Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật phòng, chống mua bán người, sáng 24/6.

Mua bán người là tội phạm nguy hiểm nhất thế giới

Nêu ý kiến đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) dẫn báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2018-2022), cả nước đã phát hiện 394 vụ, với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người.

Theo bà Thu, nếu giai đoạn từ 2012- 2020, mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 80% số vụ), thì thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước.

“Riêng năm 2022, số vụ mua bán người trong nước chiếm đến 45% tổng số vụ” bà Thu lưu ý.

Mua bán người được Liên Hợp Quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Thời gian qua, đại biểu Thu nhận định, mua bán người vẫn tiếp tục diễn ra trên phạm vi toàn cầu với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

“Ngày nay, công nghệ phát triển các đối tượng chỉ cần ngồi tại một vị trí sử dụng mạng zalo, facebook để kết nối dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi mua bán nạn nhân ngay trong nội địa”, bà Thu nói.

Vì vậy, đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Góp ý nội dung cụ thể, đại biểu Thu tiếp tục dẫn báo cáo của Bộ Công an, theo đó số vụ phạm tội mua bán người có chiều hướng gia tăng hằng năm, đặc biệt thời gian qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá.

“Một số nơi nổi lên trình trạng mua bán trẻ sơ sinh tinh vi, núp danh các tổ chức thiện nguyện tự phát”, theo lời đại biểu đoàn Thái Bình.

Đề nghị xử hình sự đối tượng mua bán thai nhi

Đại biểu Thu cho rằng, mua bán thai nhi trong bụng mẹ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục, nhưng chưa được quy định trong pháp luật.

Do đó, cần bổ sung việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp mua bán thai nhi.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: P.Thắng

“Mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời, nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu.

Bà Phúc cho hay, theo pháp luật hình sự của nước ta hiện nay, chỉ được coi là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra đời, còn khi vẫn đang là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. Cho nên cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi.

Xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán, theo bà Phúc, cũng là hành vi phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người.

Nhưng thực tế pháp luật hiện nay chưa quy định nên không có cơ sở xem xét. Bộ luật Hình sự 2015 cũng như pháp luật về phòng chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về vấn đề trên.

“Trong lần sửa đổi luật lần này, đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ, trước tình hình mua bán đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi”, bà Phúc góp ý.

“Quyền lợi của nạn nhân nam dường như đang bỏ ngỏ”

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc còn lưu ý, hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức rất phức tạp như tham quan du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi thông qua các đối tượng là pháp nhân thương mại…

“Cần phải xem xét, cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người”, bà Thu nhói và nhấn mạnh, việc này nhằm kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia như hiện nay.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Tráng A Dương (đoàn tỉnh Hà Giang). Ảnh: P.Thắng

Trong khi, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, thực tế còn khoảng trống nhất định trong việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ giữa nạn nhân nam và nữ.

Các dịch vụ hỗ trợ mới chỉ tập trung vào nạn nhân nữ bị mua bán qua biên giới làm vợ hoặc làm mại dâm, còn những nhóm có nguy cơ khác như nam công nhân làm việc tại các công trường xây dựng, dịch vụ, đánh bắt hải sản hoặc những người bị mua bán trong nội địa thường ít nhận được sự quan tâm hơn.

“Nhu cầu, quyền lợi chính đáng của nạn nhân nam dường như đang bỏ ngỏ”, theo lời đại biểu Thu.

Để bảo đảm đầy đủ quyền của nạn nhân bị mua bán, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ…

Đại biểu Tráng A Dương (đoàn tỉnh Hà Giang) góp ý, phụ nữ và trẻ em gái bị tổn thương hơn vì mục đích mua bán người về tình dục, trong khi nạn nhân nam giới là trẻ em sẽ là mục tiêu của những kẻ mua bán người nhằm mục đích bóc lột sức lao động và hoạt động tội phạm.

“Những tổn thương của nạn nhân nam và nạn nhân nữ cũng tương đối khác nhau về mức độ trầm trọng”, ông Dương nêu và đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong phòng, chống mua bán người.

Hương Giang