Theo báo cáo tại phiên giải trình, hiện nay toàn tỉnh có 15 đơn vị hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý rác thải; 8 điểm tập kết, trung chuyển rác thải đang hoạt động trên địa bàn 6/11 huyện, thành phố.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh các năm 2022 và 2023 trung bình là trên 500 tấn/ngày; chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý chủ yếu là thành phần hữu cơ dễ phân hủy (chiếm tỷ lệ trên 80%), phần còn lại bao gồm các loại chất thải có khả năng tái chế như: Plastic, giấy, kim loại…

Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị hằng năm được thực hiện theo phương thức đấu thầu cung ứng dịch vụ công ích; được Nhà nước bố trí kinh phí thực hiện. Tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2024 là trên 330 tỷ đồng; kinh phí thu từ dịch vụ vệ sinh môi trường trên 29,69 tỷ đồng. 

Tại phiên giải trình, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố đã tập trung làm rõ ý kiến của Thường trực và các ban HĐND tỉnh về: khó khăn, hạn chế trong bố trí kinh phí phân bổ cho công tác bảo vệ môi trường; công tác đấu thầu lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải; thực trạng quá tải của hạ tầng các bãi thu gom, xử lý rác thải; công tác tuyên truyền, nâng ý thức phân loại rác tại nguồn của người dân…

Tại hội nghị, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, xác định vị trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường…

Đề nghị Ban Kinh tế - Ngân sách chủ trì, phối hợp với các ban làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và hoàn thành xong trong tháng 8 để kịp thời gửi kiến nghị đến UBND tỉnh và ban hành thông báo kết luận phiên giải trình theo quy định.

CB