Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những "bông hoa" nở trong mùa dịch

Thứ bảy, 19/06/2021 - 15:32

(Thanh tra)- Người viết bài này xin được dùng hình ảnh bông hoa để ví von họ, những chiến sĩ thông tin trong “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19. Họ là những phóng viên thời sự, phóng viên y tế không quản ngày đêm, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm của dịch bệnh, đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch...

"Những ngày không quên" của phóng viên tại tâm dịch. Ảnh: Phương Thảo

“Những ngày không quên”

Từ tâm dịch Bắc Giang, phóng viên Trần Tú, Truyền hình Thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam) chia sẻ, là một trong những nhóm phóng viên có mặt sớm nhất tại tâm dịch Bắc Giang, những ngày qua, ê kíp Truyền hình Thông tấn đã có được những trải nghiệm rõ nét nhất về tình hình dịch bệnh cũng như quá trình đấu tranh với Covid-19 tại địa phương.

Tú cho biết, phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm khi các ca dương tính tăng lên từng ngày, nhưng anh em phóng viên vẫn cố gắng tiếp cận, bám trụ tại các ổ dịch, tâm điểm tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh như huyện Việt Yên, Yên Dũng... để đưa tin.

“Mặc dù cũng khá lo lắng trước khả năng lây nhiễm từ các ổ dịch, nhưng với nhiệt huyết, tình yêu với nghề, quan trọng hơn là ý thức chung tay với người dân địa phương trong đấu tranh với dịch bệnh, anh em phóng viên luôn cố gắng hết sức truyền tải những hình ảnh, tin bài kịp thời nhất về thực trạng dịch bệnh tại Bắc Giang tới khán thính giả trên cả nước”, Trần Tú cho biết.

Trong những ngày qua, hàng trăm đoàn công tác chi viện, hàng ngàn chương trình cứu trợ của đồng bào cả nước đã đến được với người dân Bắc Giang và đặc biệt là lực lượng công nhân đang ngày đêm chiến đấu với dịch dã tại các khu nhà trọ trong điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, thiếu thốn lương thực, thực phẩm.

“Trước những nghĩa cử cao đẹp, sự chi viện kịp thời của cả nước, Bắc Giang đang dần khống chế được dịch bệnh. Anh em phóng viên chúng tôi cũng phần nào tự hào với những đóng góp nhỏ bé của mình trong công cuộc đấu tranh với dịch bệnh tại nơi đây. Mỗi ngày đi qua là những ngày không thể nào quên đối với anh em phóng viên chống dịch”, Tú nói.

Cũng trong thời gian này, Tiểu ban Truyền thông của Bộ Y tế gồm Nguyễn Phương Thảo (Vụ Thi đua Truyền thông và Khen thưởng) cùng 4 phóng viên của Báo Gia đình và Xã hội, Báo Sức khỏe và Đời sống, ngày đêm lăn lộn tại tại tâm dịch Bắc Giang. Nhiều ngày qua, anh chị em phóng viên thức đêm cùng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, trắng đêm cùng lực lượng chức năng truy vết, đồng cam cộng khổ với những chiến sỹ nơi tuyến đầu. Những cuộc họp liên tục không giờ giấc. Có lúc anh em nói với nhau "ở đây ngày nào chả như ngày nào nên không biết được hôm nay là thứ mấy" .

Căng thẳng, vất vả là vậy, nhưng sự lạc quan của lực lượng tuyến đầu đã tiếp thêm sức mạnh cho các phóng viên để chia sẻ những “câu chuyện” Covid-19 tới độc giả cả nước, mà theo Phương Thảo, đó là những trải nghiệm đáng nhớ trong những ngày chống dịch.

Phương Thảo cho biết, đến nay, các anh em phóng viên đều đã nắm bắt rất thành thạo và trở thành những cây "bút chiến" sắc lẹm của đội tiền phương. Đến thời điểm này, các anh em phóng viên đã thực hiện hàng trăm tin, bài, video để gửi đến các cơ quan báo chí để cùng truyền đi tin tức, sự kiện, thông tin, hình ảnh trong tâm dịch Bắc Giang, cộng đồng biết cuộc chiến chống dịch đã diễn ra như thế nào.

Nỗ lực, cống hiện và nhiệt huyết trong veo

Trong khi nhiều người đến gần vùng dịch thì phải lùi lại, nhưng phóng viên thời sự, y tế thì lên đường, lăn xả vào điểm nóng với lịch trình dày đặc. Liên tục những cuộc họp khẩn 2-3 giờ sáng. Chỉ cần một tin nhắn, một hồi chuông nháy máy là hiểu nhau để vào việc... Tất cả anh em phóng viên chấp nhận thiệt thòi xa gia đình, làm việc ngày đêm, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm, vì sự an toàn của người dân, vì quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh và cuộc sống trở lại bình thường như vốn có.

Đối với nhiều ngành nghề khác, công việc có thể bị ảnh hưởng, thậm chí bị ngừng trệ vì dịch bệnh, nhưng đối với những phóng viên thời sự, phóng viên y tế thì ngược lại. Khối lượng công việc của họ tăng lên gấp nhiều lần so với bình thường.

Phóng viên Nguyễn Huy Hoàng tác nghiệp tại tâm dịch Hải Dương. Ảnh: NVCC

Phóng viên Nguyễn Huy Hoàng, Báo Gia đình & Xã hội cho biết, 48 ngày tác nghiệp xuyên Tết tại tâm dịch Hải Dương vừa qua là “những ngày xanh”. Hoàng chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng mọi nhà báo chân chính đều mong muốn một lần được vào những điểm nóng nhất của tâm dịch, bởi đó như một chiến trường thực sự. Tôi may mắn đã có cơ hội đó. Là phóng viên trẻ, lần đầu ra trận nên tôi xác định rõ tinh thần và nỗ lực hết sức để làm việc”.

13 giờ 30 phút ngày 28/1/2021 đã trở thành một ký ức đặc biệt đối với Hoàng khi nhận được lệnh lên đường chống dịch. Mọi thứ đều diễn ra trong tinh thần gấp gáp và khẩn trương với một cuộc họp khẩn cùng lãnh đạo báo.

Hoàng lên đường đến Hải Dương khi chưa kịp gọi về cho gia đình hay gửi một nụ hôn vội với người yêu. Đặt chân đến nơi, Hoàng cùng đồng nghiệp của báo đã gấp rút cùng nhau họp vội để chốt phương án tác nghiệp. Mọi sự phân công, kết hợp đã được rõ ràng ngay từ những giây phút đầu tiên đó.

“Xong xuôi, tôi mới dám gọi điện về cho gia đình, đầu dây bên kia, những giọt nước mắt của bố mẹ khiến tôi gần như không thể cầm lòng, nhưng tôi biết nhiệm vụ trước mắt cũng vô cùng vinh quang”.

Sáng hôm sau, đến Trung tâm Y tế Chí Linh. Âm thanh ám ảnh nhất là tiếng xe cấp cứu chở các ca bệnh dương tính. Trời Chí Linh gần Tết oi bức, Hoàng bắt đầu làm quen với việc chụp ảnh qua lớp kính dày và bộ đồ bảo hộ. Đó cũng là khoảnh khắc phóng viên trẻ bước vào cuộc chiến với một cường độ làm việc dày đặc.

“Nhiều hôm, chúng tôi gần như phải làm việc hàng chục tiếng đồng hồ, nhưng sự say nghề là điều giúp chúng tôi quên hết tất thảy những mệt mỏi. Bởi, xung quanh chúng tôi, đâu đâu cũng là những chất liệu sống động cho những bài viết”, Hoàng nhớ lại.

Theo Hoàng, mỗi nhân vật gặp trong tâm dịch đều mang một nỗi niềm riêng với sự hy sinh của mình cho một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ. Nhiều y, bác sĩ, dù người thân mất cũng không được về, mẹ xa con, chồng xa vợ. Những nghĩa cử yêu thương của người dân Hải Dương, những nụ cười và ánh mắt thơ dại của những em nhỏ trong các khu cách ly tập trung, và còn nhiều lắm những điều tử tế bình dị trong hào sâu của cuộc chiến. Khoảnh khắc hạnh phúc nhất với anh em phóng viên có lẽ là khoảnh khắc những tin bài được đăng tải. Qua những bài viết, nhiều sự hỗ trợ đã được trao gửi.

Đêm Giao thừa, đội ngũ phóng viên tác nghiệp xuyên đêm đến hơn 1giờ sáng mới trở về nhà. Đón Giao thừa trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 thực sự là ký ức không thể quên trong đời.

Mở máy điện thoại, Hoàng bất ngờ vì hàng trăm lời động viên và yêu thương từ gia đình, bạn bè với lời chúc bình an trở về. "Dăm phút dành cho mình, tôi hiểu và trân trọng những giá trị thiêng liêng mà nghề báo mang lại. Tôi và những đồng nghiệp đã trọn vẹn 48 ngày bên nhau như thế. Tôi tự gọi đó là những ngày xanh vì sự nỗ lực, cống hiến và nhiệt huyết trong veo”, Hoàng chia sẻ.

Đồng hành cùng những nhà báo tác nghiệp ở tâm dịch, nhiều lãnh đạo, phóng viên làm việc tại các tòa soạn báo chính là hậu phương vững chắc, là gia đình lớn của mỗi phóng viên tiền tuyến. Sự hỗ trợ kịp thời về vật chất, tinh thần, thiết bị hay sự đồng hành xuất bản cùng phóng viên ngay cả khi đêm khuya, sáng sớm... Đó là những nỗ lực chung tay góp sức cùng kêu gọi sự giúp đỡ, sẻ chia với lực lực tuyến đầu và nhân dân vùng dịch. Kết quả của những tháng ngày đồng hành lặng thầm mà bền bỉ đó là chúng ta đã chung tay đẩy lùi nhiều đợt dịch bệnh. Đợt dịch này cũng thế...

Chúng tôi nhớ lại nhiều hình ảnh ví von về người làm báo. Đó là những thư ký của thời đại. Là những người lính thông tin trên mặt trận tư tưởng. Giờ đây, các nhà báo cũng là cầu nối để sẻ chia giữa lực lượng ở tuyến đầu chống dịch và gia đình; là chiến sĩ đi đầu trong hoạt động từ thiện hỗ trợ vì cộng đồng. Cùng với những mạnh thường quân và nhiều trái tim thiện nguyện khác, những tình cảm đó cứ nhân lên, kết nối mỗi trái tim con người Việt Nam, cùng đồng lòng hướng về vùng tâm dịch, quyết  tâm cùng lực lượng y tế, quân đội, công an, Chính phủ đẩy lùi dịch Covid-19.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm