Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trần Trung
Thứ sáu, 08/07/2022 - 10:17
(Thanh tra) – Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) ở nước ta ngày càng được phát triển, hoàn thiện theo hướng mở rộng và bảo đảm tốt nhất quyền lợi BHYT của người tham gia.
Em Nguyễn Nhật Vy (học sinh) được quỹ BHYT thanh toán gần 200 triệu đồng chi phí khám chữa bệnh. Ảnh: baotintuc.vn
Sáng ngày 8/7, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về chính sách BHYT.
BHYT khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho hay, một trong những thành tựu quan trọng trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT là tỷ lệ người dân tham gia BHYT có sự tăng trưởng vượt bậc qua các năm.
Nếu như năm 2009, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số thì đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số với 88,837 triệu người tham gia.
Cùng với đó, trung bình hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi.
Đặc biệt, năm 2020-2021 do tác động của dịch Covid-19, quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch Covid-19.
“Điều đó tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia”, ông Đào Việt Ánh nói.
BHXH Việt Nam cũng thông tin, 6 tháng đầu năm 2022, toàn Ngành đã chủ động, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục đảm bảo kịp thời, đầy đủ các quyền lợi an sinh cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Kết quả, ước đến hết tháng 6/2022 có trên 17,1 triệu người tham gia BHXH đạt 33,87% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,5 triệu người).
Gần 14 triệu người đã tham gia BHTN đạt 27,55% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm trước; trên 86,8 triệu người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số (sụt giảm nhẹ so với năm 2021).
Lý giải việc sụt giảm số người tham gia BHYT, ông Trần Quốc Túy, Phó Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ Thẻ (BHXH Việt Nam) nói, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chính sách mua thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 861 năm 2021 của Thủ tướng và người dân sinh sống tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 353 năm 2022 của Thủ tướng.
Trong số đó, khoảng 3,1 triệu người (có khoảng 2,1 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số giảm) không được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT.
Một số địa phương có số người tham gia BHYT giảm sâu như: Đắk Lắk giảm 225,5 nghìn người (trong đó có 194,6 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số); Sóc Trăng giảm 309,5 nghìn người (trong đó có 200 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số); Trà Vinh giảm 243,6 nghìn người tham gian (trong đó có 93,8 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số)…
Nhiều đề xuất để 10% dân số còn lại tham gia BHYT
Để 10% dân số còn lại tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã đề nghị tiếp tục có chính sách đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT với người dân thoát khỏi huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và người đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Toàn cảnh hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về chính sách BHYT. Ảnh: Đ.X
Cơ quan BHXH cũng đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT để ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, khắc phục bất cập trong tổ chức thực hiện.
Trong đó, bổ sung người tham gia BHYT bắt buộc với nhóm người lao động và người sử dụng lao động là người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; chủ hộ kinh doanh cá thể; người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt đồng bộ với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Đề xuất nữa là quy định việc tham gia BHYT với nhóm người lao động đang tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; nhóm đối tượng người tham gia kháng chiến, nghệ nhân, nghèo đa chiều, dân quân tự vệ thường trực; người sinh sống ở xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh...; trẻ em dưới 6 tuổi có bố hoặc mẹ mang quốc tịch Việt Nam sinh ra ở nước ngoài sau đó được đưa về Việt Nam sinh sống lâu dài hoặc sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam; người nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập… trên lãnh thổ Việt Nam.
BHXH Việt Nam cũng đề nghị nâng mức hỗ trợ đóng từ ngân sách nhà nước cho một số người tham gia như học sinh, sinh viên, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50% mức đóng BHYT.
Ông Trần Quốc Túy nhấn mạnh, những đề xuất trên nhằm tạo điều kiện cho người dân giảm bớt khó khăn, duy trì chính sách BHYT bền vững, hướng tới BHYT toàn dân.
Theo BHXH Việt Nam, chính sách BHYT ở nước ta ngày càng được phát triển, hoàn thiện theo hướng mở rộng và bảo đảm tốt nhất quyền lợi BHYT của người tham gia.
Đặc biệt, người có công, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Quỹ BHYT đã tạo nguồn tài chính chủ lực và có đóng góp đáng kể cho công tác khám chữa bệnh BHYT.
Với mục tiêu luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên hàng đầu, nắm bắt và bám sát tình hình thực tiễn, ngành BHXH Việt Nam luôn chủ động và tích cực phối hợp cùng với các bộ, ban, ngành liên quan, kịp thời có những giải pháp tích cực trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia.
Lũy kế đến hết tháng 6/2022, ước toàn Ngành đã giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho gần 6,3 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; giải quyết khoảng 409 nghìn người hưởng các chế độ BHTN; giải quyết cho gần 65 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Không có mái ấm nào thực sự trọn vẹn nếu thiếu đi sự tôn trọng và an toàn cho mọi thành viên. Hiện thực ấy đã thôi thúc những người làm công tác cộng đồng, cán bộ hội, luật sư và cả những nạn nhân từng chịu tổn thương cùng chung tay hành động. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2022) đã đi vào cuộc sống, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai các mô hình phòng ngừa và can thiệp kịp thời, hiệu quả, góp phần gìn giữ sự yên ấm cho hàng trăm nghìn gia đình.
Ngọc Diễm
(Thanh tra) - Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào sáng 26/4 tại km 19 + 250 (đường lên thị trấn Tam Đảo) khiến 3 người tử vong và nhiều người bị thương nặng. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả và điều tra nguyên nhân vụ việc.
Chính Bình
Ngọc Diễm
Nguyễn Điểm
Ngọc Diễm
Phương Anh
Minh Tân
Vinh Nghị
Thùy Dương
TL
P.V
Phúc Anh
Anh Quân
Nhật Huyền
Nhật Huyền
Minh Tân