Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chung cư cũ được xây cao trên 18 tầng

Thứ sáu, 08/04/2016 - 06:21

(Thanh tra)- Tin vui lớn đối với người dân Thủ đô: UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô. Theo đó, diện mạo Thủ đô sẽ sáng sủa hơn khi 1.516 chung cư cũ sẽ được thay thế bằng những tòa nhà cao tầng hiện đại và người dân được quyền định cư tại chỗ.

2 đơn nguyên chung cư G6A, phường Thành Công, bị nghiêng, lún tạo thành hình chữ V. Ảnh: Tràng An

Quy chế này cụ thể hóa chỉ tiêu quy hoạch ở từng ô, từng tuyến phố. Cụ thể: Hai bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và tại các khu vực điểm nhấn đô thị, các dự án tái thiết đô thị bao gồm việc đầu tư xây dựng các khu chung cư cũ và quỹ đất sau di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội; cho phép xây dựng công trình cao tầng trong trường hợp xây dựng lại các khu chung cư, tập thể cũ.

Đường vành đai 1 gồm các tuyến La Thành, Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Trần Khát Trân, Kim Ngưu đến nút giao Ô Đông Mác, Nguyễn Khoái được xây công trình tối đa 24 tầng. Đường vành đai 2 gồm các tuyến từ cầu Nhật Tân đến nút giao Hoàng Hoa Thám, Bưởi, Láng, Trường Chinh, Đại La, Minh Khai được xây công trình tối đa 27 tầng; đường ven sông Hồng như An Dương Vương, Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái được xây tối đa 21 tầng. Các khu chung cư cũ: Nguyễn Công Trứ xây tối đa 25 tầng, Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh 21 tầng. Thấp nhất là khu Văn Chương chỉ 18 tầng…

Tất nhiên, không phải có bao nhiêu chung cư cũ thì được xây bấy nhiêu chung cư mới. Tỷ lệ số lượng chung cư mới sẽ được quy định theo mật độ không gian của từng khu.
         
Cũng theo quy chế của TP, các quy định về hình thức, chi tiết kiến trúc của công trình cao tầng phải hiện đại, hài hòa với cảnh quan, kiến trúc khu vực, phù hợp với môi trường khí hậu. Ngoài ra, chỉ tiêu sử dụng đất phải tuân thủ các quy định về khoảng lùi, mật độ xây dựng, dân số... theo quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành liên quan.   

Đây là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư tham chiếu để thực hiện đầu tư đúng, tránh tình trạng “tham nhũng không gian” như ở 8B Lê Trực đến khi phải xử lý vừa phức tạp, tốn kém…

Về giải pháp thực hiện, thành phố khuyến khích hình thực hợp tác kinh doanh. Người dân trong phạm vi dự án có thể góp vốn bằng quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, cho phép áp dụng hình thức xây dựng chuyển giao. Những người ở trong căn hộ cũ, trên đất của dự án có quyền tái định cư tại chỗ hoặc chuyển sống ở địa điểm khác phù hợp với hoàn cảnh của mình. Các giải pháp này triệt tiêu mâu thuẫn giữa người sở hữu căn hộ, sở hữu đất với chủ đầu tư, mà từ trước đến nay chưa hóa giải được.

Khi có chủ trương này, nhiều người lo ngại áp lực gia tăng dân số nội đô. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia thì không đáng ngại, bởi số lượng căn hộ mới sẽ không tăng quá nhiều so với số lượng căn hộ cũ (do khống chế mật độ xây dựng). Tất nhiên, diện tích làm dịch vụ thương mại trong các tòa nhà sẽ tăng (thường các tòa nhà cao tầng dành tầng 1 đến tầng 4 làm khu vực thương mại, văn phòng). Có điều, mức tăng này cũng không đột biến bởi hầu hết tầng 1 của các chung cư cũ từ hàng chục năm nay vẫn được cơi nới ra cả diện tích đất xung quanh để làm cửa hàng, văn phòng cho thuê… Do vậy lượng khách cũng không tăng nhiều.

Hà Nội có hàng nghìn chung cư cũ, trong đó mới chỉ có hơn 10 chung cư nguy hiểm được phá bỏ, xây mới. Như vậy, mục tiêu cải tạo chung cư cũ trong thời gian qua của Hà Nội chỉ đạt 1%. Nay, với quy chế mới là cơ sở pháp lý để tháo gỡ nút thắt gây ách tắc từ nhiều năm nay, đảm bảo lợi ích của nhiều phía có liên quan. Khi các giải pháp này được thực hiện sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản thủ đô sôi động trở lại với mức giá dễ chấp nhận vì nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên cũng có những dự báo giá căn hộ ở vùng xa trung tâm thành phố sẽ giảm đáng kể.

Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm