Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Món nợ khó trả và tấm bằng khó xin việc

Thứ ba, 07/07/2015 - 06:34

(Thanh tra)- Kỳ thi 2 trong 1 với mục đích xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng đã kết thúc đúng vào dịp tôi về quê Hà Tĩnh. Cả xã đang bàn tán về kết quả dự đoán điểm thi con em mình (dựa vào đáp án trên báo để tự chấm). Nhìn chung năm nay con em quê tôi làm bài tốt, hy vọng hàng chục em sẽ đỗ ĐH.

Khi có tấm bằng ĐH trong tay, xin được việc làm không phải dễ, nhất là vào biên chế Nhà nước. Ảnh minh hoạ: internet

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, tôi giật mình nhận thấy: Có những khóa vào ĐH hàng chục em nhưng không ai xin được việc đúng ngành học! Có nhiều khóa không em nào được vào biên chế Nhà nước... Những năm gần đây, các em ra trường rồi tìm việc làm như: Tiếp thị, kinh doanh, quản lý và phổ biến nhất là lao động phổ thông trên công trường, trong khu công nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, TP  HCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Vũng Áng (Hà Tĩnh) với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng/người. Song, khi trừ chi phí thuê nhà trọ, ăn uống thì tằn tiện lắm mới dôi dư khoảng 1 triệu đồng/tháng. Được biết, không chỉ riêng ở quê tôi mà nhiều tỉnh, TP khác cũng có chung cảnh ngộ.

Thế nhưng, để có tấm bằng ĐH, mỗi gia đình chi phí 100 - 120 triệu đồng cho 4 - 5 năm học/sinh viên. Mỗi tháng tiền thuê nhà, học phí, học thêm ngoại ngữ, tiền ăn và phụ phí khác khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tháng/sinh viên. Ở quê, ngoại trừ những em có bố mẹ hưởng lương hưu hoặc đang công tác thì còn đỡ, phần nhiều con em nông dân đều phải thế chấp bìa đất, nhà ở để vay tiền cho con ăn học. Thậm chí, nhiều gia đình vay nợ Ngân hàng Chính sách xã hội cho con ăn học 4 - 5 năm. Con ra trường cha mẹ “bàn giao” sổ nợ cho con tìm cách kiếm tiền trả nợ học. Có những gia đình, con ra trường đã 5 năm nay vẫn chưa xin được việc, trong khi món nợ lại dày thêm theo thời gian.

Khi có tấm bằng ĐH trong tay, xin được việc làm không phải dễ, nhất là vào biên chế Nhà nước. Mặc dù nhiều cơ quan Nhà nước đã thực hiện thi tuyển công chức nhưng tình trạng “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn mới đến trí tuệ” vẫn được ngấm ngầm thực hiện. Gõ cửa các doanh nghiệp (DN) liên doanh hoặc DN FDI thì yêu cầu ngoại ngữ khắt khe và theo đó là phải có kinh nghiệm. Có điều, mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm.

Mặt khác, đào tạo ở ta rất mâu thuẫn với tuyển dụng. Thực tế trường chỉ đào tạo kiến thức nền tảng, sinh viên ra trường muốn làm tốt thì phải học thêm. Hầu hết các trường ĐH đều nhận ra điểm yếu: Chỉ dạy kiến thức hàn lâm trong khi cuộc sống lại cần kỹ năng. Đó là lý do những năm gần đây các trường luôn luôn lắng nghe ý kiến của nhà tuyển dụng để thấy được sinh viên ra trường khiếm khuyết mặt nào, từ đó bổ sung, điều chỉnh chương trình giảng dạy. Khối DN trong cũng như ngoài nước đều nói rằng: Chúng tôi tuyển chọn cái mình cần, còn nhà trường thì đang đào tạo cái nhà trường đang có. Vênh nhau là vậy cho nên ngay cả những em trúng tuyển vào cơ quan, DN sau đó phải đào tạo lại theo yêu cầu của họ mới đáp ứng được công việc được giao...

Cũng có nhiều trường hợp các em tự gom nhau lập công ty riêng để kinh doanh đại lý gas, thuê cửa hàng bán cafe, giải khát. Có những em sau 5 năm làm thuê tích góp tý chút trở về quê thuê đất chăn nuôi lợn, gà... Những kỹ sư, cử nhân, cả thạc sỹ năng động như thế này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, phần đa các em nhẫn nhục làm lao động phổ thông hoặc dịch vụ để hưởng thu nhập 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Không chỉ riêng ở quê tôi mà nhiều vùng quê khác ở xứ Nghệ, ai cũng muốn con mình được học với mong muốn con cái sẽ thay đổi sự nghèo của cả gia đình, hỗ trợ những người khác trong công việc hoặc trong quan hệ xã hội. Sở dĩ có ước vọng lớn như vậy là vì, khoảng 30 - 40 năm về trước nhiều con em vùng quê tốt nghiệp ĐH nay đã là sếp lớn, sếp nhỏ, được giao những vị trí quan trong trong các cơ quan của Nhà nước. Những con người này đã làm thay đổi gia đình họ, đã xin được nhiều việc làm cho người con quê hương hoặc đóng góp kinh tế xây dựng quê hương... Thực lòng đó là nguồn động viên lớn đối với thế hệ trẻ quê tôi hôm nay, nhưng cũng là thách thức nghiệt ngã bởi sự học thời nay đã quá dư thừa về thầy nhưng lại rất thiếu thợ.

Thiết nghĩ rằng thời nay không phải vào ĐH mới là con đường tiến thân duy nhất. Giả sử tập trung học một nghề trong khoảng thời gian ngắn để trở thành thợ giỏi, kiếm được tiền nhiều sau đó tự học lên thì chẳng những có tiền mà lại giầu về kinh nghiệm. Lúc đó làm việc gì cũng thuận lợi. Và giá trị bản thân mình cũng không “thua chị kém em” với những người nhờ học thành tài.

Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm