Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dùng xe túc túc sẽ... tắc tắc!

Thứ năm, 13/09/2012 - 10:12

(Thanh tra)- Ngày 4/9/2007, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề nghị cho nhập khẩu và lưu hành loại xe chở khách 3 - 4 bánh (người dân thường gọi là xe "túc túc").

Theo ông Liên, hiện các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore… sử dụng loại xe này rất phổ biến. Trong đề xuất của ông Liên cũng nêu giới hạn địa bàn hoạt động của xe túc túc chỉ lưu hành trên các tuyến đường quận, huyện (ngoại trừ quốc lộ) tiếp nối với các nhà chờ, bến xe buýt, bến xe để đưa đón khách. Để có một trật tự cho hoạt động của xe túc túc, ông Liên đề xuất: Chỉ các hợp tác xã vận tải, tổ hợp vận tải mới được mua xe và mua đúng theo kế hoạch của địa bàn từng địa phương.

Đề xuất trên đã gây chú ý từ người dân đến các cơ quan chức năng. Phải chăng đây là “ý tưởng đột phá” góp phần giảm tải lượng xe máy quá lớn đang lưu thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội? Tiện lợi của loại xe chở khách 3 - 4 bánh thì không ai phủ nhận. Bởi một thời chưa xa, hàng vạn chiếc xe lam 3 bánh chở khách, chở hàng đã “len lỏi” vào tận các ngõ hẹp, ngóc ngách khu dân cư. Song, hệ lụy từ hoạt động của xe lam gây ra cũng không nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là chất lượng xe cũ nát; được vá víu, gom nhặt lắp ráp từ các phụ tùng… đã thải loại, gây ô nhiễm môi trường khí thải; người điều khiển xe không nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, gây ách tắc trên các đường phố, làm xấu bộ mặt mỹ quan của đô thị…

Và, cố gắng lắm, Bộ GTVT mới dẹp được “nạn” xe lam 3 bánh (ngoại trừ 1 số xe hiện vẫn được thương binh, người tàn tật sử dụng).

Vậy mà, nay ông Liên lại đề nghị “lôi” thứ dịch vụ ấy ra dùng. Thậm chí, ông Liên còn viện dẫn các nước văn minh hơn mình vẫn dùng xe túc túc, sao không trông người mà ngẫm đến ta?

Đúng là “không trông người”, bởi ở nước họ, quy hoạch số lượng xe theo địa bàn chứ không thể mạnh ai người ấy làm như ở nước ta. Với lại, trước khi xe túc túc lăn bánh ra đường đã được kiểm nghiệm rất chặt chẽ về chất lượng kĩ thuật cũng như tiêu chuẩn khí thải… Còn ở mình, giả sử đề xuất của ông Liên được chấp thuận, ai dám chắc xe túc túc lưu thông trên đường bảo đảm 100% nhập khẩu? Trong khi ở nước ta có hàng loạt cơ sở lắp ráp tự chế với nguồn phụ tùng “rác” dồi dào (thậm chí không rõ nguồn gốc) và được lắp, gá “ba cha bảy mẹ”… Như thế, cơ quan nào quản cho xuể.

Hiện trên địa bàn Hà Nội đang lưu thông hàng trăm phương tiện 3 bánh do thương binh và người tàn tật sử dụng dùng để chở hàng và chở khách. Thế thôi mà các cơ quan chức năng cũng đã đau đầu rồi. Nếu Bộ GTVT "gật", cấp phép cho nhập và lưu thông xe túc túc thì bức tranh giao thông của Hà Nội chỉ có… hỗn loạn.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, một số cán bộ quản lí và thanh tra giao thông tỏ ý lo ngại nếu đề xuất này được thực hiện thì việc quản lý để có một trật tự cho xe túc túc quả thực không dễ dàng.

Một lãnh đạo của Bộ GTVT cho biết, họ đã nhận được văn bản đề nghị của ông Liên. Nhưng theo quan điểm cá nhân của vị lãnh đạo này thì đưa xe túc túc vào chở khách để hạn chế phương tiện cá nhân chỉ là giải pháp thủ công, không phải là phương tiện giao thông tương xứng với một đô thị hiện đại như Hà Nội. Nếu có thì chỉ nên xem xét sử dụng trong một phạm vi cấp tỉnh trở xuống, các huyện lị, làng xã nơi mật độ giao thông thấp.

Phía Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, hiện số lượng taxi Hà Nội đã quá tải. Số lượng khách chở trên xe túc túc không thể nhiều hơn trên xe taxi. Bây giờ có thêm xe túc túc thì rõ ràng đường phố Hà Nội sẽ chật chội thêm và khó tránh khỏi tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa xe túc túc với taxi và xe ôm. Cho nên quan điểm cho rằng dùng xe túc túc để gom khách là không khả thi. Đó là chưa nói đến xe túc túc gây tiếng ồn lớn, ô nhiễm.

Phản ứng trước đề xuất của ông Liên, một lãnh đạo của Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam khẳng định, việc gấp rút xây dựng tàu điện ở TP HCM và Hà Nội, tăng lượng xe buýt chất lượng cao là giải pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề lưu thông của dân sinh. Gần trăm năm nay, các nước tiên tiến đã từng làm và đang tiếp tục làm.

Theo báo cáo của Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm soát triệt để xe tự chế 3 bánh để phục vụ cho thương binh và người tàn tật. Vậy, nếu đồng ý nhập và cho sử dụng xe túc túc thì rõ ràng mối lo cũ chưa được gỡ xong lại rước thêm mối họa mới. Đó là lý do nhiều cán bộ chuyên môn góp ý với Bộ GTVT là: Cần chối bỏ thẳng thừng.


Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm