Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sẵn sàng các kịch bản cho “ngày hội toàn dân” giữa đại dịch COVID -19

Hương Giang

Thứ ba, 18/05/2021 - 07:00

(Thanh tra) - Trước bối cảnh đại dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, các địa phương đã và đang chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó để “ngày hội toàn dân” - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tới đây thành công, an toàn.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Đoàn Giám sát, kiểm tra của Hội đồng Bầu cử Quốc gia kiểm tra công tác bầu cử tại Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

“Ngày hội toàn dân” - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức vào chủ nhật (23/5) tới đây với gần 85.000 điểm bầu cử trên cả nước.

Bằng lá phiếu của mình, cử tri sẽ bầu ra 500 đại biểu Quốc hội và hàng nghìn đại biểu HĐND các cấp. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, diễn ra trong thời điểm nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID -19 đang diễn biến rất phức tạp.

Hiện, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính” để đẩy lùi COVID -19 trên cả nước, bảo vệ sức khỏe nhân nhân, phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt là bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Điểm cách ly, phong toả có phương án riêng

Theo Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường, trường hợp dịch COVID -19 bùng phát dẫn đến không thể tổ chức được việc bỏ phiếu đúng ngày bầu cử hoặc địa phương phải áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa xã hội thì Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh sẽ chủ động đề xuất, báo cáo rõ phương án.

Trong đó phải nêu rõ thời điểm, cách thức thực hiện việc bỏ phiếu và những công việc cần thực hiện khác để Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định. “Hiện nay, các địa phương đã, đang phải tính đến các phương án tổ chức bỏ phiếu trong bối cảnh phòng chống dịch, đảm bảo an toàn”, ông Cường cho hay.

Tại Hà Nội, bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi bầu cử thì có phương án riêng đối với các điểm cách ly, phong tỏa. Tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều sẽ bố trí thùng phiếu lưu động để cán bộ, y bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại đây vẫn được thực hiện đầy đủ quyền bầu cử.

Ông Nguyễn Chí Đoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội cho biết, TP xây dựng kịch bản chi tiết tại tất cả các khu vực bỏ phiếu.

Hà Nội đã xây dựng kịch bản chi tiết tại tất cả các khu vực bỏ phiếu, trong đó có phương án riêng với các điểm cách ly, phong tỏa. Ảnh: Đ.X

Trong đó, chú ý xem xét, quyết định ghép danh sách cử tri ở cơ sở cách ly tập trung vào khu vực bỏ phiếu thích hợp; chuẩn bị hòm phiếu phụ, phiếu bầu cử, con dấu “Đã bỏ phiếu” và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác cho công tác tổ chức bỏ phiếu tại cơ sở cách ly tập trung.

Các quận, huyện của Hà Nội có phương án để sẵn sàng thay thế thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử ở các cấp, trong trường hợp các thành viên là người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc COVID -19 (F1, F2) dẫn đến phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà hoặc do yêu cầu nhiệm vụ.

Cũng theo ông Đoàn, với những nơi không thể chuyển ngay hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, sau khi hết giờ bỏ phiếu, thành viên tổ bầu cử tại cơ sở cách ly tập trung được phép thực hiện việc kiểm phiếu theo quy và báo cáo kết quả kiểm phiếu cho tổ trưởng tổ bầu cử bằng cách thức phù hợp…

Cử tri bỏ phiếu theo giờ, dùng bút, thước riêng

Tại TP Hồ Chí Minh, Uỷ ban Bầu cử TP yêu cầu sắp xếp chỗ ngồi tại các điểm bầu bảo đảm yêu cầu giãn cách, không tập trung đông người; bố trí thời gian bỏ phiếu và phân luồng từ xa phù hợp cho cử tri từng khu vực, điểm dân cư. Nếu địa điểm bỏ phiếu đang thực hiện giãn cách xã hội, sẽ xử lý khử khuẩn phiếu bầu và thùng phiếu sau khi kết thúc việc bỏ phiếu.

Còn tại Bắc Giang thì mỗi điểm bầu cử, khu bỏ phiếu đều phải có đầy đủ điều kiện phòng dịch như sát khuẩn, giữ khoảng cách, đo thân nhiệt cử tri, yêu cầu phải đeo khẩu trang, đặt vị trí thùng phiếu bảo đảm khoảng cách an toàn cho cử tri khi ghi phiếu, bỏ phiếu và trong lúc đứng chờ bỏ phiếu…

“Với khu vực "cách ly nhà với nhà" sẽ thực hiện mang thùng phiếu phụ đến từng nhà”, Tổng Thư ký Quốc hội thông tin thêm, với các bệnh nhân dương tính với COVID-19, F1 đang cách ly tập trung, tỉnh Bắc Giang sẽ điều chỉnh danh sách cử tri về nơi cử tri đang thực hiện cách ly hoặc điều trị COVID -19 để họ thực hiện quyền bỏ phiếu.

Bằng lá phiếu của mình, cử tri sẽ bầu ra 500 đại biểu Quốc hội và hàng nghìn đại biểu HĐND các cấp. Ảnh: LTM

Đề ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch bệnh COVID-19, người tham gia công tác bầu cử cần khai báo y tế; nghiêm túc đeo khẩu trang, không khạc nhổ bừa bãi, phải che miệng mỗi khi ho và hắt hơi, bỏ rác thải đúng nơi quy định; xếp hàng để vào bầu cử, giữ khoảng cách giữa người trước và người sau tối thiểu là 2 mét, di chuyển theo hướng một chiều.

Đáng chú ý, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp xã và tổ bầu cử xây dựng kế hoạch phân chia thời gian bỏ phiếu của cử tri theo các thôn, tổ dân phố theo từng đợt đi bầu cử; thời gian trung bình mỗi đợt cách nhau từ 1 - 2 giờ, bảo đảm không tập trung quá đông tại phòng bỏ phiếu. Trong ngày bầu cử, tổ bầu cử phải thông báo kế hoạch phân chia thời gian bỏ phiếu để cử tri biết.

Bộ Y tế còn lưu ý, cử tri khi tham gia bỏ phiếu phải sử dụng bút, thước riêng (thải bỏ sau 1 lần sử dụng). Tại các địa phương đang phát hiện ca nhiễm, mỗi điểm bầu cử phải bố trí một khu vực cách ly tạm thời dành cho người nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Ngoài ra, các điểm tổ chức bầu cử phải ghi chép thời gian bầu cử của cử tri để thuận lợi trong tổ chức quản lý và truy vết nếu có trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2…

Bầu cử thể hiện quyền làm chủ của nhân dân

“Bầu cử là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương nói riêng”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, việc lựa chọn những người bảo đảm tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước là yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa chính trị to lớn.

Để bảo đảm cuộc bầu cử thành công, không để xảy ra vi phạm, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia đề nghị, đẩy mạnh tuyên truyền đến từng gia đình để cử tri nghiên cứu kỹ danh sách người ứng cử, chủ động tham gia bầu cử, tránh “bầu hộ, bầu thay”.

Cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, không lơ là, chủ quan mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm nhưng cũng không hoang mang, cần bình tĩnh, tự tin ứng phó với từng tình huống khi dịch xảy ra trên địa bàn. “Chúng ta cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch bệnh, an ninh trật tự, thời tiết trước và trong lúc cuộc bầu cử diễn ra”, ông Cường nêu.

Bỏ phiếu bắt đầu và kết thúc khi nào?

Vào ngày 23/5, việc bỏ phiếu sẽ bắt đầu từ 07 giờ sáng và thực hiện liên tục cho đến 07 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 05 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 09 giờ tối cùng ngày.

Trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.

Tổ bầu cử thực hiện việc đóng hòm phiếu vào đúng thời gian đã quy định, không phụ thuộc vào việc cử tri đã bỏ phiếu hết hay chưa.

Trường hợp chưa hết thời gian bỏ phiếu theo quy định mà đã có 100% người trong danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu đã tham gia bỏ phiếu thì tổ bầu cử cũng không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu trước thời điểm 07 giờ tối cùng ngày.

Về nguyên tắc, các tổ bầu cử, thành viên các tổ bầu cử có thể vận động, tuyên truyền để cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu, thực hiện quyền bầu cử của mình nhưng không được thúc giục, ép buộc cử tri phải đi bỏ phiếu sớm để kết thúc sớm việc bỏ phiếu. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm