Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ghi ở nơi “chín tầng địa ngục”

Thứ sáu, 24/02/2012 - 06:29

(Thanh tra)- Ở miền đá Hà Giang có 2 địa danh nổi tiếng về độ cao và sâu là đỉnh Lũng Cú (nơi được mệnh danh là mái nhà tổ quốc) và Ma Lì Sán (nơi được mệnh danh là 9 tầng địa ngục). Ở Ma Lì Sán, người dân đang sống trong một “vòng cương tỏa” của một cuộc sống tự cung, tự cấp.

Sông chẩy, đoạn hiểm trở chảy qua Ma Lì Sán

Xuống nơi… cuối trời

Con đường để tìm lên Ma Lì Sán phải ngược sông Chẩy. Ở miền biên viễn xa xôi này, có lẽ sông Chẩy là sông trái quy luật nhất vì nó chẩy ngược. Sông này, khởi nguồn từ huyện Hoàng Su Phì, đầu tiên chỉ là một dòng suối. Sau quá trình vặn chảy qua các lũng đá sắc lẹm, nó tích nước rồi cứ ngược phía Bắc mà thốc lên. Đến huyện Xín Mần, sông Chẩy bất chợt bẻ quặt, đổ lên Ma Lì Sán, vòng sát tới nước bạn Trung Quốc rồi mới lại “rũi núi” để sang Lào Cai về Yên Bái, Tuyên Quang.

Từ Cốc Pài (Xín Mần), khi tôi đặt vấn đề đánh đường vào miền đất được người cực Bắc mệnh danh là “9 tầng địa ngục” này ai cũng nhìn tôi đầy nghi ngờ. Mới đầu người ta thấy lạ, sau lại lo cho tôi. Vì với họ, cả đời, nếu không có việc, thì chẳng mấy ai dám vào đó.

Từ Cốc Pài vào xã Pà Vầy Sủ khoảng 15km, con đường không đẹp lắm, nhưng cũng dễ đi.

Khốn khổ nhất là từ trung tâm xã Pà Vầy Sủ vào Ma Lì Sán. Tôi phải gửi xe máy lại vì đường vào thôn Ma Lì Sán phải đi bộ, mà chủ yếu chỉ tụt dốc mà xuống. Hơn 10km đường (nghe thấy dân bảo thế), nếu có sức và thạo về leo trèo chỉ cần tụt khoảng 3 tiếng đồng hồ là xuống được thôn. Ngược lại, từ “trung tâm thôn” mà “ngoi” lên được xã thì cũng phải mất nửa ngày.

Cổng trời yên ngựa có tên Khâu Sỉn tựa như một yết hầu chặt đứt mọi giao thương giữa thôn nghèo Ma Lì Sán với xã nghèo Pà Vầy Sủ. Từ Khâu Sỉn, đường cứ cắm đầu mà đi xuống. Vượt chừng gần 5.000 bậc thang do người dân lấy cuốc, thuổng, xà beng để trổ vào đá bao đời nay mới xuống được đến thôn. Trời nắng thì người Xín Mần, người Pà Vầy Sủ và người như tôi mới tụt để vào được Ma Lì Sán. Còn trời mưa, chẳng cần mưa to, chỉ cần lây rây bụi thôi là “bó tay”. Lúc này, chỉ có bàn chân người trong thôn Ma Lì Sán mới chinh phục được nó.

Cứ bám, tụt và tụt liên tục, 4 giờ chiều tôi mới có mặt ở thôn. Mặt trời le lói, nhanh chóng “giấu” ánh sáng yếu ớt sau những lằn núi cao và xám ngoét. Đêm nhanh chóng chế ngự toàn thôn. Gió lạnh bắt đầu gầm gừ. Tất thẩy mọi hoạt động có liên quan đến đời sống con người của Ma Lì Sán hầu như bị đêm, gió và sự lạnh lẽo “nuốt” trọn.

Người dân ở đây bảo, vào mùa Đông, sương mù và gió lạnh tràn xuống, nhiều tháng người ta chẳng còn biết phân định là ngày hay đêm.

Những đứa trẻ này chẳng bao giờ biết bên kia cổng trời Khâu Sỉn có người ngoài những người chúng đã gặp trong thôn


“Nghèo” nơi “đuôi cáo”


Mảnh đất Pà Vầy Sủ có hình tựa như một con cáo, thì thôn Ma Lì Sán này là phần chóp đuôi. Người La Chí (ở Pà Vầy Sủ) và người Mông định cư ở Ma Lì Sán quan niệm vùng đất có hình con cáo này bao giờ cũng rất vượng. Đất đai trù phú, con người sống lâu.

Thế nhưng, theo ông Giàng Seo Páo, cán bộ khuyến nông, đất Ma Lì Sán không nghèo. Nhưng người dân đang “nghèo” ở những cái khác. Ông Páo cho biết, hiện toàn bộ thôn Ma Lì Sán tạm được chia ra thành Ma Lì Sán 1 và Ma Lì Sán 2 với 21 hộ gia đình người Mông, tương đương với 140 nhân khẩu sinh sống. Cả thôn chỉ có 2 nhà được coi là đói vì lười làm. Còn lại phần lớn đều gạo đầy bồ, ngô đầy sân, lợn đầy chuồng và trâu bò thì đầy rừng. Như vậy, Ma Lì Sán là đất không nghèo, nhưng có những cái nghèo khác đang bủa vây họ.

Cái nghèo đầu tiên ở đây là nghèo chữ. Hiện, Ma Lì Sán đang cố gắng dựng nốt lớp 5 cho thôn, để tiến tới “phổ cập tiểu học”. Nhưng xem ra chuyện cũng không dễ, vì việc gọi học sinh và vận động các gia đình không được thuận lợi lắm. Học sinh ở đây đang rơi vào tình trạng “ế trường” như câu nói vui của mấy anh lính biên phòng.

Sau rất nhiều năm, hiện Ma Lì Sán mới có trên 20 em đến các lớp học ở bậc tiểu học, trong đó có cả lớp lồng ghép. Số học sinh chia cho đầu nhân khẩu ở đây hiện tại mới đạt 0,15 em/hộ.

Cái nghèo thứ 2 là điện. Toàn thôn chưa có điện và người dân cũng chưa biết điện đóm thế nào. Họ vẫn dùng đèn dầu là chính. Nhiều nhà ngại ra xã, ra huyện mua dầu thắp mà chủ yếu trông chờ vào ánh sáng từ những bếp củi được đốt lên trong mỗi đêm.

Để gia cố một đường điện vào đến Ma Lì Sán thì những thợ điện cấp huyện không dám thiết kế. Nếu có thiết kế được thì kinh phí để xây lắp cũng tốn kém nhiều. Mà có kéo được vào thì người dân cũng chỉ có nhu cầu thắp sáng nên tiền điện phí thu được hàng tháng cũng không đáng là bao. Vậy nên, ước mong về một dòng điện quốc gia ở đây chắc sẽ còn vời vợi như độ cao của cổng trời Khâu Sỉn ngăn cách bao đời kia.

Mặc dù, người Ma Lì Sán rất có tiềm năng về chăn nuôi. Nhưng chính vì giao thông cách trở, khó khăn nên không thể giao thương được buộc họ phải sống tự cung tự cấp.

Tôi lại mất gần 4 tiếng đồng hồ bám cây và đá để leo ra Pà Vầy Sủ. Trời đã quá trưa, nhưng sương vẫn bủa vây đặc quánh vùng đất này. Có cảm giác nếu như không một lần cả gan mà “tụt” xuống thì chắc người ta sẽ không biết dưới cái sâu thẳm và màn sương mù đặc quánh kia đang có 21 hộ dân người Mông đùm bọc nhau sinh sống.


Nam Thương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm