Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cải thiện giao thông và hạ tầng tại các thành phố lớn

Thứ năm, 05/04/2012 - 17:50

(Thanh tra) - Đó là một trong nhiều nội dung khuyến nghị của báo cáo Đánh giá Đô thị hóa ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện được công bố ngày 5/4.

Ảnh minh hoạ: Đô thị hóa còn nhiều bất cập

Theo báo cáo, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đạt 3,4%/năm, đa số tập trung trong và xung quanh TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đô thị hóa, đặc biệt là ở hai trung tâm kinh tế lớn này, đóng vai trò trọng tâm trong tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống đô thị hiện nay của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đang hạn chế lợi thế cạnh tranh của chính các thành phố này, đặc biệt là nút thắt hậu cần, chi phí vận chuyển cao bất thường, tắc nghẽn giao thông gia tăng và thị trường đất đai bị bóp méo.

Báo cáo đề xuất cần tập trung cải thiện hệ thống giao thông đô thị và cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn, cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của các vùng đô thị này.

Phân tích trong báo cáo cho thấy chỉ có 5% dân số thu nhập cao nhất ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khả năng chi trả cho nhà đất do các công ty phát triển đô thị cung cấp qua kênh chính thức. Cần xử lý sớm hệ thống giá đất kép và sự mập mờ của thị trường nhà đất, cũng như thói quen bán và cho thuê đất để tăng ngân sách địa phương, là những thực tế có thể dẫn tới phát triển đô thị lộn xộn.

Báo cáo kêu gọi các nhà quy hoạch giải quyết các vấn đề giao thông đô thị để nâng cao chất lượng sống và cung cấp thêm nhiều lựa chọn giao thông cho người dân, kể cả người nghèo, trẻ em, người già và người tàn tật.

Giải quyết những vấn đề này cũng đồng nghĩa với hiện đại hóa và cải cách hệ thống quy hoạch của Việt Nam, tăng cường quản lý đô thị và đảm bảo phối hợp tốt hơn giữa các cấp chính quyền và giữa các ban, ngành của thành phố.

Không có quốc gia nào đạt mức thu nhập cao và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ mà quá trình đô thị hóa không diễn ra trước và gần như tất cả các nước đều có tỉ lệ đô thị hóa ít nhất 50% trước khi đạt đến vị thế là nước có thu nhập trung bình đầy đủ. Việt Nam kỳ vọng đạt mục tiêu này vào năm 2025.

“Đô thị hóa được quản lý tốt có thể hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Việt Nam và hỗ trợ các mục tiêu của Chiến lược Phát triển Kinh tế - xã hội.Chúng tôi hy vọng rằng báo cáo này sẽ trở thành một tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam và những người quan tâm tới quá trình đô thị hóa của Việt Nam", ông Dean A. Cira, chuyên gia trưởng về Phát triển Đô thị của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trưởng nhóm thực hiện báo cáo, nói.

Việt Nam có thể thành công hơn nữa trong việc tận dụng các cơ hội kinh tế xã hội và vượt qua những thách thức của đô thị hóa nếu quá trình đô thị hóa được quản lý theo hướng mang lại lợi ích cho tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, báo cáo nhận định.

Bài, ảnh: Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm