Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bệnh phẩm cần huỷ, bệnh viện chờ tiền

Thứ tư, 12/10/2011 - 14:11

Bệnh phẩm cùng các loại rác y tế khác được thải ra hằng ngày, nhưng phần lớn các BV ở Thái Nguyên chưa được trang bị lò đốt rác y tế đạt tiêu chuẩn. Khi chưa có được lò đốt, nhiều nơi buộc phải tự huỷ theo phương pháp thô sơ là đốt rồi chôn lấp.

Mỗi ngày, Cty CP MT&CTĐT Thái Nguyên chỉ tiêu huỷ trung bình 130kg rác thải y tế, số rác y tế rất lớn còn lại không biết đi về đâu? Ảnh: Vinh Hải

Ngóng tiền

BV Đa khoa huyện Đồng Hỷ đang đứng trước ngưỡng cửa lần đầu tiên được lắp đặt hệ thống xử lý nước thải và lò đốt rác y tế trị giá hơn 7 tỉ đồng. Hiện dự án đã được phê duyệt về mặt chủ trương cùng với 3 BV khác, 50% vốn do T.Ư cấp còn địa phương đối ứng 50%. Lãnh đạo BV Đa khoa huyện Đồng Hỷ cho rằng nếu chỉ dựa vào “nội lực” của BV chắc chẳng bao giờ thực hiện được dự án trên.


BV Đa khoa Đồng Hỷ không phải đơn vị duy nhất chưa có lò đốt rác y tế. Trong số 19 BV trên địa bàn tỉnh (tính cả BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên là BV tuyến T.Ư) chỉ có 5 BV có lò đốt nằm ở 3 BV tuyến tỉnh và 2 BV tuyến huyện nhưng 1 lò đã lâu không được sử dụng. Còn hệ thống xử lý nước thải cũng nơi có nơi không.

ThS Chu Hồng Thắng - Phó GĐ Sở Y tế Thái Nguyên cho biết: “Tất cả các BV đã có lò đốt đều nhận được nguồn hỗ trợ từ bên ngoài đó là nguồn từ trái phiếu chính phủ, nguồn đầu tư xóa các cơ sở ô nhiễm hay vốn của các tổ chức phi chính phủ. Vì thế, các BV dù rất muốn có hệ thống xử lý nước thải và lò đốt đạt chuẩn để ra khỏi danh sách đen cơ sở ô nhiễm nhưng vẫn phải xếp hàng chờ vốn đầu tư”.

Rác thải y tế đi đâu?

Ngoài 5 lò đốt thuộc các BV, Cty CP môi trường và công trình đô thị Thái Nguyên (Cty CP MT&CTĐT) cũng đang được giao sử dụng một lò đốt từ năm 2004 và đơn vị này thực hiện việc đốt rác thải y tế theo hợp đồng với các BV chưa có lò đốt tiêu chuẩn, mức giá theo quy định của Sở Tài chính. Ông Nguyễn Hiền - GĐ Cty cho biết: “Trong 5 năm đầu chúng tôi liên tục lỗ khi tiêu hủy rác thải y tế. Bởi giá tiêu hủy trước đây chỉ là 8.000 đồng/kg rác, lượng rác thải y tế ít do không nhiều BV ký hợp đồng xử lý khiến doanh thu không bù được chi phí hoạt động lò đốt”.

Hiện mức giá tiêu hủy đã tăng lên 14.000 đồng/kg rác thải y tế và đã có 12 đơn vị hợp đồng với Cty CP MT&CTĐT. Tuy nhiên trong số này chỉ có 3 BV lớn là BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên, BV A và BV Gang thép, còn BV tuyến huyện chưa có lò đốt chỉ có BV Đa khoa huyện Đại Từ ký hợp đồng tiêu hủy rác y tế. Vậy rác thải y tế của các BV chưa có lò đốt đi đâu?

Theo tính toán của Sở Y tế Thái Nguyên trung bình một ngày mỗi giường bệnh thải ra 0,15 - 0,3kg rác y tế. Giả sử các BV đều hoạt động hết công suất giường bệnh, với số lượng 1.560 giường bệnh của 8 BV tuyến tỉnh lượng rác y tế mỗi ngày khoảng 234 - 468kg, con số này với các BV tuyến huyện là 125 - 250kg.

Đối với rác thải y tế, ngoài một số BV làm hợp đồng thuê đốt số còn lại tự đốt rồi chôn lấp dù cách này không đảm bảo vệ sinh.

Chứng kiến việc tiêu hủy rác y tế tại bãi rác Đá Mài, PV nhận thấy lượng rác nhiều nhất là bệnh phẩm, rác thải rắn chủ yếu là bơm kim tiêm, tuyệt không thấy các loại vỏ bình truyền dịch. Chưa hết, công nhân Cty CP MT&CTĐT khi đi thu gom rác sinh hoạt gần khu vực các phòng khám tư đã không ít lần bị kim tiêm đâm vào tay hoặc bắt gặp bệnh phẩm để lẫn. Trong khi theo quy định, các phòng khám tư phải có phương án tiêu hủy rác y tế mới được phép đăng ký hoạt động. Nhưng hiện mới có 3 phòng khám đăng ký tiêu hủy rác y tế với số lượng 1kg/ngày nghĩa là chỉ tốn 14.000 đồng/ngày. Có thể thấy, gần như rác y tế từ các phòng khám còn đang bị để ngỏ. Trước thực trạng đó, ông Chu Hồng Thắng cho biết trong thời gian tới sẽ tiến hành kiểm tra phương án xử lý rác thải của các cơ sở y tế tư nhân.

(Theo LĐO)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm