Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 21/04/2020 - 17:25
(Thanh tra) - Thực tế này chỉ ra việc thu hồi và khắc phục về kinh tế do tham nhũng gây ra vẫn rất khó khăn, nỗ lực trong các năm qua của các địa phương trong cả nước chưa tương xứng với kỳ vọng và yêu cầu của việc xử lý hành vi tham nhũng.
Ảnh minh họa: Internet
Báo cáo Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh 2018 (PACA INDEX 2018) do Thanh tra Chính phủ vừa công bố nhấn mạnh như vậy.
Tương tự như các năm trước, năm 2018 đánh giá kết quả xử lý các hành vi tham nhũng tập trung vào 3 nội dung cụ thể: (1) đánh giá kết quả xử lý kỷ luật hành chính đối với cá nhân, tổ chức đã xảy ra tham nhũng; (2) kết quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh và (3) hiệu quả của địa phương trong việc thu hồi tiền, tài sản, đất đai bị tham nhũng thông qua các biện pháp hành chính, hình sự.
Điểm số trung bình toàn quốc ở nội dung này là 14,487/25 đạt 57,95 % so với yêu cầu (tăng 1,21% so với số điểm năm 2017). So với các kỳ đánh giá trước, năm 2018 là năm đầu tiên về xử lý hành vi tham nhũng có tỉnh đạt điểm tối thiểu (Tuyên Quang, Ninh Thuận đạt 0 điểm).
Trong 3 nội dung thành phần đánh giá, điểm về xử lý hình sự chiếm tỷ lệ cao nhất (bình quân đạt 8,616/10, đạt 86,16% so với yêu cầu), tiếp theo là xử lý hành chính (bình quân đạt 2,437/5, đạt 48.74% so với yêu cầu), cuối cùng là điểm về nội dung thu hồi tài sản (bình quân đạt 3,434/10, đạt 34,34% so với yêu cầu).
Kết quả xử lý hành chính về hành vi tham nhũng có xu hướng giảm và chỉ đạt 48,74% so với yêu cầu, số tỉnh không có kết quả xử lý hành chính là 13 tỉnh (tăng 3 tỉnh so với năm 2017). Đối với 30 tỉnh có kết quả xử lý hành chính ở mức cao (đạt trên 70%), có 13 tỉnh đạt điểm tối đa, giảm 3 tỉnh so với năm 2017.
Về kết quả xử lý hình sự, năm 2018 có 56 tỉnh đạt kết quả xử lý hình sự ở mức cao (đạt trên 70%), tăng 3 tỉnh so với số lượng năm 2017, tương ứng với tổng điểm tăng 3,23% so với năm 2017, đạt ở mức 8.59/10. Có 2 tỉnh không có kết quả về xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng (Ninh Thuận, Tuyên Quang).
Báo cáo nhận định, việc phát hiện hành vi tham nhũng chủ yếu qua công tác điều tra, truy tố, xét xử là tương đồng với kết quả ở mức cao của việc xử lý hình sự. Việc đánh giá phản ánh năm 2018 các địa phương tiếp tục tập trung nhiều nỗ lực và đạt kết quả khả quan hơn trong việc phát hiện và xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng.
Tuy xử lý hình sự có tăng hơn nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng năm 2018 có xu hướng giảm nhẹ, đạt 34,34% so với yêu cầu, giảm 1,38% so với năm 2017.
Có 3 tỉnh không có kết quả thu hồi tài sản tham nhũng (Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tuyên Quang). Trên bình diện cả nước, đa số các tỉnh (45/63 tỉnh, chiếm gần 72% cả nước) có kết quả thu hồi tài sản tham nhũng dưới mức trung bình (dưới 50%). Việc thu hồi đất đai do hành vi tham nhũng vẫn duy trì ở mức thấp, được ghi nhận ở mức 0,61/5 điểm, chỉ đạt 12,2% so với yêu cầu. Thực tế này chỉ ra việc thu hồi và khắc phục về kinh tế do tham nhũng gây ra vẫn rất khó khăn, nỗ lực trong các năm qua của các địa phương trong cả nước chưa tương xứng với kỳ vọng và yêu cầu của việc xử lý hành vi tham nhũng.
So với năm trước, năm 2018 có khoảng cách khá xa đối với khoảng điểm trong xử lý hành vi tham nhũng: TP Hồ Chí Minh đạt tối đa (21,04 điểm) trong khi Tuyên Quang không có báo cáo đạt được điểm tại nội dung này. Có tới 13 tỉnh không xử lý hành chính. Các tỉnh Bạc Liêu, Ninh Thuận, Quảng Ngãi tuy có ghi nhận trong xử lý hành chính, xử lý hình sự nhưng báo cáo không có số liệu về thu hồi tài sản tham nhũng. Nhìn chung, điểm số trung bình năm 2018 tăng nhẹ so với 2017 là do nhiều địa phương thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong việc xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng.
So sánh kết quả xử lý hành vi tham nhũng năm 2018 với các năm trước:
Kết quả xử lý hành vi tham nhũng năm 2018 có xu hướng tăng hơn đã phản ánh nỗ lực lớn của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án nhân dân các cấp trong việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng tại các địa phương. Có thể nói, sự nỗ lực này tạo tiền đề thuận lợi cho việc thu hồi tài sản do hành vi tham nhũng vào các năm tiếp theo.
Nhìn chung, chỉ số xử lý hành vi tham nhũng trong 3 năm liên tiếp gần đây có kết quả khả quan, năm sau cao hơn năm trước, cho thấy tính chủ động của địa phương trong việc xử lý tội phạm tham nhũng. Bên cạnh đó, kết quả xử lý tội phạm tham nhũng có xu hướng tiến triển hơn so với kết quả đánh giá của các chỉ số khác.
So với năm 2017, năm 2018 điểm đánh giá công tác PCTN bình quân cả nước thấp hơn (chỉ đạt 59,56 điểm, giảm 2,02 điểm so với năm 2017); các kết quả về (A) quản lý Nhà nước, (B) thực hiện các biện pháp phòng ngừa và (C) phát hiện các hành vi tham nhũng đều thấp hơn năm trước nhưng nội dung (D) xử lý hành vi tham nhũng tại các địa phương tiếp tục được duy trì ở mức cao và có xu hướng tiếp tục tăng.
Đối với với điểm chuẩn tại thang điểm đánh giá, tỷ trọng điểm xử lý hành vi tham nhũng lên tới gần 60%, thể hiện ngày càng đạt được kết quả tốt so với yêu cầu.
Xét riêng trong 4 nội dung theo bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN, chỉ số đánh giá về xử lý hành vi tham nhũng, bao gồm việc thu hồi tài sản do tham nhũng, luôn cho thấy là công tác khó khăn, phức tạp.
Tuy nhiên, qua đánh giá từ năm 2016 đến nay, nội dung này càng chiếm tỷ trọng cao so với tổng điểm bình quân. Điều này phản ánh cụ thể hiệu quả trong quyết tâm chỉ đạo đấu tranh với tội phạm tham nhũng do Đảng, Chính phủ lãnh đạo trong những năm gần đây - báo cáo chỉ rõ.
Trong một khía cạnh khác, 4 nhóm chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh, thì nhóm chỉ số của Phần C (Phát hiện các hành vi tham nhũng) và Phần D (Xử lý các hành vi tham nhũng) được coi là nhóm chỉ số đánh giá thực tế công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng tại các địa phương. Có thể thấy, từ khi thực hiện đánh giá, việc phát hiện các hành vi tham nhũng không có mối quan hệ tỷ lệ thuận với việc xử lý hành chính, hình sự và thu hồi tài sản tham nhũng. Nói cách khác, sự gia tăng trong xử lý hành vi tham nhũng có xu hướng không phụ thuộc vào việc phát hiện hành vi tham nhũng. Giảm điểm phát hiện hành vi tham nhũng nhưng điểm xử lý hành vi tham nhũng vẫn tăng. Cụ thể, so với năm đầu tiên đánh giá công tác PCTN, điểm phát hiện hành vi tham nhũng giảm 10,65% (ở mức 89,35%), trong khi điểm xử lý hành vi tham nhũng tăng 37,47% (ở mức 137,47%).
Báo cáo chỉ rõ: Việc đánh giá công tác PCTN nói chung, đánh giá chỉ số phát hiện và xử lý tham nhũng nói riêng đã bám khá sát thực tế tại các địa phương (ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN: “Công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực, rõ nét, được coi là điểm sáng trong công tác PCTN thời gian gần đây”). Tuy nhiên, sự tỷ lệ nghịch giữa nội dung phát hiện và xử lý tham nhũng cũng cho thấy việc phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết tố cáo tham nhũng... tại các địa phương không cải thiện mà có dấu hiệu giảm; trong khi việc xử lý hình sự có dấu hiệu tăng do thực tế nhiều vụ án về tham nhũng còn tồn đọng, phức tạp, kéo dài; việc xử lý các tội phạm về hành vi tham nhũng tập trung vào những vụ án lớn theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Đồng thời cũng có thể thấy tính quan trọng, cấp thiết của Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc giải quyết công việc hàng ngày của người dân và doanh nghiệp.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Yên Bái đã đạt được thành tích đáng tự hào. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 2.995 căn nhà trong tổng số 3.022 căn theo kế hoạch, tương đương 99%.
Bùi Bình
00:00 13/12/2024(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024, diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Lê Phương
21:44 12/12/2024Theo EVNNPC
21:24 12/12/2024Theo EVNNPC
21:11 12/12/2024Theo EVNNPC
21:10 12/12/2024Thái Hải
21:09 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC