Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nguyễn Hường
Thứ ba, 25/07/2023 - 07:00
(Thanh tra) - Cho dù người lính ngã xuống không phải để được phong anh hùng hay có hoa tươi trên mộ thì vào những ngày này, lòng biết ơn với người đã khuất sẽ hiển linh trên những đóa hoa dâng cúng cùng khói nhang tưởng tiếc.
Bác Nguyễn Anh Nhân của chúng tôi cũng như hàng vạn người lính khác đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc. Ảnh: Nguyễn Hường
Người không con mà có nhiều người giỗ. Đó là câu chuyện của bác tôi - liệt sĩ Nguyễn Anh Nhân trú quán tại thôn Tân Trào, xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Và tôi nghĩ đây không chỉ là câu chuyện riêng của gia đình mình, mà là câu chuyện của rất nhiều gia đình khác khi có người thân liệt sĩ.
Bác hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, cũng ấp ủ trong lòng một mối tình với cô thôn nữ gần nhà, hẹn ngày toàn thắng nên duyên vợ chồng, nhưng bom đạn của chiến tranh, năm 1971, bác tôi đã nằm lại nơi chiến trường, mãi mãi với một tình yêu ở tuổi 21.
Trong ký ức của tôi, khi còn nhỏ được ở cùng bà nội, bà hay nhắc về bác với một tình yêu thương da diết đau đáu. Ngày ông bà còn, ngày giỗ của bác luôn đầy đủ nhất, dù bận mải công việc thế nào, những đứa cháu cũng phải cố gắng về thắp cho bác nén nhanh. Trong làn khói mờ ảo ấy, bà tôi luôn luôn khóc. Chúng tôi chỉ biết đứng lặng sau lưng bà. Bóng dáng bà tôi run rẩy nấc lên từng tiếng và chỉ khấn nguyện 1 câu: Con có linh thiêng thì ở đâu, chỉ đường cho bố mẹ, các anh em, con cháu tìm về. ..
Năm tháng trôi đi, ông bà tôi cũng không đợi được nữa. Mộ phần bác vẫn chưa được tìm thấy. Lời khấn nguyện năm nào của bà, giờ vẫn còn bỏ ngỏ. Không có phần mộ, không con cái nối dõi, ông bà đã mất, nhưng bác tôi lại được nhiều người giỗ nhất và cũng là người được giỗ nhiều lần trong năm.
Người thờ cúng chính cho bác là chú út trong gia đình. Hàng năm vào dịp 27/7, chú dành toàn bộ tiền được hưởng chế độ và bỏ cả tiền của mình ra để làm mâm cơm báo cáo ông bà, tổ tiên, mời bác cùng đồng đội về chung vui, sau là con cháu quây quần. Không chỉ có chú, tất cả các anh em của bác, rồi đến các cháu trai trong gia đình cũng lấy chân nhang để thờ bác. Tính ra, cũng đến 10 người thờ.
Còn ngày mất của bác, không biết chính xác nên ngày giỗ là ngày nhận giấy báo tử, ngày sinh của bác và ngày 27/7. Ngày giỗ nào cũng được anh em con cháu thành tâm tưởng nhớ, nhưng ngày 27/7 thì đông vui, đầy đủ hơn cả.
Chiều nay, trong nhóm chung của gia đình, tôi lại thấy hiện lên dòng tin của chú út: 27/7 này cả nhà sắp xếp để về giỗ bác Nhân nhé. Chỉ vài lời ngắn gọn nhưng như 1 lời hiệu triệu trong gia đình, mỗi thành viên đều thấy trách nhiệm của mình.
Bác Nguyễn Anh Nhân của chúng tôi cũng như hàng vạn người lính khác đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc. Có người may mắn được quy tập về với quê hương, nhưng có người vẫn nằm rải rác nơi chiến trường. Dù trên đồi cao hay khe suối, hay bất cứ đâu trên mảnh đất thân yêu hình chữ S này, gia đình tôi đều tin rằng, bác đều được chăm sóc chu đáo.
Mỗi chúng ta, khi đi đến bất cứ nghĩa trang nào, cũng gặp phần mộ những người lính lặng im, tề chỉnh trong đội hình, cảm giác dường như họ vẫn sẵn sàng ra trận thêm lần nữa nếu Tổ quốc lâm nguy. Và cho dù người lính ngã xuống không phải để được phong anh hùng hay có hoa tươi trên mộ thì vào những ngày này, lòng biết ơn với người đã khuất sẽ hiển linh trên những đóa hoa dâng cúng cùng khói nhang tưởng tiếc.
Hơn cả lòng biết ơn, sự tưởng niệm ấy còn là lời nhắc nhở cần thiết về khát vọng của những liệt sĩ đã tin cậy trao lại cho chúng ta - những người đang sống!
Đất nước đã được hòa bình, nhưng các thế lực thù địch vẫn không ngừng toan tính rình rập. Như thế, một cuộc sống “được thiết kế trở lại trên ấm no, công bằng và nhân phẩm” như thông điệp của những người lính năm xưa khi ngã xuống sẽ được tiếp nối trong dòng máu của những con dân nước Việt hôm nay, như từng trao truyền qua bao thế kỷ:
Có biết bao nhiêu người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai biết mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước...< (Trích bài thơ "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hải Hà
17:09 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Thu Huyền
Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình