Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra và bổ nhiệm

Thứ năm, 24/05/2012 - 06:33

(Thanh tra)- Ngày trước, hễ thanh tra xong là phải báo cáo Cụ Hồ. Cụ xử lý nghiêm minh lắm, nên các cuộc thanh tra đều được các cấp, ngành nín thở theo dõi.

Ngành nào có cuộc thanh tra do đoàn của cấp Trung ương về làm là thế nào cũng có chuyện “động trời”. Nhẹ thì lãnh đạo đơn vị mất chức, chuyển công tác, nặng thì ra toà, đi tù mọt gông, hoặc tử hình. Quân đội, công an, uỷ ban các cấp cứ gọi là lo ngay ngáy...

Cho nên, việc quản lý Nhà nước thật nhẹ nhàng. Nói là làm. Lãnh đạo là phải gương mẫu, khuôn vàng thước ngọc. Càng cao, càng sáng giá! Nhân viên, cán bộ, ai cũng phải lo lắng hoàn thành bổn phận của mình. Làm gì có việc lãnh đạo lo hộ. Làm gì có chuyện chạy chức, chạy án, chạy bằng cấp, chạy thành tích...

Những năm gần đây, các cuộc thanh tra xong, việc xử lý kém hiệu quả. Các cuộc thanh tra được công bố kết luận hàng năm, có khi thu không được 25% tiền sai phạm, còn việc xử lý cán bộ thì... ít dần. Dư luận ồn ào, đoàn thanh tra bức xúc... Nhưng rồi đâu lại vào đấy!

Gần đây vụ Vinashin, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ở Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), một số vụ ở Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo... gây xôn xao dư luận. Và thực tế đang được xử lý nghiêm. Có điều, dư luận thấy lạ là các cuộc thanh tra đều bị cấp trên và cơ quan chủ quản xem nhẹ.

Điển hình là vụ thanh tra ở Vinalines. Đoàn thanh tra công bố quyết định ngày 7/9/2011, với thời hạn 75 ngày. Và chậm nhất trong tháng 12/2011, đã có dự thảo kết luận thanh tra. Theo quy định, hàng tuần, hàng tháng phải có báo cáo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về tiến độ công việc. Khi phát hiện sự việc nghiêm trọng, phải báo cáo ngay lập tức, để lãnh đạo bàn hướng xử lý. Thường thì ngay tháng đầu tiên, những sai phạm nghiêm trọng đã được các đoàn phanh phui, lập biên bản, có báo cáo... để lãnh đạo cho ý kiến chỉ đạo.

Về lý thuyết, trong tháng 10/2011, đã có các sai phạm nằm trên bàn giấy các cấp lãnh đạo và không có lý gì mà Bộ GTVT “qua mặt” đoàn thanh tra để bổ nhiệm người đứng đầu Vinalines - đơn vị đang có nhiều sai phạm, lên vị trí cao hơn: Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam!

Tháng 2/2012, Bộ trưởng Bộ GTVT mới ký quyết định bổ nhiệm. Vậy là, quy trình bổ nhiệm được làm song hành cùng với việc kết thúc thời gian làm việc của đoàn thanh tra.

Như vậy, một bên Thanh tra Chính phủ có dự thảo và kết luận thanh tra, các cuộc họp, hội ý cấp cao đang bàn cách xử lý kẻ sai phạm. Còn một bên, Bộ GTVT tìm cách nhanh chóng bổ nhiệm người sai phạm, đặt các cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước trước sự đã rồi! Chắc rằng, lãnh đạo Bộ này không có văn bản đề nghị, hay xin “ý kiến, ý voi” gì với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng…

 Chẳng nhẽ, việc ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines quyết mua ụ nổi quá thời hạn sử dụng 22 năm, bị cơ quan đăng kiểm Nga loại bỏ, coi như đồng nát, được dự định mua với giá hơn 14 triệu USD, nhưng quyết toán gần gấp đôi: 26 triệu USD mà không đáng kiến nghị cách chức, bỏ tù sao? Việc mua 73 tàu cũ, loại siêu trường, siêu trọng cũng là để làm giá lấy “hoa hồng”, trên dưới chia nhau, còn... thua lỗ không chạy được, có Nhà nước lo... Chẳng nhẽ, đoàn thanh tra không thấy xót 23.000 tỷ đồng của ngân sách mà chưa hề được Chính phủ đồng ý? Có người đặt vấn đề: Sao khi người ta bổ nhiệm “thằng đó”, không ai lên tiếng? Sao không than lên một tiếng để báo chí biết mà lên án?

Để đến bây giờ, dư luận ầm ĩ, lãnh đạo Bộ GTVT tỉnh bơ phán rằng: Không biết các sai phạm của ông Dũng và Vinalines! Khi bổ nhiệm ông ta, chưa có các kết luận thanh tra!

Vâng, thưa lãnh đạo Bộ GTVT! Có cái gì xảy ra trong Vinalines mà các ông không biết? Nếu quản lý mà không biết gì về các thủ đoạn sai phạm, báo cáo láo, lạm dụng chức vụ quyền hạn của cấp dưới thì ai dám giao cho các ông quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này? 6 năm ông Dương Chí Dũng làm Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị thì chỉ 2 năm Vinalines có lãi, còn thì lỗ đầm đìa: Năm 2009, lỗ 412 tỷ đồng; năm 2010, lỗ 1.274 tỷ đồng... Các ông làm lãnh đạo, đi sâu đi sát sao không biết? Không biết thì tham mưu kiểu gì? Các ông đã bất chấp Luật Thanh tra, Luật Phòng, chống tham nhũng... cứ tiến hành, tổ chức bổ nhiệm, ăn mừng, chúc tụng một kẻ tham nhũng?
 
Ngành nên tập trung học tập, làm theo gương Bác trong việc xử lý sau thanh tra để không tái diễn vụ việc nghiêm trọng  trên.

   
   Hoàng Trí

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm