Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 21/06/2013 - 12:46
(Thanh tra) - Trong không khí kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2013), một tọa đàm mang tính nghề nghiệp, chủ đề “Nhà báo phải biết tự bảo vệ” đã được Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Cục Báo chí tại phía Nam tổ chức thành công với sự tham gia của hơn 70 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn.
Chủ đề “Nhà báo phải biết tự bảo vệ” được xới lên trước thực trạng không dưới mấy chục vụ nhà báo bị cản trở, bưng bít thông tin, đe dọa, hành hung khi tác nghiệp, và sau mỗi trang báo có thể là trả thù, khởi kiện... Nhiều tâm tư khi thiếu sự công bằng hay tôn trọng giữa các tờ báo. Nguyên nhân được các nhà báo lý giải dưới nhiều góc độ khác nhau, mục đích bảo vệ quyền hành nghề của nhà báo và những khuyến cáo cho chính các nhà báo khi thực thi nhiệm vụ của mình, trên thế nữa, tự bảo vệ được xem là thiên chức của nghề báo, là việc cần làm trong suốt cuộc đời, suốt các thế hệ người làm báo.
Khái niệm “tự bảo vệ” có khác với việc bảo vệ quyền hành nghề của nhà báo, vấn đề đặt ra lại nằm ngay trong bản thân mỗi nhà báo bởi mỗi người phải xác định làm báo là bảo vệ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân mình. Bản lĩnh chính trị có vững vàng thì bản lĩnh nghề nghiệp mới nâng cao. Hệ thống pháp luật đã có những hành lang riêng cho nghề báo, nhà báo, dù còn có chỗ chưa rõ nhưng dẫu sao sự bảo vệ này cũng là tấm áo giáp khá kiên cố. Nhà báo cần tự biết giảm thiểu tối đa những rủi ro bằng cách hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn Luật Báo chí và các bộ luật có liên quan trong quá trình tác nghiệp. Bản thân nhà báo không nằm ngoài sự điều chỉnh của của pháp luật nên biết khi nào nên dừng lại trong phạm vi quyền và trách nhiệm của mình thì rủi ro sẽ được hạn chế. Nhà báo có thể khiến người đọc sợ hay nghe theo, nhưng để người đọc, nhân dân kính nể thì quả không dễ. Các nhà quản lý báo chí vẫn than phiền, số đơn thư tố cáo, khiếu nại nhà báo nhiều hơn rất nhiều số vụ nhà báo bị hành hung. Nhiều cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, khi phóng viên vi phạm lại xử lý qua loa hoặc để trôi đi. Mãi thành quen thì sai phạm của phóng viên càng dễ mắc.
Rủi ro còn tự xuất hiện khi nhà báo không xây dựng được nguồn tin, không bảo vệ được nguồn tin; không biết cách tấn công vào những thành trì chứa đựng thông tin; không giữ vững được phẩm chất đạo đức; không chống lại được cám dỗ của “văn hóa phong bì”, kể cả sử dụng hành vi sai phạm để xử lý vấn đề sai phạm… Có ý kiến cho rằng, nhà báo nói chung và nhất là các nhà báo trẻ cần thấm nhuần biện pháp “tự bảo vệ”, trước hết là trang bị những “vũ khí” cần thiết như vốn kiến thức, trình độ nghiệp vụ và sự khiêm tốn trong học hỏi, tác nghiệp.
Tự bảo vệ từ bên trong, đó là việc các nhà báo phải trang bị và sử dụng thuần thục kỹ năng dành cho một người làm báo. Nếu không muốn bị coi thường, bị tránh né, bị cư xử bất công, bị kiện tụng, bị hầu tòa… và rồi bị lu mờ trong làng báo, thì việc “tự bảo vệ” không chỉ đơn thuần là tránh bị hành hung hay đe dọa. Tác nghiệp đúng pháp luật, thu thập và xử lý thông tin đúng pháp luật, cái tâm sáng dành cho lẽ phải, cho quyền lợi chính đáng của đất nước, của người dân sẽ khiến nhà báo tự xua đi bớt rủi ro trên đường hành hiệp.
Và, từ bên ngoài, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí, ngoài việc tạo điều kiện tác nghiệp, định hướng thông tin; giáo dục tư tưởng đạo đức còn cần là chỗ dựa tin cậy để bảo vệ nhà báo chân chính khi gặp nguy nan. Thực tế, trong các vụ nhà báo bị hành hung, cản trở, dù công luận lên tiếng gay gắt nhưng rồi việc xử lý thay thông tin chính thức lại rơi vào im lặng.
Tự bảo vệ và được bảo vệ, 2 vấn đề đều cần được quan tâm, song thông điệp cho mỗi nhà báo là muốn làm một nhà báo tốt, được kính trọng, khâm phục, trước hết cần học cách tự bảo vệ mình.
Bút Chì
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
T.Thanh
13:44 12/12/2024(Thanh tra) - Ngày 12/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đang theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh “bí ẩn” khiến nhiều người mắc và tử vong ở Congo, trường hợp có diễn biến mới sẽ đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.
Phương Anh
13:28 12/12/2024Hải Hà
12:08 12/12/2024Trần Lê
10:32 12/12/2024Thu Nga
21:26 11/12/2024Trần Kiên
20:41 11/12/2024N. Phó
Thu Huyền
Hương Giang
Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh