Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thực phẩm bẩn bủa vây trường học

Thứ bảy, 13/10/2012 - 06:36

(Thanh tra)- Đó là kết quả kiểm tra của Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (VSATTP) Hà Nội đối với các điểm bán hàng rong tại các quận nội thành. Đây là những tác nhân gây ra ngộ độc thực phẩm (NĐTP) nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Học sinh tan tầm vây kín các quầy hàng rong

Tại cổng Trường Tiểu học và THCS Định Công, quận Hoàng Mai có đến 15 cửa hàng bán đồ ăn sẵn phục vụ học sinh như xôi, bánh mì, nước uống các loại. Giờ tan trường có khoảng 5 - 7 chiếc xe thồ bày bán nem chua, xúc xích rán, bim bim các loại.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Trung tá Đoàn Xuân Chức, Phó trưởng Công an phường Định Công cho hay, trước giờ tan trường lực lượng trật tự Công an phường liên tục đứng chốt tại các cổng trường vừa để xử lý ách tắc giao thông, vừa dẹp các quán bán rong. Tuy nhiên, việc xử lý bán hàng rong tại các cổng trường  không dễ.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, Hiệu phó Trường THCS Định Công cho biết, mặc dù nhà trường nhắc nhở phụ huynh cấm học sinh không được mua đồ ăn ngoài cổng trường trong giờ giải lao, thế nhưng, vẫn có em lén lút mua khi tan trường ăn trên đường về nhà, điều này nhà trường khó kiểm soát.

Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các quán trước cổng trường tiểu học, THCS và THPT ở Hà Nội đều bày bán bim bim, ô mai, xúc xích, nước giải khát hoa quả… Phần lớn các mặt hàng này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, không có hạn sử dụng với nhiều mức giá khác nhau. Chẳng hạn: Bim bim, kẹo giá từ 500 - 1.000 đồng/gói; nước hoa quả, xúc xích với giá 10.000 đồng/sản phẩm… Nguồn hàng chủ yếu được lấy từ những ki-ốt tạp hóa ở các chợ Đồng Xuân, Nghĩa Tân và Hàng Bè.

 Năm 2011, gần 200 vụ NĐTP trên cả nước với 4.700 trường hợp mắc. Tỉ lệ trẻ em dưới 4 tuổi bị NĐTP trong 10 năm qua chiếm 4,1% số ca mắc; chiếm 3,9% số đi viện và 4,7% số chết trong tổng số các vụ NĐTP. Đáng chú ý, những trẻ dưới 2 tuổi bị ngộ độc chủ yếu do thực phẩm được chuẩn bị tại nhà, trẻ từ 2 - 5 tuổi ngộ độc do nhiều yếu tố, như ở nhà, môi trường, lớp học. Ecoli và Salmonella là 2 tác nhân gây ngộ độc phổ biến nhất.

TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm VSATTP Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2008 đến nay, liên tục xảy ra các các vụ ngộ độc liên quan đến ATTP, trong đó có cả thực phẩm dành cho trẻ nhỏ. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2012 đã nổi cộm vụ thuốc cam có độc tố chì, thịt chứa chất tăng trưởng. Số trẻ bị NĐTP ở các TP lớn chiếm tỷ lệ cao nhất.

Theo bà Hoàng Thị Minh Thu, Chi Cục phó Chi cục VSATTP Hà Nội, 9 tháng qua, Chi cục tiến hành kiểm tra tại các cổng trường tiểu học, THCS ở 5 quận nội thành. Kết quả cho thấy, 100% mặt hàng đồ ăn kinh doanh trên xe đạp, xe đẩy hoặc quang gánh đều không bảo đảm VSATTP. Những cơ sở kinh doanh ăn uống tại các cổng trường được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP chiếm khoảng 50%. Đa số cơ sở chế biến từ nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng, không đủ nước sạch khi chế biến, rửa dụng cụ, điều kiện vệ sinh cơ sở và vệ sinh cá nhân. 

“Để hạn chế nguy cơ mất VSATTP từ hàng rong gây ra, chúng tôi đã tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch liên ngành y tế - giáo dục tăng cường bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục, trong đó phối hợp giám sát cơ sở kinh doanh trường. Đồng thời, phối hợp với phụ huynh chỉ bảo và giám sát các em không được sử dụng đồ ăn được bán trên chiếc xe thồ lưu động, hàng quán không bảo đảm vệ sinh”, bà Thu nói.

Theo TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), các sản phẩm vi phạm VSATTP dành cho trẻ nhỏ ngày càng tăng. Nếu như năm 2010, chỉ có 99 sản phẩm được công bố, năm 2011 tăng lên 135 và riêng 4 tháng đầu năm 2012 đã có tới 31 sản phẩm vi phạm. Trong khi đó, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, vi phạm ghi nhãn, vi phạm về hàm lượng thành phần so với công bố.

Để quản lý những thực phẩm dành cho trẻ em, ông Nguyễn Hùng Long cho biết, tới đây, các cơ sở sản xuất và kinh doanh thức ăn cho trẻ nhỏ sẽ áp dụng hệ thống quản lí chất lượng theo GMP hoặc HACCP. Ngoài ra, các cơ sở này không chỉ bảo đảm ATTP mà còn phải bảo đảm chất lượng dinh dưỡng, đáp ứng đủ số lượng và hàm lượng vitamin, chất khoáng, vi chất và một số chất bổ sung dinh dưỡng: DHA, taurin, cholin... để cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho từng giai đoạn phát triển của trẻ.


Q.Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm