Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đức Anh
Thứ sáu, 29/09/2023 - 11:39
(Thanh tra) - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ 26/9 đến 28/9 trên địa bàn một số huyện của tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa to đến rất to, làm ngập lụt trên diện rộng. Thời điểm này, nước đã rút, tuy nhiên, đến chiều 28/9, tại địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện Quỳ Châu với gần 5.000 người phải di dời; hiện có 1 trường hợp ở xã Châu Tiến gia đình chưa liên lạc được.
Mưa lũ gây ngập lụt trên diện rộng ở khu vực xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu. Ảnh: CCTL
Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT - TKCN và PTDS) tỉnh, đến 11h ngày 28/9, mưa lũ đã làm 1.734 nhà bị ngập, 927 nhà bị cô lập, 142 người phải sơ tán; 1.763 ha lúa, 3.053 ha hoa màu bị thiệt hại…
Đến nay, đã có 142 người phải sơ tán (huyện Kỳ Sơn); 927 nhà ở bị cô lập (huyên Kỳ Sơn); có 6 nhà tạm tại các huyện: Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong bị sập hoàn toàn; 1.734 nhà bị ngập.
Hiện nước đã rút, các hộ dân đã về nhà an toàn. Đến chiều 28/9, rải rác một số nơi còn diễn ra mưa giông cục bộ.
Diễn biến thời tiết mưa lũ trong 2 ngày qua đã gây thiệt hại về nông nghiêp, làm 1.763 ha lúa, 3.053 ha hoa màu bị thiệt hại; 370 con gia súc, 3.425 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 700,36 ha ao hồ nhỏ bị ngâp.
Mưa lũ đã làm 11 vị trí trên các tuyến quốc lộ bị ngập. Đường tỉnh có 14 vị trí ngập. Hiện các đơn vị đang tiến hành khắc phục thông xe 1 vệt.
Trong đợt mưa lớn, huyện Quỳ Châu là địa phương thiệt hại nặng nề nhất, với hơn 1.200 hộ dân bị ngập. Sau khi nước rút, nhiều công trình, hoa màu trên địa bàn bị hư hỏng nặng, tài sản của người dân chìm trong bùn đất.
Ngày 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 898/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Công điện nêu rõ, dự báo trong những ngày tới có thể tiếp tục còn xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ chồng lũ, ngập sâu tại vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.
Mưa lớn làm ngập 100% trường học ở các cấp buộc phải nghỉ học do mưa lớn, trong đó có hơn 100 học sinh Trường THPT Quỳ Châu ở trọ nội trú trong các hộ dân bị mất hết sách, tư trang học tập.
Ghi nhận của PV, đến chiều 28/9, khi lũ quét qua, mưa giảm, nước rút nhiều công trình, hoa màu trên địa bàn huyện Quỳ Châu bị hư hỏng; nhiều tài sản của người dân chìm trong bùn đất, hàng ngàn cuốn sách, vở và đồ dùng học sinh rách bát, lấm trong bùn đất.
Theo ông Lê Hải Lý - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, hiện tại chưa thống kê hết thiệt hại tài sản của nhân dân và các công trình hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện… Trước mắt huyện tập trung công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn huy động các lực lượng, phương tiện "4 tại chỗ" hỗ trợ các hộ gia đình bị ngập lụt, di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Ngay khi nước rút, kịp thời phân công cán bộ phụ trách theo từng vùng, từng xã, theo nhiệm vụ để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả với phương châm "nước rút đến đâu tiến hành xử lý, vệ sinh môi trường đến đó". Đồng thời tiến hành cứu hộ, cứu nạn, cứu đói, lo nguồn nước sạch cho người dân những vùng bị ảnh hưởng. Huy động các tổ chức chính trị xã hội vào cuộc để hỗ trợ người dân dọn vệ sinh, khắc phục hậu quả.
Trước tình hình diễn biến thời tiết, trong 2 ngày 27, 28/9, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Phó trưởng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh cùng các thành viên và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy đã đi thị sát, kiểm tra tình hình mưa lũ và chỉ đạo công tác khắc phục tại các địa phương trên tuyến quốc lộ 48, trong đó có trọng điểm là huyện Quỳ Châu.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh, trong những ngày tới thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, xảy ra mưa cục bộ nên ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc các nội dung đã được ban hành về diễn biến mưa, lũ và việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp. Chủ động phương án vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ đập sạt lở...
Quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò, các tuyến đường giao thông, các ngầm, tràn bị ngập, sạt lở, tiến hành cắm tiêu, cử người trực, gác, cấm đường, phân luồng, hướng dẫn giao thông đi lại để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người; tuyệt đối không để người dân có tư tưởng chủ quan trước, trong và sau mưa lũ; đặc biệt quan tâm, giám sát đối với trẻ em sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng.
Kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
UBND các cấp, các đoàn thể kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại nặng, gia đình chính sách trong đợt mưa lũ; UBND cấp huyện, xã trích kinh phí dự phòng để hỗ trợ theo quy định; sau mưa, lũ hướng dẫn nhân dân giúp nhau khắc phục thiệt hại về nhà cửa, tài sản, vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, xử lý đảm bảo nước sinh hoạt trong các vùng bị ngập úng; khôi phục sản xuất lúa, ngô, rau màu bị ngập; sửa chữa hạ tầng hư hỏng, khắc phục công trình nước sạch để phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Là thông điệp mà Bộ Xây dựng gửi đến các bộ, ngành, cơ quan chức năng, các địa phương trên cả nước trước thềm năm mới 2025 nhằm thực hiện thắng lợi Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Trần Quý
(Thanh tra) - Nhằm nâng cao chất lượng và để phục vụ tốt nhất cho hành khách về quê đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều bến xe tại Thủ đô Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, nâng cao chất lượng phục vụ, chỉnh trang cơ sở vật chất, hạ tầng và tăng cường kiểm tra, giám sát, thêm chuyến, thêm phương tiện để đưa đón người dân an toàn, vui tươi về quê.
Trung Hà
Hải Hà
Kim Thành
Trọng Tài
Trọng Tài
Trần Quý
Nam Dũng
T.Vân
Hải Hiếu
PV
Hoàng Nam
Trung Hà
T.Thanh
Trần Quý
Thái Hải
Phương Anh
Trọng Tài