Theo dõi Báo Thanh tra trên
Theo Thùy Giang/Vietnam+
Thứ bảy, 16/05/2020 - 09:06
Đến nay là 30 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Những thành quả chống dịch của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Học sinh trên cả nước đi học sau khi dịch bệnh COVID-19 được đẩy lùi. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Hiện nay, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới vẫn rất phức tạp với số người nhiễm, tử vong do dịch bệnh tại nhiều nước vẫn gia tăng nhanh. Hiện có hơn 4,5 triệu người mắc trên toàn thế giới, trong đó có hơn 330.000 người đã tử vong.
Tại Việt Nam, đến thời điểm này ghi nhận 314 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 260 trường hợp đã khỏi bệnh, không có trường hợp nào tử vong. Những thành quả chống dịch của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi
Từ 0 giờ ngày 14/5, khu vực cách ly thôn Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội), khu vực cách ly cuối cùng của Hà Nội được gỡ phong tỏa. Như vậy, tại Việt Nam không còn ổ dịch COVID-19 nào trong cộng đồng.
Tính tới 16/5, cả nước đã có 30 ngày liên tục không phát hiện thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trong tổng số 314 trường hợp mắc bệnh COVID-19 có 174 trường hợp mắc bệnh là nhập cảnh được cách ly ngay, không để lây lan trong cộng đồng.
Đánh giá về công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ và sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và người dân, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng.
Thắng lợi trong công tác phòng chống dịch bệnh đến thời điểm này rất quan trọng và có ý nghĩa lớn, khẳng định quyết tâm, ý chí thống nhất trong hành động của toàn Đảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước trong công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, thời gian tới Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 ở các nước trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó dự báo. Số người nhiễm, số người tử vong do dịch bệnh tại nhiều nước vẫn ở mức cao, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải luôn đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, quyết không để dịch bệnh trở lại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đến thời điểm này, dịch bệnh ở nước ta cơ bản đã dược đẩy lùi nhưng chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác, phải kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại ở Việt Nam. Trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống nhân dân.”
Công dân Việt Nam từ Nga trở về nước. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)
Tiếp tục "bao đê cho chặt"
Cả nước đã bước sang giai đoạn mới phòng, chống dịch bệnh, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay hiện mỗi ngày Việt Nam xét nghiệm khoảng gần 2.000 mẫu và đến nay đã thực hiện xét nghiệm 275.000 mẫu, phát hiện 288 trường hợp nhiễm COVID-19, phần lớn ở trong cơ sở cách ly. Bộ Y tế đánh giá dịch tễ học về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện rất thấp.
"Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng được duy trì để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. Năng lực ứng phó với đại dịch tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 ở tất cả các tuyến.
Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, máy thở, thuốc điều trị… trong nước. Ban Chỉ đạo quốc gia tập trung điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, lực lượng phòng, chống dịch"- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Trong chiến lược dài hạn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam phải "bao đê cho chặt," tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, các lực lượng phòng, chống dịch như y tế, quân đội, công an… luôn trong trạng thái sẵn sàng. Đơn cử, ngành y tế tiếp tục triển khai nghiên cứu về thuốc, vắcxin, phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khoẻ điện tử từng người dân… Lực lượng quân đội, công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung.
Địa chỉ tin cậy đối với giới đầu tư
Thời gian qua, truyền thống quốc tế tiếp tục đề cao Việt Nam khống chế thành công dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và bắt đầu trở lại nếp sống yên bình. Nhiều nhận định đưa ra cho thấy việc Việt Nam đẩy lui được dịch bệnh đã trở thành địa chỉ tin cậy đối với giới đầu tư, tạo thuận lợi cho quá trình khôi phục sản xuất sau đại dịch.
Ngày 13/5, tại buổi họp trực tuyến với giáo sư Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Dịch vụ Y tế Australia đánh giá Việt Nam là một trong những nước ứng phó tốt nhất với dịch COVID-19 trên thế giới.
Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng trước các biện pháp rất nhanh, hiệu quả về phòng chống dịch COVID-19 đã được triển khai ở Việt Nam trong thời gian qua.
Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
“Việt Nam nắm bắt thông tin rất nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả… Tôi muốn dành thời gian phân tích, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam để chia sẻ với cộng đồng quốc tế,” tiến sỹ Kidong Park cho hay.
Chia sẻ cảm giác an toàn khi sống, làm việc tại Việt Nam thời gian qua, tiến sỹ Kidong Park và nhiều chuyên gia quốc tế cảm ơn và đánh giá cao sự chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin đầy đủ của Việt Nam về mọi hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kể cả số liệu về số ca nhiễm bệnh, số ca điều trị khỏi, và chưa có ca nào tử vong.
Tuy nhiên, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và một số chuyên gia quốc tế đều nhấn mạnh hiện thế giới vẫn chưa có thuốc đặc hiệu hay vắcxin điều trị COVID19… do vậy, dịch bệnh được dự báo sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm. Việt Nam vẫn phải ở trong tâm thế hết sức cảnh giác, theo dõi chặt chẽ khi các quốc gia đang phải ứng phó vô cùng vất vả, vẫn hiện hữu nguy cơ có những ca bệnh tại cộng đồng.
Thời gian tới, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt nam cần tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn như: Mô hình hoá sự lây lan dịch bệnh; đánh giá hệ thống y tế để tìm ra điểm yếu, hạn chế từ đó đầu tư kịp thời, đảm bảo luôn chủ động phòng, chống dịch; ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập bên ngoài; tăng cường giám sát các nhóm nguy cơ…/.
Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam.
Trong tháng 4/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Chỉ thị 19/CT-TTg ban hành ngày 24/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới nêu rõ: Được nới lỏng các biện pháp hạn chế để phục vụ phòng, chống dịch đã thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh; khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Thái Hải
19:16 13/12/2024Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Trần Quý