Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ thi “2 trong 1” vẫn còn “đất” cho gian lận?

Thứ bảy, 11/05/2019 - 08:40

Dù đã trải qua 7 lần cải cách về đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT nhưng thực tế vẫn chưa giảm được áp lực mà còn thêm tiêu cực.

Nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại kỳ thi THPT Quốc gia hiện nay vì sẽ có nhiều kẽ hở gây ra tiêu cực.

Dù đã trải qua 7 lần cải cách về đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT nhưng thực tế vẫn chưa giảm được áp lực mà còn thêm tiêu cực. Nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại kỳ thi THPT Quốc gia hiện nay vì sẽ có nhiều kẽ hở gây ra tiêu cực, dù Bộ GD-ĐT có nỗ lực cải tiến đến đâu.

Cải tiến không giảm áp lực mà lại thêm tiêu cực

Nhiều đề xuất mới được đưa ra để áp dụng vào cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, nhưng các chuyên gia và ý kiến từ cơ sở đề nghị: Dù đổi mới như thế nào cũng phải trả lời được câu hỏi về việc có tăng được chất lượng và giảm tiêu cực, giảm chi phí cho kỳ thi này hay không?.Tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và mô hình đánh giá để công nhận tốt nghiệp THPT cho Việt Nam” do Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục (Hà Nội) vừa tổ chức, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, với tư cách là người thực hiện và sát sao với thực tế cho rằng: Dù Bộ đã rất cố gắng để cải tiến kỳ thi nhưng vẫn còn hạn chế. Thứ nhất là chi phí công tăng; Thứ hai, khi mà Đề án phân luồng, hướng nghiệp đã được Chính phủ ban hành nhưng cách thi như hiện nay thì các địa phương không thể phân luồng hướng nghiệp được.

“Tôi thấy cách thi này chứa đựng rất nhiều rủi ro. Bộ thì lo các sở làm thế nào, tôi làm giám đốc sở thì tôi lại lo không biết các điểm thi trên địa bàn mình làm thế nào. Tiềm ẩn rủi ro rất cao. Bộ thì lo những điểm thi ở cách xa trung tâm như ở Tây Bắc, Tây Nguyên, còn tôi thì lo những điểm thi cách sở 50 - 70km, không biết đêm hôm thế nào, từ bảo quản đề, bảo quản bài như thế nào... Và mỗi lần như thế lại... “lên một cơn đau tim” vì nó quá nhiều nguy hiểm. Mỗi lần Bộ cải tiến để kỳ thi tốt hơn thì dưới Sở GD-ĐT như tôi lại cứ phải lo rất nhiều việc khác kèm theo. Việc phân quyền không hợp lý ở chỗ áp lực dồn về địa phương quá nặng...”. Những vụ việc tiêu cực đã xảy ra ở Hòa Bình, Sơn La... có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi đã từng khẳng định với lãnh đạo tỉnh là tôi kiên quyết không làm chứ không phải tôi không làm được”, ông Dũng thẳng thắn nói.

“Kiểu đánh giá hơn 90% tốt nghiệp thì làm sao mà thúc đẩy các trường THPT nâng cao chất lượng? Vừa qua chúng ta phân quyền cho địa phương quá lớn, từ tổ chức thi cho đến chấm thi nên đã xảy ra rất nhiều chuyện. Chưa áp dụng triệt để công nghệ hiện đại. Áp lực thi tốt nghiệp vẫn còn cao vì đây là kỳ thi “2 trong 1”.- PGS.TS Lê Đức Ngọc, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN.

Từ những sai phạm của các địa phương trong kỳ thi năm 2018, Bộ đã có một số điều chỉnh về kỹ thuật như lắp camera giám sát, các trường đại học sẽ chấm bài... Tuy nhiên, theo PGS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, các điều chỉnh này đều không đảm bảo sẽ có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc bởi cán bộ trường đại học chấm thi cũng không khác cán bộ sở GD-ĐT, nếu bị lòng tham và đồng tiền mua chuộc. Việc lắp camera cũng có cách “lách” nếu những người làm thi ở đó có kế hoạch và cố tình vi phạm. “Vì thế, chỉ có cách là tổ chức thi theo cơ chế khác mới bàn đến chuyện an toàn, nghiêm túc, còn tổ chức thi như hiện nay thì gian lận có thể xảy ra bất cứ nơi nào”, ông Dong khẳng định.

Tốn nhiều tỉ đồng nhưng chất lượng có cao?

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc phối hợp, chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Theo đó, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ tiếp tục với một số điều chỉnh về kỹ thuật theo hướng tinh gọn, hiệu quả...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia đã bày tỏ lo lắng về nguy cơ gian lận, coi thi chỗ chặt, chỗ lỏng dẫn đến mất công bằng cho thí sinh giữa các địa phương đối với kỳ thi “2 trong 1”. Cán bộ khảo thí và kiểm định chất lượng của một địa phương chia sẻ, dù điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhưng kỳ thi vẫn do con người điều hành, do đó vẫn có kẽ hở. Ví như, việc sở GD-ĐT các tỉnh chủ trì phối hợp cán bộ các trường đại học, sẽ có chuyện địa phương “mua chuộc” để được cán bộ coi thi coi lỏng, tạo điều kiện cho thí sinh làm bài.

“Áp lực lớn chính là nguyên nhân từ kỳ thi “2 trong 1” và đề nghị đề tài nghiên cứu của Bộ GD-ĐT về đổi mới thi cần làm rõ để khẳng định được công việc của ai thì người đó làm. Để công nhận tốt nghiệp thì trách nhiệm của địa phương, sở GD-ĐT phải làm. Còn tuyển sinh là việc của các trường đại học phải làm. Hiện nay, chúng tôi đang được giao làm thay quá nhiều. Những nơi mà người ta cố tình lợi dụng kẽ hở thì người ta coi đây là sự may mắn!”- Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh.

Hơn nữa, trong khi Bộ GD-ĐT nhiều lần khẳng định, việc đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia như hiện nay là giảm áp lực, chi phí cho ngân sách thì chính những người tổ chức lại khẳng định điều ngược lại. Ông Trần Trung Dũng cho biết, vài năm gần đây ngân sách địa phương chi cho kỳ thi này tăng đến 39% so với trước kia. Tiến sĩ Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng Đại học Hà Nội cũng cho rằng: “Với mục tiêu để xét công nhận tốt nghiệp thì hằng năm chúng ta chi rất nhiều tiền và kèm theo đó là tổn hao về tâm lý, trí tuệ của toàn xã hội để rồi có gần 100% tốt nghiệp. Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp chỉ nên đặt ra hai mục đích: một là để xét công nhận tốt nghiệp THPT và hai là để đánh giá “sức khỏe” giáo dục phổ thông của chúng ta đang ở đâu so với thế giới”.

PGS Nguyễn Phương Nga, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới” cho rằng, việc đỗ tốt nghiệp trên 90% đã đánh giá sát năng lực của thí sinh chưa, là một câu hỏi khó trả lời nhất vì tính đến nay chưa có đánh giá nào thật lớn, thật sâu trên diện rộng về điểm thi tốt nghiệp và điểm thi đại học có sự vênh nhau nhiều không?; Những học sinh không tốt nghiệp thì vào đời có thành công hay không? Hiện chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này.

Từ năm 1975 - 2018, giáo dục Việt Nam đã trải qua 7 lần cải tiến lớn về đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT. Đề tài nghiên cứu đánh giá sau 7 lần cải tiến, các kỳ thi tốt nghiệp THPT này vẫn chưa thay đổi được những căng thẳng và lo âu cho nhiều tầng lớp trong xã hội và các cơ quan công quyền liên quan với những áp lực lớn, chi phí công cao và những chi phí lớn của các gia đình có con em dự thi./.

Theo Hoàng Dũng/VOV.VN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm