Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Viêm phổi và tiêu chảy: “Sát thủ” của trẻ em

Thứ hai, 02/07/2012 - 13:46

(Thanh tra) - Một báo cáo mới công bố trong tháng 6 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã nêu bật khoảng cách lớn về sự sống còn của trẻ em giữa nhóm trẻ giàu nhất và nhóm trẻ nghèo nhất. Báo cáo này tập trung vào bệnh viêm phổi và tiêu chảy - 2 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Loại trừ bệnh tật để giúp trẻ phát triển lành mạnh. Nguồn: valeofglamorgan.gov.uk

Với tiêu đề “Viêm phổi và tiêu chảy: Giải quyết 2 căn bệnh gây tử vong nhiều nhất ở nhóm trẻ em nghèo nhất trên thế giới”, báo cáo của UNICEF đã chỉ ra cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách về sự sống còn của trẻ em trong các quốc gia và giữa các quốc gia với nhau đó là khi các biện pháp phòng, chống viêm phổi và tiêu chảy có hiệu quả và tiết kiệm chi phí được nhân rộng và đến được với những trẻ em thiệt thòi nhất.

“Chúng ta biết những biện pháp có thể chống lại viêm phổi và tiêu chảy - 2 căn bệnh thường gặp ở những người nghèo và khó khăn nhất”, ông Anthony Lake, Giám đốc Điều hành UNICEF nói và nhấn mạnh: “Nhân rộng các biện pháp can thiệp đơn giản có thể giúp vượt qua được 2 trở ngại lớn nhất này góp phần tăng cơ hội sống ở trẻ em, giúp tạo cho mọi trẻ em cơ hội như nhau được lớn lên và phát triển”.

Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã đạt được nhiều thành công trong việc giảm tỉ lệ tử vong trẻ em trong vòng 20 năm trở lại đây. Tổng số trẻ tử vong dưới 5 tuổi đã giảm từ 2,2 triệu năm 1990 xuống xấp xỉ 700.000 trẻ năm 2010. Viêm phổi và tiêu chảy là nguyên nhân gây ra gần 1/3 số ca tử vong này, phần lớn rơi vào nhóm trẻ em nghèo nhất. Ở Việt Nam, tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm đáng kể, từ 51 em/1.000 ca đẻ sống năm 1990 xuống còn 23 em/1.000 ca vào năm 2010. Viêm phổi và tiêu chảy vẫn là 2 nguyên chính gây tử vong ở trẻ em, chiếm 12% và 10% tổng số tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Phòng ngừa và điều trị cả 2 căn bệnh trên có nhiều điểm tương đồng, bao gồm các bước căn bản như: Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ và rửa tay bằng xà phòng; tăng cường tiếp cận với vệ sinh môi trường; phát thuốc bù nước và điện giải (oresol) cho trẻ em bị tiêu chảy và điều trị kháng sinh cho trẻ em viêm phổi do vi khuẩn.

Từ năm 2006 - 2010, 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi trong khu vực bị nghi viêm phổi không được đưa tới các cơ sở y tế phù hợp. Gần 1/2 số trẻ em dưới 5 tuổi bị tiêu chảy không được uống thuốc bù nước và cho ăn tiếp tục - dấu hiệu cho thấy sự thất bại trong việc thực hiện một trong những can thiệp đúng đắn và đáng tin cậy.

Viêm phổi và tiêu chảy là nguyên nhân gây ra gần 1/3 số ca tử vong, phần lớn rơi vào nhóm trẻ em nghèo nhất. Tuy nhiên, các giải pháp đơn giản, tiết kiệm chi phí, tập trung vào trẻ em nghèo sẽ làm giảm đáng kể tử vong ở trẻ em - UNICEF.

Tại Việt Nam, trong vòng 2 tuần cuối tháng 5, đầu tháng 6 có khoảng 7% trẻ mắc tiêu chảy. Hơn 1/2 trong số các em mắc tiêu chảy (58%) được điều trị bằng oresol và 70% được uống oresol hoặc dung dịch muối bù nước tự chế. Hơn 3% trẻ em từ 0 - 59 tháng tuổi bị viêm phổi hoặc có triệu chứng bị viêm phổi trong 2 tuần này tại Việt Nam. 73% số trẻ đó được đưa đến các trung tâm y tế và 68% các em được điều trị bằng kháng sinh khi được chuẩn đoán bị viêm phổi.Hầu hết các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương có những hệ thống y tế khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, so với trẻ em nhà giàu, các em nhà nghèo trong khu vực ít có khả năng nhận được các can thiệp đơn giản giúp cứu mạng sống trước viêm phổi và tiêu chảy, do các em thường sống ở vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh và không dễ dàng tiếp cận được với các cơ sở y tế. “Nơi sống của trẻ có ảnh hưởng rõ ràng tới khả năng tiếp cận của các em tới các dịch vụ y tế. Tất nhiên, vẫn có những giải pháp dễ dàng và phù hợp với khả năng kinh tế để điều trị viêm phổi và tiêu chảy. Có điều, để thực hiện các biện pháp này cần phải có các cam kết và hành động của Chính phủ”, bà Lotta Sylwander, đại diện của UNICEF tại Việt Nam lưu ý. Cũng theo bà Lotta Sylwander, “hầu hết các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam, không cho phép cán bộ y tế cộng đồng ở các vùng xa xôi hẻo lánh cung cấp kháng sinh cần thiết cho trẻ em nghi bị viêm phổi. Trên thực tế, chỉ có 7 quốc gia ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương có chính sách quốc gia hỗ trợ điều trị viêm phổi tại cộng đồng bằng kháng sinh mặc dù có những minh chứng rõ ràng rằng, biện pháp này giúp cứu sống sinh mạng trẻ em”.Các quốc gia như Thái Lan, Mông Cổ và Malaysia là những nước ủng hộ biện pháp này và là những ví dụ điển hình cho thấy, tiếp cận đến các can thiệp đơn giản đã giúp giảm nguy cơ tử vong do viêm phổi ở trẻ em sống ở các vùng xa xôi hẻo lánh. Một cách thức đơn giản và hiệu quả khác để bảo vệ trẻ em khỏi bệnh tật đó là nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cứ 5 trẻ thì có chưa tới 1 trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn. Nghĩa là, các em bị tước đi một biện pháp bảo vệ hết sức quan trọng.  Không được sống trong môi trường vệ sinh sạch sẽ cũng đẩy hàng triệu trẻ em vào nguy cơ nhiễm các bệnh tiêu chảy. Tại Việt Nam, theo ước tính, khoảng 6,5% người dân phải đi vệ sinh ngoài trời và gần 1/2 dân ở nông thôn không được sử dụng nhà tiêu đủ hợp vệ sinh để ngăn ngừa các bệnh liên quan tới phân như tiêu chảy. Ảnh: Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nguồn: http://yume.vn Thêm vào đó, chỉ khoảng 70% số hộ nghèo ở Việt Nam có chỗ rửa tay, tức là có nơi để xà phòng và nước để rửa tay tại nhà, trong khi đó 98% hộ gia đình khá giả đều có chỗ rửa tay. Theo các số liệu mới công bố gần đây, tỉ lệ các bà mẹ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh là 36%, trước khi ăn là 23%, sau khi chuẩn bị đồ ăn cho con là 19% và sau khi cho trẻ đi vệ sinh là 15%.  Theo đại diện của UNICEF tại Việt Nam, các ca tử vong ở trẻ em do viêm phổi và tiêu chảy có thể được giảm đáng kể nếu giải quyết được các vấn đề này và tập trung các nỗ lực vào các cộng đồng nghèo nhất. “Bằng cách này, những tiến bộ to lớn trong việc giảm số ca tử vong ở trẻ em mỗi năm ở Việt Nam có thể được nhân lên gấp bội, giúp cứu vớt thêm nhiều mạng sống nữa”, bà Lotta Sylwander nói.

Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại An Giang còn cao

Theo Phân tích tình hình trẻ em tỉnh An Giang, do UNICEF và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang công bố công bố hôm 15/6, trong vòng 10 năm, từ 2000 - 2009, tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh và tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi giảm một nửa. Hiện có hơn 90% trẻ em 5 tuổi đi mẫu giáo, tăng đáng kể so với 27% năm 2000. Khoảng 95% trẻ 5 tuổi đã được đăng ký khai sinh và việc bảo đảm đăng ký khai sinh, tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em đã trở thành thói quen của các bậc cha mẹ ở tỉnh An Giang.

Tuy nhiên, cũng còn không ít thách thức to lớn mà trẻ em tỉnh An Giang đang phải đối mặt, đặc biệt là các em sống trong các gia đình nghèo, các trẻ em dân tộc Khơ-me và những trẻ em bị bỏ lại nhà vì bố mẹ di cư đi làm xa nhà. Ví dụ, mặc dù tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm đang kể trong thập kỷ qua, tỉ lệ này vẫn còn cao hơn tỉ lệ trung bình của toàn quốc và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi còn ở mức cao, 28% năm 2010. Chỉ có 16% trẻ em đi học mẫu giáo 2 buổi, điều này ảnh hưởng đến kết quả giáo dục và dinh dưỡng cho trẻ.

Tỉ lệ tiếp cận với nước sạch ở An Giang thấp hơn mức trung bình của toàn quốc và ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. An Giang cũng là tỉnh có tỉ lệ người không học hết tiểu học cao nhất nước, với 37% người trên 5 tuổi không học hết tiểu học. Lạm dụng trẻ em và trẻ em bị bắt nạt ở trường cũng là các vấn đề đáng lo ngại. Là tỉnh giáp biên giới nên nhiều trẻ em ở An Giang còn có nguy cơ bị buôn bán, bóc lột và lây nhiễm HIV.

Bích Lan

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm