Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn việc bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật

Hương Giang

Thứ năm, 22/09/2022 - 17:20

(Thanh tra) - Ban Tổ chức Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn Điểm 3, Thông báo số 20 ngày 8/9 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Ảnh: Đ.X

Đối với cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn, cán bộ làm đơn gửi ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương nơi công tác.

Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương nơi cán bộ công tác họp, cho ý kiến và gửi văn bản báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư (gửi qua Ban Tổ chức Trung ương).

Sau đó, Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục theo quy định.

Với cán bộ có nguyện vọng tiếp tục làm việc còn dưới 5 năm công tác, Ban Tổ chức Trung ương quy định rõ từng trường hợp.

Với cán bộ là Ủy viên Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương trao đổi với cán bộ bị kỷ luật; trao đổi với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác về việc thực hiện chủ trương của Đảng (gồm cả trường hợp cán bộ bị kỷ luật là người đứng đầu).

Sau đó, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm trao đổi với cán bộ bị kỷ luật; báo cáo ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương nơi cán bộ công tác để cho ý kiến và gửi văn bản báo cáo Bộ Chính trị (qua Ban Tổ chức Trung ương).

Trên cơ sở ý kiến này, Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến (bằng văn bản) của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và các cấp ủy, tổ chức Đảng có liên quan; tổng hợp ý kiến các cơ quan, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục theo quy định.

Với các chức danh khác của cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương, Ban Tổ chức Trung ương trao đổi với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác về việc thực hiện chủ trương của Đảng.

Người đứng đầu có trách nhiệm trao đổi với cán bộ bị kỷ luật; báo cáo ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương nơi cán bộ công tác để cho ý kiến và gửi văn bản báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương).

Trên cơ sở ý kiến này, Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến (bằng văn bản) của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và các cấp ủy, tổ chức Đảng có liên quan; tổng hợp ý kiến, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục theo quy định.

Với trường hợp còn từ 5 năm công tác trở lên, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, quy trình xem xét tương tự như trường hợp cán bộ còn dưới 5 năm công tác.

Sau khi cấp có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm, cho từ chức, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương xem xét, bố trí công tác khác đối với cán theo thẩm quyền.

Điểm 3 Thông báo số 20 ngày 8/9 của Bộ Chính trị quy định:

Việc bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và theo định hướng: Cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng.

Cán bộ có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét bố trí theo từng trường hợp. Trường hợp thời gian công tác còn dưới 5 năm: Cán bộ là Ủy viên Trung ương Đảng thì Bộ Chính trị xem xét, bố trí công tác phù hợp với từng trường hợp cụ thể; cán bộ ở cơ quan Trung ương và địa phương thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức đã được bổ nhiệm.

Trường hợp thời gian công tác còn từ 5 năm trở lên: Cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí công tác theo nguyên tắc như trên.

Cán bộ sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật.

Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm