Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ước vọng từ Đak Sah

Thứ ba, 31/01/2012 - 06:24

(Thanh tra) - Tựa lưng vào núi, bốn mùa mây phủ trắng trời, buôn Dak Sah, xã Dak Nuê không chỉ khiến những người đầu tiên đến đây cảm nhận rõ những nét hoang sơ, mà còn đọng nơi mọi người những cung bậc cảm xúc đẹp nhất về tình thầy trò, dù còn đó những khó khăn.

Phần lớn học sinh ở Dak Sah là người dân tộc H’Mông, Tày, Ba Na, nhiều em không biết tiếng Kinh

Cắm bản gieo con chữ

Dù chỉ cách Trung tâm xã Dak Nuê chừng 30km, nhưng Dak Sah không khác ốc đảo hoang sơ. Lọt thỏm giữa bốn bề đồi núi với gần trăm mái nhà tranh tre, nứa, lá của dân tộc H’Mông, Tày, Ba Na, cả buôn không gì khác ngoài những rẫy sắn, khoai dọc theo triền núi, với màu bạc phếch của đất và màu cằn khô của cây lá trong cái nắng như thiêu như đốt của núi rừng Tây Nguyên.

Dẫn chúng tôi về điểm trường tại thôn Dak Sah, thầy La Trọng Chương, Hiệu trưởng của Trường TH Lý Tự Trọng không thôi nhắc nhở về sự thiếu thốn, tạm bợ của hai lớp học nơi này. Từ trung tâm xã vào trường, chỉ một phương tiện là đi bộ, nhưng đường đi mỗi lúc một khó bởi cái khúc khuỷu, lởm chởm đất đá của những sườn đồi. 

Mất gần tiếng đồng hồ để có mặt ở đây. Không khí của Xuân đã tràn về khi dọc hai bên đường, hoa tre và các loại hoa dại vàng rực. Trên đường đi, thi thoảng cũng bắt gặp tiếng cười nói, gọi nhau của các thôn nữ dân tộc như kéo gọi sự bình yên, no ấm đang về khi đang thu hoạch mùa vụ. Đi sâu vào phía chân núi, dù chưa thể nhìn thấy mái trường, nhưng từ xa cũng đã có thể nghe vẳng tiếng đọc chữ bi bô vọng lại.

Dù mường tượng trước khó khăn và thiếu thốn tại lớp học ở đây qua lời kể của thầy hiệu trưởng, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước sự tuyềnh toàng và khó khăn từ nơi ăn, chốn ở, cho đến lớp học của các thầy trò. Nói là phòng học cho “sang” chứ thật ra đó là ngôi nhà bằng nứa, được ngăn làm đôi, rộng chừng hơn hai chục mét vuông nằm ở chân đồi với mấy bộ bàn ghế cũ kỹ và hai bảng gỗ nhỏ ở hai đầu. Hai phòng học này do người dân tự dựng bằng thứ tre nứa của núi rừng ngay trước thềm năm học mới. Trong căn phòng “bốn bề lộng gió”, một thầy và một cô giáo trẻ đang say sưa với bài giảng, các em học sinh thì đang cặm cụi theo từng con chữ. Phần lớn học sinh ở đây là con em người dân tộc H’Mông, Tày, Ba Na, nhiều em không biết tiếng Kinh.

Cô giáo Triệu Thị Hằng, người vào cắm bản từ Cao Bằng chia sẻ: “Những ngày đầu dạy các em, mình cũng không thể ngờ cái sự khó, sự nhọc lớn đến thế. Cái khó của cuộc sống thiếu thốn không đáng ngại, nhưng cái khó đến từ việc dạy chữ, việc làm sao duy trì sĩ số học sinh khiến mình đôi lúc nản lòng. Ấy thế, mà khi gắn bó với mảnh đất này, gắn bó với những đứa trẻ tinh nghịch đầu rám nắng, lại thấy yêu bọn trẻ nhiều hơn. Chúng hồn nhiên, vô tư như chính những cây non lớn lên giữa rừng già. Chúng ham học lắm anh ạ! Nhiều đứa nhà xa hàng chục cây số, nhưng chẳng vắng buổi nào. Nhiều khi thấy chúng đến lớp mà người lấm lem bùn đất, mình thương mà tự nhủ lòng, phải cố gằng thật nhiều vì tụi nhỏ, vì một tương lai không thể thiếu cái chữ của chúng”.

Cuộc sống thiếu thốn, đường đi khó khăn, một tháng mới có điều kiện ra thị trấn một lần để mua sắm những thứ vật dụng tối thiểu, nên ngoài giờ lên lớp, các thầy cô phải trồng thêm luống rau, đi rừng kiếm ít măng làm lương khô dự trữ.

Thầy Ngô Văn Đại cho biết, lương thực chính của tụi em là cá khô, trứng và mì gói. Bà con họ còn khó hơn mình nhiều. Nhiều đứa trẻ đến lớp mà bụng sôi ùng ục, nhiều hôm đang học phải chạy ra rừng hái sim, hái chuối ăn. Nghĩ mà không đành lòng bỏ lớp, bỏ buôn. Dù cắm bản, nhưng ngoài lương theo chế độ hợp đồng, giáo viên tại đây không được nhận thêm bất cứ một khoản hỗ trợ nào.

Ước mơ khai sáng

Dak Sah được hình thành từ đầu những năm 2000, chủ yếu là người dân tộc H’Mông từ miền Bắc di cư vào, nên thường được gọi bằng cái tên quen thuộc là “làng Mông”. Hiện, thôn có 74 em trong độ tuổi đến trường. Từ lớp hai, các em phải đi bộ để đến lớp học ghép xa hơn 10km.

Thầy La Trọng Chương, Hiệu trưởng Trường TH Lý Tự Trọng cho biết, Dak Sah và PaPi là hai điểm trường xa nhất, cách trung tâm xã từ 30 - 47km. Chính vì thế, trước đây rất ít các em nhỏ ở đây được đi học do nhà nghèo, ở quá xa trường.

Điểm Trường buôn Dak Sah với 2 lớp mới được hình thành từ đầu năm. Trong quy hoạch, sắp tới Dak Sah sẽ được đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh, trong đó có 6 phòng học kiên cố. Đó là tín hiệu vui đối với người Dak Sah. Nhưng đó là chuyện của tương lai.

Không có nhiều điều kiện giải trí, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, niềm vui trong những lúc rảnh rỗi của thầy cô bán bản là việc đi tới từng nhà vận động học sinh nghỉ bỏ học ra lớp, kèm cặp cho những em học yếu... Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu không xuất phát từ tình yêu, niềm đam mê, có lẽ công tác “dân vận” ấy cũng chẳng gì khác ngoài một nhiệm vụ.

Cô Triệu Thị Hằng chia sẻ: “Việc học ở đây tuy ít nhiều đã có những đổi thay, phụ huynh đã quan tâm đến việc học của con em nhiều hơn, nhưng không vì thế mà mình có thể lơ là. Tụi em vẫn thường xuyên gặp trưởng thôn, trưởng bản để “ký ước” giao kèo miệng với nhau trong công tác vận động học sinh ra lớp. Học sinh nào nghỉ học không chỉ giáo viên có trách nhiệm mà ngay cả trưởng buôn, trưởng bản cũng phải giải trình cho vấn đề đó. Chính vì thế, việc học ở đây của các cháu được duy trì rất đều đặn, tỷ lệ nghỉ bỏ học lên nương gần như là không còn.

Cùng ăn ở và sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn đủ bề với thầy cô một đêm tại buôn Dak Sah, chúng tôi mới hiểu, mới thấm thía nhiều hơn về những khát vọng và hoài bão của đội ngũ giáo viên nơi đây khi họ quyết tâm vượt suối, băng rừng đi gieo mầm con chữ, với mong ước sẽ có ngày bọn trẻ tìm thấy một tương lai tươi sáng cho chính cuộc đời chúng.

Không phải là chuyện tếu, khi thầy Ngô Văn Đại kể về những kỷ niệm vui khi bọn trẻ xưng tao với thầy vì chưa biết tiếng Kinh, chia sẻ với thầy củ khoai nếu hôm nào học trễ. Nghe những ấp ủ, những hoài bão không dành cho bản thân, mà chỉ dành cho những đứa trẻ, tôi thấy trân trọng và quý biết bao những con người đang ngày đêm thầm lặng cống hiến và gieo trồng những hạt ngọc xanh tươi cho đời.


Anh Tú

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm