Theo dõi Báo Thanh tra trên
Theo Trần Khánh/VOV.VN
Thứ bảy, 03/10/2020 - 07:43
Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu, tìm giải pháp công bằng, hợp lý để giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thông điệp tới Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Đây là một trong những nội dung chính được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập trong các bài phát biểu gửi tới Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75.
Những thách thức nghiêm trọng nhất trong 75 năm qua
Trong cả 2 bài phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nêu rõ, những thách thức mà thế giới đối mặt hiện nay là nghiêm trọng nhất kể từ khi Liên Hợp Quốc được thành lập 75 năm trước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc và kết thúc hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 trong một bối cảnh vô cùng đặc biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử, lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã không thể góp mặt tại Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, điều đó cũng không làm giảm nỗ lực chung của chúng ta trong trao đổi, đánh giá và tìm kiếm giải pháp cho những quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Tôi chia sẻ đánh giá của Ngài Tổng Thư ký rằng, cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi Liên Hợp Quốc được thành lập, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 gây ra đối với kinh tế, xã hội, chính trị và trên hết là đối với cuộc sống của con người”.
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Chúng ta kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc vào thời điểm rất đặc biệt, khi niềm tự hào về sự lớn mạnh của Liên Hợp Quốc đan xen với nỗi lo lắng về bất ổn, dịch bệnh đang lan rộng trên hành tinh… Thế giới đang đứng trước những thách thức chưa từng có tiền lệ. Đại dịch Covid-19, cùng với bất ổn, xung đột, cạnh tranh nước lớn, chính trị cường quyền, biến đổi khí hậu… đang đe dọa nền hòa bình và phát triển bền vững của các dân tộc”.
Việt Nam sẵn sàng gánh vác trách nhiệm chung
Cũng trong các bài phát biểu của mình, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã bày tỏ tin tưởng vào vai trò then chốt của Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết các thách thức nói trên và khẳng định, Việt Nam sẵn sàng gánh vác trách nhiệm chung với cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết những vấn đề nêu trên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Từ tro tàn của chiến tranh, sau 75 năm, thế giới đã không phải chứng kiến thêm một cuộc chiến tranh thế giới mới. Hòa bình, hợp tác hữu nghị được vun đắp; đói nghèo, bệnh tật được đẩy lùi; cuộc sống của nhân loại được đổi thay. Những thành quả to lớn đó không thể có được nếu không dựa trên những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, không thể đạt được nếu không có Liên Hợp Quốc - “trung tâm điều phối hành động chung của các quốc gia”.
Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam khẳng định vai trò là thành viên chủ động, tích cực của Liên Hợp Quốc, sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế chung tay gánh vác giải quyết các thách thức đang đe dọa tương lai hòa bình, ổn định lâu dài trên thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong vai trò là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu, tìm giải pháp công bằng, hợp lý để giải quyết các vấn đề hoà bình, an ninh khu vực và quốc tế; thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc với các tổ chức khu vực, đặc biệt là ASEAN.
Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cùng các nước thành viên đang hết sức nỗ lực để xây dựng một khu vực hoà bình, hữu nghị và hợp tác, từng bước trở thành một Cộng đồng ngày một gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, và sẻ chia trách nhiệm xã hội.
Chúng tôi khẳng định cam kết cùng các nước trong và ngoài khu vực duy trì, thúc đẩy hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; tuân thủ các nguyên tắc kiềm chế, tránh các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hoà bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý”.
Như vậy, có thể thấy, trải qua 75 năm thành lập, cho đến nay, Liên Hợp Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, hòa bình trên thế giới. Tuy nhiên, tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi sự chuyển mình thực sự của tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới này để có thể đương đầu và giải quyết hiệu quả những thách thức hiện tại và trong tương lai.
Điều này đỏi hỏi sự tham gia tích cực và chủ động hơn nữa của mọi thành viên của Liên Hợp Quốc, trong đó, Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ có những đóng góp thiết thực và chất lượng nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và những kết quả đạt được trong thời gian Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 1/2020 được đánh giá hết sức tích cực.
Cụ thể, trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã phản ứng rất kịp thời trước những vấn đề nảy sinh, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, trong đó có những vấn đề nổi lên như Syria, Libya, tiến trình hòa bình Trung Đông, Yemen, Tây Phi, Mali, Cộng hòa Trung Phi, Cyprus, Colombia, Nam Sudan, CHDC Congo…
Cũng trong thời gian trên, dưới sự chủ trì của Việt Nam Hội đồng Bảo an đã tổ chức 30 hoạt động chính thức, trong đó có 2 cuộc thảo luận mở, 8 cuộc họp nghe báo cáo và 4 cuộc họp thông qua nghị quyết được phát trực tiếp trên hệ thống thông tấn của Liên Hợp Quốc. Hội đồng Bảo an đã thông qua 13 quyết định, bao gồm 4 nghị quyết và 1 quyết định về việc gia hạn các phái bộ, lực lượng và cơ chế Liên Hợp Quốc, 1 tuyên bố của Chủ tịch, 5 tuyên bố báo chí và 2 thông tin báo chí. Đây là số lượng quyết định nhiều nhất trong một tháng làm việc của Hội đồng Bảo an trong nhiều năm gần đây.
Có thể nói, chất lượng và hiệu quả từ các hoạt động tại Hội đồng Bảo an đã cho thấy trách nhiệm từ cam kết đến hành động của Việt Nam trong các vấn đề chung của quốc tế, qua đó giúp nâng tầm uy tín, vị thế của Liên Hợp Quốc cũng như chính Việt Nam để hướng tới một tương lai vì hòa bình, ổn định lâu dài trên thế giới. Đây cũng chính là mục tiêu ban đầu mà Liên Hợp Quốc hướng đến khi mới được thành lập ngày 24/10/1945 tại San Francisco, Mỹ./.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thời gian qua, các chế độ, chính sách đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng tại Điện Biên được chi trả kịp thời, đúng đối tượng; đời sống người có công, thân nhân người có công với cách mạng không ngừng được quan tâm hỗ trợ.
Trần Trung
17:51 22/11/2024(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.
Phương Anh
15:41 22/11/2024Hoàng Nam
15:38 22/11/2024N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024Văn Thanh
12:44 22/11/2024Vũ Linh
12:37 22/11/2024Thái Hải
Trần Trung
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền