Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ 1: Còng lưng nuôi chữ cho con

Thứ bảy, 09/07/2011 - 20:23

(Thanh tra) - Họ rời bỏ làng quê nghèo vào TP. Hồ Chí Minh chỉ với “nguồn vốn” duy nhất là sức lao động. Họ là những người buôn gánh bán bưng, lao động nặng nhọc nhưng lại biết coi trọng cái chữ, coi trọng việc học. Họ không nề hà quản ngại vất vả, tủi cực để kiếm tiền nuôi cái chữ cho con…

Bác Lê Chí Cường cần mẫn vá xe kiếm tiền nuôi con ăn học thành tài

Gập ghềnh bước mưu sinh!

Giới sinh viên làng đại học Thủ Đức dường như quá quen thuộc với tiệm sửa xe nằm gần bến xe buýt của cha con bác Lê Chí Cường. Bởi không giống như bao tiệm sửa xe khác, ở đây còn có hai cô con gái mới ngoài 20 nhưng cũng thạo nghề không kém. Bác Cường cho biết, quê bác ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, vợ chồng bác có 6 người con.

Gần 10 năm trước, vợ  chồng bác ly hương, vào TP. Hồ Chí Minh làm đủ thứ nghề để nuôi con ăn học. Từ buôn bán heo gà, quần áo cho đến sửa xe... Hơn một năm trời ở Khu công nghiệp Tân Tạo, vợ chồng bác gầy sạm đi vì điều kiện làm việc cực nhọc, cuộc sống khó khăn. Ba năm gần đây, bác gái hồi hương để nuôi ba con nhỏ. Bác Cường ở lại làm lụng nuôi 3 cô con gái lớn lúc này đang là sinh viên. Bốn cha con ở trong gian nhà thuê vừa chật vừa dột nát, phải làm lụng cật lực mới đủ miếng ăn và học phí. Cuộc sống khó khăn, cha con chắt chiu từng đồng để lo cái ăn, cái mặc, tiền học hành và còn chi viện về quê.

Cùng là dân ly hương, vợ chồng cô Thuấn quê ở Thái Bình vào Sài  Gòn đã gần 10 năm nay. Cô bán cà phê vỉa hè trước cổng trường Đại học KHXH&NV, chồng cô làm ở một siêu thị, vợ chồng làm việc quần quật nuôi con ăn học. Con trai lớn của cô Thuấn vừa ra trường, con thứ hai chuẩn bị thi đại học. Mỗi ngày, từ 5h sáng, vợ chồng cô đã có mặt trước cổng trường để bắt đầu một ngày mới mưu sinh. Cái quán vỉa hè chỉ mấy thùng xốp đựng đá, mấy giỏ xách đựng nước, cà phê, vài chai nước ngọt.

Ghé lại quán vào một buổi trưa, thấy mẹ con cô Thuấn vừa qua quýt ăn vừa bán. Tôi hỏi: “Sao không về nhà mà ăn cơm hộp?”. Con trai cô Thuấn vừa ăn vội vừa nói “thuê nhà ở quận 10 nên cơm cháo gì đó ăn tạm, để còn bán hàng”. Nói rồi, chàng trai quệt mồ hôi, cười… Con trai cô Thuấn cứ bưng hộp cơm lên rồi lại để xuống. Hộp cơm chỉ có con cá nhỏ, vài lát dưa cải, một bịch canh. Gần đó, cô Thuấn ngồi dựa vào bờ tường mở hộp cơm ra ăn dưới cái nắng gay gắt nơi hè phố. Họ cứ vừa ăn, lại vừa nhấp nhỏm trong tư thế bưng bê quán mà chạy vì những cuộc “rượt đuổi” mưu sinh nơi vỉa hè.

Cách hàng cà phê của cô Thuấn không xa là chú Tiến chạy xe ôm. Quê ở bắc Yên Bái, cả gia đình chú Tiến vào Sài Gòn và trọ ở quận 9. Mỗi ngày, chú phải dậy từ lúc 4h sáng phụ vợ dọn hàng trước khi đi làm. Vợ chú buổi sáng bán thức ăn điểm tâm cho học sinh trước một trường tiểu học ở gần nhà chú trọ.

Vợ chồng chú có hai con, con gái lớn học Khoa kinh tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vừa mới ra trường. Cô con gái nhỏ đang là học sinh. Ngoài buổi sáng bán buôn ở cổng trường, buổi trưa vợ chú phụ bán quán cơm. Hai con ngoài việc học phải lo việc chợ búa, cơm nước.

Đời còn cái chữ cho con

Bác Cường hì hục “chăm sóc” một khách hàng. Lúc ngơi tay, chỉ hai cô con gái đang cặm cụi sửa xe cho khách, bác bảo “Đứa này thứ hai, đứa kia thứ ba, ít ai biết cả hai đứa đều là sinh viên, cuối năm nay hai chị em nó ra trường”.

Nói về chuyện con cái, bác Cường lấy làm tự hào “Các con ngoan lại chăm chỉ nên vợ chồng tôi cũng nhẹ gánh. Đứa lớn nhất ra trường rồi, nay đang làm tại bệnh viên Đa khoa Thủ Đức. Đợt vừa rồi thi tay nghề nó đứng thứ nhì đấy. Hai đứa kế tiếp năm nay ra trường, sẽ có việc làm ở đây”. Bác kể nhưng nghe giọng bác đầy lo toan: “Rồi thêm hai đứa nữa năm nay thi đại học. Tôi chẳng dám nghĩ đến những điều xa xôi, chỉ hết lòng vì con cái. Dù đói cũng phải cho chúng nó đi học, rồi không làm được thầy, thì cũng làm thợ. Trường đời lúc nào cũng nhanh lỗi thời, chỉ có một cái vốn duy nhất không bao giờ lỗi thời, đó là kiến thức”.

Với cái vẻ đen bóng chắc nịch của người lao động, ngồi đăm chiêu, chú Tiến chậm rãi nói như tự phân trần với chính mình: “Khổ lắm chú ơi, chạy xe ôm đi sớm về trễ, mưa nắng dãi dầm lại còn nguy hiểm, nhưng thu nhập thất thường, khó lo cho con ăn học được gần đây chú chuyển nghề làm bốc xếp. Làm bốc xếp nặng nhọc nhưng thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Đời mình ít học nên ai thuê mướn gì làm nấy rất khổ, thậm chí nhiều tủi nhục. Phải cho con ăn học đến nơi đến chốn. Con nó có công ăn việc làm ổn định thì nó mới sướng được phần nào. Rồi nó mới có điều kiện giúp lại cha mẹ. Chứ như mình, lo cái ăn cái mặc cho gia đình chưa xong, chạy bữa trưa thiếu bữa tối rồi tiền học tiền hành cho con lấy đâu ra lo cho cha cho mẹ. Có thương cha thương mẹ lắm cũng đành chịu… Vào đây cả chục năm trời rồi chưa năm nào về quê ăn tết dù rất nhớ quê, nhớ nhà. Khi gia đình có việc gì gấp lắm mới về. Về tốn lắm, để tiền cho con ăn học. Vợ chồng tôi chỉ còn con chữ cho con”.

                Kỳ 2: Hạnh phúc từ những con chữ
Phóng sự của Anh Tú

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất