Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tín ngưỡng thờ Arăk của người Khmer ở Trà Vinh

Nhật Tường - Thu Huyền

Thứ sáu, 10/09/2021 - 21:55

(Thanh tra) - Trong hệ thống tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh, tục thờ cúng Arăk có một vị trí quan trọng và hình thành từ rất lâu đời.

Người Khmer ở Trà Vinh có hệ thống lễ hội, tín ngưỡng phong phú và đặc sắc, trong đó có tục thờ Arăk. Ảnh minh họa: dulichtravinh.com.vn

Cùng với người Kinh và người Hoa, người Khmer (với hơn 300 nghìn người) là một trong ba thành phần dân tộc cơ bản hợp thành cơ cấu dân cư của tỉnh Trà Vinh.

Đồng bào dân tộc Khmer định cư ở Trà Vinh lâu đời và hết sức phong phú, đa dạng về các hình thái tín ngưỡng, trong đó không thể không nhắc đến tín ngưỡng thờ cúng Arăk.

Về nguồn gốc, tập tục thờ cúng Arăk bắt nguồn từ xa xưa, trong văn hóa dân gian của người Khmer ở Campuchia, theo chân những cư dân nhập cư vào khu vực miền Nam của Việt Nam, trong đó có Trà Vinh.

Theo quan niệm của đồng bào Khmer, Arăk là vị thần có nguồn gốc là linh hồn người chết nhưng hiển linh và được tôn làm thần, có khả năng che chở cho sức khỏe và sự ổn định, bình an, phát triển của mỗi người dân và của cả dòng họ, cộng đồng.

Tỉnh Trà Vinh là nơi còn bảo lưu miếu thờ Arăk, số lượng nhiều nhất trong vùng người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 1/3 số phum (đơn vị cư trú của người Khmer, giống như xóm làng của người Kinh) nhỏ có bàn thờ Arăk. Bàn thờ Arăk là những chòi nhỏ, ở ngoài trời, làm theo kiểu nhà sàn lợp bằng lá dừa nước, bên trong có một đoạn thân cây chuối, một trái dừa tươi (slathor) trên có cắm hương, đặt lá trầu, một số vật trang trí bằng giấy màu kiểu hình tháp (baiset) và một ít đĩa bằng bẹ chuối.

Về hình thức thực hành tín ngưỡng, lễ cúng Arăk của người Khmer cũng giống như lễ lên đồng của người Việt và người phụ nữ đóng vai trò chính trong lễ cúng này từ nhập xác đến cầu xin giúp đỡ. Người Khmer cúng Arăk mỗi khi gia đình, dòng họ gặp chuyện chẳng lành, có người đau ốm. Khi cúng, thầy cúng sẽ rót rượu mời thần, cầu thần nhập xác để chỉ cách cho gia chủ thoát khỏi hoạn nạn. Trong lễ cúng Arăk, ngoài thầy cúng, gia chủ và người lên đồng thì còn có những người đánh trống, thổi sáo và một số nhạc cụ khác để “cổ vũ” cho thần nhập xác.

Người Khmer cho rằng mỗi dòng họ có thể có nhiều Arăk như: Arăk chou - buô (Arăk của dòng họ); Arăk bảo vệ khu đất (Arăk phum); Arăk giữ rừng (Arăk preay); Arăk bảo vệ nhà (Arăk phteah); Arăk bảo vệ gia đình (Arăk Trâkâul)...

Trong quan niệm của người Khmer, Arăk không có hình dáng rõ rệt, tính chất thiện - ác cũng khó phân biệt rạch ròi. Có người cho rằng Arăk là “thần bảo vệ”, “thần giữ gìn”. Cũng có ý kiến đánh đồng Arăk với Rub Arăk, là người đồng cốt làm trung gian giữa Arăk và con người.

Hiện nay, miếu thờ Arăk ở Trà Vinh chỉ còn ở những vùng sâu, xa của các địa phương như Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành.

Theo tác giả Lâm Quang Vinh trong luận văn thạc sĩ “Tín ngưỡng dân gian của người Khmer Trà Vinh” (2008) thì mỗi Arăk có cách cúng riêng. Ví dụ, cúng Arăk phum thì bàn thờ làm bằng tranh hay dừa nước, theo kiểu nhà sàn lộ thiên, bên trong có vật cúng như dừa và các đồ cúng khác làm bằng bẹ chuối. Khi cúng có thắp nhang, người cúng khấn vái và làm phép, đổ một phần rượu xuống đất, còn một phần uống.

Nếu Arăk là nữ thì cúng thịt ếch, thịt bò. Có nơi người ta cúng Arăk bằng đầu heo luộc chín và một đĩa muối hột. Tuỳ theo Arăk và việc cầu xin mà có bài tụng và vật cúng tương ứng. Đối với lễ cúng quan trọng, họ có mời thầy bói (Krou Tậy) và người lên đồng (Rub Arăk). Nếu cúng Arăk mà có mời Krou Tậy và Rub Arăk là lúc gia đình gặp chuyện chẳng lành, có người ốm đau, làm ăn xui xẻo, hay gặp tai nạn bất ngờ…

Trước đây, mỗi dòng họ người Khmer có một người nữ làm Rub Arăk - người đại diện cho dòng họ lên đồng khi cúng Arăk. Về sau, người ta “chuyên nghiệp hóa” việc nhập Arăk. Cũng như người Kinh có người hành nghề đồng bóng thì người Khmer có người hành nghề Rub Arăk. Rub Arăk có thể là nữ, cũng có thể là nam. Dù là ai thì Rub Arăk cũng là trung gian giữa Arăk và tín chủ, nghĩa là Rub Arăk làm nhiệm vụ truyền nguyện cầu của tín chủ đến Arăk và nhận sự chỉ giáo của Arăk đến tín chủ.

Nghiên cứu của tác giả Lâm Quang Vinh cho rằng, Rub Arăk của dòng họ cũng như Rub Arăk “chuyên nghiệp” thường được chọn trong số những người bị tật nguyền hay dị dạng và phải biết múa khi lên đồng. Những động tác múa là cách thể hiện cần thiết trong lúc Rub Arăk xuất thần. Những động tác múa này rất khác nhau, kết hợp với lời ca, âm nhạc, lúc dịu dàng mơn trớn, khi ly kỳ rùng rợn, tạo ra bầu không khí xuất thần - không gian linh thiêng. Mỗi động tác múa trong lúc lên đồng chỉ có Rub Arăk mới thực hiện được. Nếu gạt đi bức màng che thần bí, thì đây là phần trình diễn nghệ thuật dân gian kết hợp rất ăn ý, sống động giữa âm nhạc và múa.

Cùng với tín ngưỡng thờ Arăk, người Khmer Trà Vinh còn có tục thờ Neak Tà (cũng là vị thần bảo hộ theo quan niệm dân gian). Đều là thần bảo hộ, nhưng trong tâm thức của người Khmer Trà Vinh thì Neak Tà có vị trí cao hơn hẳn Arăk bởi phạm vi ảnh hưởng của Neak Tà thường là cả cộng đồng trong phum sóc, có trường hợp mở rộng ra đối với nhiều phum sóc, còn phạm vi ảnh hưởng của Arăk chủ yếu trong gia đình, dòng họ.

Ngày nay, tín ngưỡng thờ cúng Arăk của người Khmer ở Trà Vinh đang có xu hướng mai một. Nguyên nhân của thực trạng này là do nhận thức của người dân ngày càng thực tế hơn, khi ốm đau bệnh tật người ta quan tâm đến việc chăm sóc y tế theo phương pháp khoa học nhiều hơn là kỳ vọng vào sự bảo trợ từ các lực lượng siêu nhiên.

Nếu hạn chế được các biểu hiện tiêu cực mang màu sắc mê tín dị đoan thì tín ngưỡng thờ cúng Arăk đáng được xem là nét văn hóa đặc sắc cần được bảo tồn của đồng bào Khmer Trà Vinh, là hình thái tín ngưỡng thể hiện ước vọng về sức khỏe, bình an, đồng thời bày tỏ niềm tin, sự thành kính đối với các bậc tổ tiên của dòng họ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm