Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Có một chữ "nếu"

Thứ tư, 23/04/2014 - 10:07

(Thanh tra)- Nhiều người cho rằng, giữa khoảng cách dân và Nhà nước có một chữ “nếu”. Nghe qua thì đơn giản, nghĩ kỹ lại thấy rất cần rút gọn khoảng cách ấy, càng nhanh càng tốt, càng hợp đạo lý cổ truyền, càng vững kỷ cương, yên bình cho nước. Nguyên văn của câu nói giản dị như chân lý đó là: Nếu giữa dân và Nhà nước có chỗ nào tranh chấp về quyền lợi thì phải để cho dân có lợi hơn.

Vậy là rõ: Đang nói về dân sự, về quyền lợi, về đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, về làm ăn kinh tế, cổ phần hóa… Chính sách pháp luật đã có, việc thực thi rất cần đúng, thẳng mực Tàu nhưng đừng để đau lòng gỗ. Nghĩa là, có khi phải thấu tình, đạt lý. Làm thanh tra phải thế. Làm lãnh đạo phải đạt hơn thế. Một chút lợi cho dân mà được việc lớn cho nước là hiệu quả lắm lắm rồi!

Nếu cứ khách quan, nếu cứ lấy nhân nghĩa thương dân làm đầu thì có ai oán thán chi mô! Đằng này, lợi dụng kẻ hở đó, nhiều cấp quan lại “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, “được ăn, được nói, được gói mang về”, “vinh thân, phì gia”… và còn hơn thế nữa. Suốt ngày tìm cách đòi được vinh danh, quanh năm lo lót để lĩnh thưởng, lên chức, lên lương, nhận bằng khen, cờ thưởng dù chẳng lập được kỳ công nào ngoài chuyện chạy chọt, nịnh bợ… Không xứng đáng trình độ, học vị, năng lực cũng cứ tìm cách “chạy” bằng được cái “mác” giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ… để lên mặt với “thứ dân”, “thảo dân”; để dễ bề phán bừa, làm càn, tham nhũng… Lợi đâu cho nước chưa thấy, nhưng trước tiên là bị dân khinh! Và, đồng nghiệp rất coi thường! Vì trình độ sơ cấp, trung cấp còn non lại cứ “chòi” lên ghế cao cấp, chiến lược mà ngồi… nên suốt ngày là ông nọ, bà kia mà cứ phải ủ rủ xin lỗi dân, thứ thì sai số liệu, thứ thì xử sai, thứ thì làm cầu treo giả, rút ruột công trình, thứ thì bổ nhiệm nhầm lẫn đưa con cháu vào giữ ghế; thứ thì cầm nhầm nhiều lần phong bì, phong bao hối lộ chức quyền, chạy tội cả va li tiền...


Tuy nhiên, giữa dân với cán bộ Nhà nước, cán bộ lãnh đạo ai cũng thấy rõ khoảng trống đen nhẻm của “tư duy nhiệm kỳ”. Dân bầu ra đại biểu của dân: Cao nhất là Quốc hội, thấp nữa là hàng quan tỉnh, quan huyện… Thế nhưng, có nhiều loại đại biểu làm ăn kém, tham nhũng nhiều, mà khi dân tố thì khó chịu. Anh là công bộc của dân, là phải phục vụ dân. Làm chưa tốt, lẽ ra phải biết xấu hổ, xin từ chức để khỏi làm phiền dân thì lại cứ đòi oai oách tìm cho ra kẻ gửi đơn thư… Ăn lương, hưởng lộc từ thuế mà làm không tròn trách nhiệm thật đáng trách! 

Cái sổ đỏ của dân, hộ khẩu của dân, hè đường vấy vá, quanh co mãi. Rồi nạn ngập lụt, cầu, cống hỏng hóc, nạn dân mất ruộng vì “cò” lừa Nhà nước, đứng ra làm chủ dự án, rồi “treo” mãi không bán được, rồi đất vàng hóa hoang hóa mãi… Bệnh viện mãi hai mươi năm nay, địa phương không có tiền nâng cấp, trường học, nhà mẫu giáo, chỗ nào cũng có điểm đáng trách cũng vì loại “tư duy nhiệm kỳ”, người sau phải “hót rác” cho người trước! “Hót” xong, lo xong cho mình là vừa nghỉ, hết nhiệm kỳ! 

Đói đến chết thì chưa, nhưng đứt bữa, rau cháo, khó khăn, nghèo túng thì vẫn nhiều như xưa… Nhìn thấy lớp lớp dân đua nhau đi học đại học, đua nhau ra thành phố làm thuê, làm mướn là thấy tốc độ đô thị hóa, nạn thất nghiệp, đói khổ ở nhà. 

Cũng có thể, đạo đức cán bộ suy giảm vì mảng tuyên dương khen thưởng, bổ nhiệm, chạy chọt có vấn đề! Dưới đề xuất lên nhưng xứng đáng hay không là phải có bộ phận xem xét, thanh tra, kiểm tra… và kết luận! Đằng này, trái chín đổ lẫn trái xanh, có anh hôm nay được khen, được phong chức, tháng sau, đã có lệnh truy nã vì tham nhũng, vì biếu xén bằng công quỹ… 

Có anh, leo lên mọi chức tước vùn vụt, đạo đức được tô vẽ như thánh, như thần, đùng cái có đơn thư tố cáo: Lừa đảo, gom tiền thiên hạ về túi “các bồ nhí”! Có chị, theo gót đoàn thanh tra, kiểm tra về Hà Nội, lên sao, lên gạch, lên đời tới tới, vào hội đồng, lên cấp ủy, nhưng trong cơ quan tìm hiểu thì ra hồ sơ là một loại: Anh chị chợ búa…

Vậy là, tuyển chọn và công tác nhân sự có vấn đề. Cái khó là tăng cường thanh tra trách nhiệm để khoảng cách giữa dân và Nhà nước, giữa thực tiễn và văn bản đừng cách xa nhau quá!

Hoàng Trí

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm