Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giữ cho nông dân, hay đặc quyền cho doanh nghiệp?

Chủ nhật, 13/03/2011 - 21:53

(Thanh tra) - Giá thu mua cà phê đang đạt ngưỡng kỷ lục 43.700đồng/kg ngay tại thủ phủ Tây Nguyên. Cà phê đang có giá “đỉnh” như vậy là do cạnh tranh thu mua giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp ngoài nước. Với lợi thế sân nhà, các doanh nghiệp trong nước lại đang bị “dẫn bàn”.…


Cạnh tranh...


Hiện có 10 doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài đang lập điểm ở các tỉnh Tây Nguyên, dành quyền thu mua khoảng 60% sản lượng cà phê trực tiếp từ nông dân. Trong khi các DN trong nước chỉ thu mua được khoảng 30 - 35%. Cạnh tranh này có phần tích cực là giá cà phê trong nước tới mức 43.700đồng/kg. Đây là mức cao kỷ lục trong vòng hơn 10 năm trở lại đây.

Thực trạng này khiến Câu lạc bộ 20 DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam (vốn chiếm 80% số lượng và giá trị XK cà phê ) phải nhóm họp khẩn cấp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đã có nhiều ý kiến nhắc lại những qui định tại Mục 2.2 của Thông tư số 09 / 2007 / TT - BTM, ngày 17/7/2007. Theo đó, quyền xuất khẩu của các DN nước ngoài không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hoá tại Việt Nam. Vì vậy, việc các DN nước ngoài thu mua, dự trữ cà phê trong thời gian qua là trái qui định.

Tiếp nhận ý kiến của các DN, Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa) ngay lập tức có văn bản gửi các sở, ngành các tỉnh trồng cà phê, kiến nghị xem xét xử lý các DN nước ngoài đang tổ chức mạng lưới thu mua trực tiếp trong dân. Văn bản này nói rõ, Việt Nam chỉ khuyến khích các DN nước ngoài đầu tư sâu vào việc chế biến, kỹ thuật phát triển cà phê sạch thân thiện với môi trường theo quy định GAP, 4C. Được biết, hiện nay ngành cà phê Việt Nam mới chỉ có 4 DN chế biến cà phê hoà tan theo hướng thân thiện với môi trường có công suất khoảng 35.000 - 40.000 tấn tương đương 100.000 tấn cà phê nhân, chiếm khoảng 10% sản lượng cà phê.

Tuy nhiên, nếu xét ở một khía cạnh khác, việc các DN nước ngoài chỉ được mua hàng hóa của thương nhân, đại lý cà phê theo quy định tại Thông tư số 09/2007/TT-BTM thì thực sự không công bằng với bản thân DN nước ngoài mà còn gây bất lợi cho người nông dân.

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều DN kinh doanh cà phê được cấp phép nhưng không có cơ sở chế biến và khối lượng hàng hóa bán ra chỉ bằng một nông hộ sản xuất. Điều này dẫn đến sự độc quyền, ép giá vì người dân chỉ có thể bán, ký gửi cà phê cho  các đại lí, các công ty trong nước, trong khi các DN nước ngoài sẵn sàng vào tận vườn mua với giá cao thì lại không được chấp nhận.

Giữ cho nông dân, hay dành đặc quyền cho DN thu mua trong nước? Ai sẽ là người có trách nhiệm trả lời sòng phẳng câu hỏi này, để từ nay xoá hẳn cái điệp khúc “ Được mùa, mất giá”.

Và... bài toán vốn

“Giữ cho nông dân, hay dành đặc quyền cho DN thu mua trong nước? Ai sẽ là người có trách nhiệm trả lời sòng phẳng câu hỏi này, để từ nay xoá hẳn cái điệp khúc “Được mùa, mất giá””

Cà phê là mặt hàng có giá trị lớn, xuất khẩu bình quân hàng tháng trên dưới 10.000 tấn, thực tế này đòi hỏi nguồn vốn đối ứng cho nhà nông cũng trên dưới 400 tỉ đồng. Thế nhưng, hầu hết các DN trong nước hiện có khó khăn nhất định về tài chính và phải “trông cậy” ngân hàng, mà muốn rót tiền thì phải bảo đảm nguyên tắc bảo toàn vốn. Do vậy bắt buộc các DN cà phê phải cơ cấu lãi vay vào giá vốn khiến cà phê bị “đao” giá thu mua. Mặt khác, do không mạnh về vốn nên các DN cũng luôn phải bán theo kỳ hạn chấp nhận trừ lùi.

Câu lạc bộ 20 DN xuất khẩu cà phê cũng đề nghị các nhà cung ứng tập trung bán cà phê cho các DN trong nước, ngược lại, DN sẽ đảm bảo lợi ích và quyền lợi cho người bán bằng hoặc cao giá hơn khi cung ứng cho các DN nước ngoài.

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Intimex cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng, hiện đại bộ phận các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam đều thiếu nguồn vốn ổn định để kinh doanh, vì vậy Vicofa cần có kiến nghị với Chính phủ xem xét để ổn định vốn cho ngành cà phê nói chung và các DN XK cà phê nói riêng thông qua các hình thức như tạm trữ, hạn mức vốn…

Chủ tịch Vicofa Lương Văn Tự cho rằng, để giảm bớt rủi ro, thiệt hại trong bối cảnh xuất khẩu có nhiều biến động phức tạp, các DN nên từng bước thay đổi điều kiện giao hàng. Cụ thể, thay vì xuất theo điều kiện FOB (giao hàng đến tận tàu và phải lập xong bộ chứng từ mới lấy được tiền. Như vậy vừa rủi ro, vừa bị ép giá, mất nguồn thu từ phí bảo hiểm,… ), DN nên bán hàng trực tiếp tới kho và lấy tiền ngay.

Về lâu dài, một chuyên gia ngành cà phê cho rằng, các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam muốn lớn mạnh thì Nhà nước phải điều hành bằng biện pháp kinh tế, sàng lọc các DN để cho vay ít nhất là 40% tổng giá trị cà phê XK bằng phương thức ưu đãi ngắn hạn trong lúc giá cà phê lên cao, và cho vay ưu đãi dài hạn trong lúc giá cà phê xuống thấp, kiên quyết loại bỏ những DN yếu kém nợ nần bao quanh.

Thụy Vy

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm