác cho thấy hoạt động truyền giáo của Phật giáo không đem hiệu quả như của Công giáo và Tin lành. Rất ít các nhà sư có am hiểu về ngôn ngữ dân tộc. Phương pháp chủ yếu qua việc gây ảnh hưởng của các hoạt động từ thiện, nhân đạo, chứ không theo phương pháp của Công giáo và Tin lành là giảng về đạo bằng chính ngôn ngữ của người dân tộc tại chỗ, ăn cùng họ, ở cùng họ và chia sẻ cùng họ. Trong suy nghĩ thì ban trị sự Phật giáo rất muốn đem Phật pháp đến với đại chúng là người dân tộc, nhưng xem ra truyền thống hành đạo lâu đời với người Kinh, không quen cách thức hội nhập với ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đã hạn chế đi ước muốn của họ. Bởi vậy tín đồ Phật giáo chỉ chiếm một phần nhỏ là người DTTS.

TS. Ngô Đồng