Địa điểm phố đi bộ là Quảng trường Lam Sơn và các tuyến đường phụ cận gồm một phần tuyến đường Phan Chu Trinh, một phần tuyến đường Lý Nhân Tông, tuyến đường Hồ Xuân Hương, tuyến đường Nguyễn Đôn Tiết, diện tích khoảng 13ha. Thời gian tổ chức, tối thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần và các ngày lễ lớn trong năm (Tết Dương lịch, Giỗ tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2/9), không tổ chức vào dịp Tết Âm lịch. Giờ mùa Đông từ 18h30 đến 23h; mùa Hè từ 19h đến 23h, trong trường hợp vì lý do khách quan mưa, bão và các tình huống đặc biệt, ban tổ chức thông báo dừng tổ chức phố đi bộ trên hệ thống thông tin đại chúng và niêm yết thông báo tại các điểm đầu phố đi bộ.

leftcenterrightdel
 Không gian Hội An trong phố đi bộ. Ảnh: VT

Thời gian khai trương phố đi bộ, dự kiến tháng 6/2024; không gian tổ chức gồm 4 không gian.

Không gian thứ nhất là khu vực Quảng trường Lam Sơn (khoảng 2,6ha) bao gồm: Sân khấu kỳ đài, khu vực đường lát đá phía trước kỳ đài, hai bên kỳ đài và các ô cỏ phía dưới cột cờ. Tổ chức các hoạt động văn hóa, âm nhạc, thể thao, trình diễn thời trang, các trò chơi, trò diễn dân gian, nghệ thuật đường phố... Tại các ô cỏ phía dưới cột cờ, bố trí tối thiểu 60 gian hàng mang tính văn hóa nghệ thuật như nặn tò he, ký họa chân dung, tô tượng... và hàng nước giải khát...

Không gian thứ 2 tại đường Lý Nhân Tông (không gian nón lá), từ điểm giao đường Phan Chu Trinh đến giao đường Triệu Quốc Đạt, chiều dài 112m; chiều rộng lòng đường 5,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 4,5m. Lắp đặt cổng chào tại điểm giao cắt giữa đường Phan Chu Trinh và đường Lý Nhân Tông, dọc tuyến đường có các dàn nón lá trang trí. Bố trí tối thiểu 30 ki-ốt di động bán đồ ăn nhanh, đồ nướng và các loại hình ẩm thực đường phố khác để phục vụ du khách. Tại đường Hồ Xuân Hương (không gian Hội An), từ điểm giao đường Phan Chu Trinh đến đường giao Triệu Quốc Đạt; chiều dài 100m; chiều rộng lòng đường 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 1,2m. Lắp đặt thêm 1 cổng chào tại điểm giao cắt giữa phố Phan Chu Trinh và đường Hồ Xuân Hương, dọc tuyến đường có các dàn đèn lồng trang trí. Bố trí 15 ki-ốt bán đồ lưu niệm, sách, báo và đồ uống phục vụ du khách.

leftcenterrightdel
 Nhiều người dân thích thú khi có phố đi bộ Phan Chu Chinh và không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn. Ảnh: VT

Tại phố Nguyễn Đôn Tiết (không gian sắc màu), từ điểm giao đường Phan Chu Trinh đến đường Triệu Quốc Đạt; chiều dài 100m; chiều rộng lòng đường 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 1,25m. Lắp đặt 1 cổng chào tại điểm giao cắt giữa phố Phan Chu Trinh và phố Nguyễn Đôn Tiết, dọc tuyến phố có bố trí điện trang trí để du khách chụp ảnh.

Không gian thứ 3, một phần tuyến đường Phan Chu Trinh (từ điểm giao Hạc Thành đến điểm giao với đường Dương Đình Nghệ, có chiều dài 440m; lòng đường rộng 14,0m; vỉa hè phía Nam có chiều rộng 9,5m). Lắp đặt 2 cổng chính tại điểm giao với đường Hạc Thành và đường Dương Đình Nghệ. Tại khu vực 2 cổng chào giao với đường Hạc Thành và đường Dương Đình Nghệ bố trí khoảng 60 ki-ốt di động giới thiệu các tác phẩm mỹ nghệ, điêu khắc, sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ, thủ công truyền thống, đá quý, đá phong thủy... và các ki-ốt bán các loại hàng đa dạng phục vụ Nhân dân như quần áo, giầy dép, túi xách, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, sản phẩm ocop...

leftcenterrightdel
 Phố đi bộ đường Phan Chu Chinh và không gian văn hóa Quảng Trường Lam Sơn thu hút nhiều người dân. Ảnh: VT

Không gian thứ 4, khu vực cạnh đài phun nước và trước tháp đồng hồ phía Tây Quảng Trường là không gian vui chơi giành cho trẻ em; bố trí tối thiểu 10 ki-ốt bán đồ ăn nhanh, nước giải khát phục vụ trẻ em và du khách. Công tác tổ chức lựa chọn các hộ tham gia hoạt động kinh doanh các ngành nghề phù hợp với phương án bố trí các không gian. Các sản phẩm, hàng hóa đều phải được bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm tăng cường triển khai hoạt động thương mại điện tử, hiện đại hóa các dịch vụ tại khu phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hóa quảng Trường Lam Sơn đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân, du khách, doanh nghiệp trong thời đại mới.

Văn Thanh