Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chấn hưng giáo dục - Mệnh lệnh của cuộc sống

Thứ ba, 24/01/2012 - 08:08

(Thanh tra)- Chắc hẳn những ai quan tâm đến giáo dục nước nhà đều biết đến quan điểm rất tâm huyết này của GS. Hoàng Tụy. Tôi từng có dịp được gặp và trò chuyện với GS, biết rằng dù đôi tai không còn thính, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, trí tuệ minh mẫn và đặc biệt là cái tâm với ngành Giáo dục nước nhà vẫn sáng như ngày nào.

GS. Hoàng Tụy

“Lát cắt Tụy”

Căn nhà nhỏ của GS. Hoàng Tụy nằm trong một con ngõ của phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. Hai lần tôi đến thăm ông đều được gặp “người giữ lửa” trong ngôi nhà nhỏ này. Có lẽ, chăm sóc ông đã trở thành thói quen thường ngày của bà. Bởi, mỗi lần tôi xin phép được nói chuyện với GS bao nhiêu phút bà đều ý tứ nói ông vừa ốm hoặc vừa công tác xa về.
 
Nhìn lại chặng đường đã qua của GS. Hoàng Tụy, điều có thể dễ dàng nhận thấy là ông có quá nhiều duyên nợ với Toán học. GS. Hoàng Tụy sinh ngày 17/12/1927, tại làng Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam, là cháu nội em ruột cụ Hoàng Diệu - nhà yêu nước chống thực dân xâm lược Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Mồ côi cha khi mới lên bốn, gia đình túng bấn lại đông anh em nên tuổi thơ của ông khá vất vả. Nhưng bù lại, ông học rất giỏi. Cũng nhờ học giỏi mà học hết 6 năm tiểu học, cậu bé Tụy thi đỗ vào năm thứ nhất Cao đẳng Tiểu học Trường Trung học Khải Định ở Huế (nay là Quốc học Huế). Không may, học đến giữa năm thứ hai, Hoàng Tụy bị một trận ốm "thập tử nhất sinh" phải bỏ học 1 năm về quê chữa bệnh.

Chính trong thời gian này, ông tranh thủ tự học Toán, Lý, Hóa, Văn… qua sách vở do các anh trai để lại. Ông nhớ lại: "Đây chính là thời điểm quyết định tương lai cuộc đời tôi. Vì cả hoài bão khoa học cùng với thói quen tự học đều đã hình thành trong những chuỗi ngày dài chiến đấu với bệnh tật và dưỡng sức khi bệnh đã qua khỏi nguy kịch". Trở lại trường học tiếp được nửa năm, Hoàng Tụy tiếp tục đau ốm liên miên. Việc xin giấy chứng nhận ốm để xin nghỉ học quá rày rà, ông đành bỏ cả học bổng toàn phần của Trường Quốc học Huế, ra học trường tư. Sau khi bình phục, ông "nhảy cóc" luôn hai lớp và tuy là thí sinh tự do, ông vẫn đỗ cao kỳ thi tú tài bán phần năm 1945. Năm sau, chỉ mất 4 tháng tự học, ông đỗ đầu kỳ thi tú tài toàn phần Ban Toán.

Cũng nhờ ra học trường tư mà ông được gặp gỡ với những người thầy nổi tiếng của Việt Nam như thầy Cao Xuân Huy, Hoài Thanh… Năm 1951, được tin TS. Toán học Lê Văn Thiêm từ nước ngoài trở về và mở trường đại học ở Việt Bắc, Hoàng Tuỵ khăn gói lên đường để “tầm sư học đạo”.

Không có xe nên từ xứ Quảng, ông phải đi bộ ròng rã mấy tháng trời. Đến Thanh Hóa thì hết tiền, ông phải ở lại đó hai tháng, đi dạy tư để kiếm tiền làm lộ phí. Nhưng đặt chân được ra Việt Bắc thì ông lại nhận được tin ngôi trường mình định theo học sẽ không được mở. Kiểm tra thử năng lực của anh sinh viên hụt này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục khi đó là Nguyễn Khánh Toàn đã không khỏi giật mình. Ông quyết định điều Hoàng Tuỵ sang Nam Ninh, Trung Quốc dạy trường Trung cấp Sư phạm của ta đặt nhờ trên đất bạn. Từ một người chủ tâm đi học, ông được làm thầy. Từ muốn làm học trò của TS. Lê Văn Thiêm, giờ ông là đồng nghiệp.

Với những thành tích xuất sắc trong giảng dạy, ông được giao nhiệm vụ phụ trách cải cách giáo dục, được cử sang Liên Xô học rồi trở thành một nhà toán học hàng đầu Việt Nam và nổi tiếng trên thế giới. Năm 1964, ông đã phát minh ra phương pháp "lát cắt Tụy" (Tuy's cut) và được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành Toán học mới: Lý thuyết tối ưu toàn cục (global optimization). Từ giữa thập niên 80 thế kỷ XX, GS. Hoàng Tụy đề xuất và xây dựng Lý thuyết tối ưu DC (hiệu hai hàm lồi). Năm 2000, ông lại đề xuất và xây dựng Lý thuyết tối ưu đơn điệu. Năm 2011, ông được nhận giải thưởng đầu tiên của Đại hội Toán học quốc tế về tối ưu toàn cục.

Nỗi buồn “Tụy”

Từ khi về nghỉ, ông vẫn đau đáu nỗi niềm đối với nghiên cứu khoa học cũng như ngành Giáo dục nước nhà. Ông tâm sự: “Lẽ ra, tối ưu toàn cục có thể trở thành một trường phái ở Việt Nam. Tôi đã cố gắng xây dựng, nhưng thất bại”. Trong cuộc đời làm khoa học và giáo dục của mình, ông đã hoàn thành nhiều việc lớn: 26 tuổi, chủ trì biên soạn sách giáo khoa phổ thông; 37 tuổi “khai sơn phá thạch” lĩnh vực mới của toán học, đóng vai trò không nhỏ cho việc ra đời các chương trình, chính sách phát triển đội ngũ làm khoa học về Toán của Việt Nam… Đối với giáo dục, tại các hội nghị, hội thảo được mời tham dự, ông đều có quan điểm rất nhất quán đó là: “Chấn hưng giáo dục - Mệnh lệnh của cuộc sống!”. Theo ông, để cải cách toàn diện, ngành Giáo dục phải giải quyết được các vấn đề lớn như: Thay đổi phương thức tuyển sinh; phân luồng giáo dục từ THPT và vấn đề lương cho giáo viên. GS. Hoàng Tụy cho rằng, đây là 3 yếu tố quan trọng nhất để “chấn hưng” giáo dục.

Bức xúc trước những vấn đề của giáo dục hiện nay, những ý kiến của ông đưa ra đã khiến không ít người phải giật mình. Năm 2003, sau đợt xét công nhận GS. với một bước tiến lớn (chuyển từ học hàm sang chức danh và đưa hoạt động này vào nền nếp hàng năm, sau gần 20 năm bỏ ngỏ), nhận định "1/3 GS. xứng đáng bị miễn nhiệm chức danh" của ông gây xôn xao trong giới đại học. Còn, các công trình nghiên cứu khoa học rởm để tính thành tích cộng vào cái danh GS. hão được ông gọi tên là "mớ giấy lộn". Năm 2004, tại một hội thảo, ông đã gọi những vấn nạn ảnh hưởng tới cơ thể khỏe mạnh của nền giáo dục là "ba khối u dị dạng" và chẳng ngại ngần gọi đó là "giáo dục bệnh hoạn". Ông cũng tỏ bày sự thất vọng mau chóng khi giáo dục "chạy theo thành tích dễ dãi được quảng cáo ầm ĩ thiếu trung thực lại ngốn nhiều công sức, tiền của mà hiệu quả thấp".

Theo ông, giáo dục phải đổi mới thi cử, xây dựng đại học theo tinh thần khai sáng, đào tạo theo nhu cầu xã hội và then chốt nhất là cải tổ chính sách với giáo chức. Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng xem ra, GS. Hoàng Tụy rất còn rất “nặng nợ” với giáo dục.

GS. Hoàng Tụy có trên 100 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí có uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học như: Quy hoạch toán học, Tối ưu toàn cục, Lý thuyết điểm bất động, Định lý minimax, Lý thuyết các bài toán cực trị, Quy hoạch lõm... và nhiều cuốn sách, chuyên khảo, giáo trình… đã được tái bản nhiều lần ở nhiểu nước trên thế giới.

Ông là tổng biên tập của 2 tạp chí toán học tại Việt Nam (1980 - 1990); Ủy viên Ban biên tập của 3 tạp chí toán học quốc tế.

Một số giải thưởng:

Tiến sĩ danh dự trường Đại học Linköping, Thụy Điển (1995)

Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996)

Giải thưởng Phan Châu Trinh (2010)

Giải thưởng Constantin Carathéodory (2011)


Quảng Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm