Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vườn chim Bạc Liêu

Thứ hai, 16/05/2011 - 15:08

(Thanh tra) - Chim bay về núi tối rồi / Chị em lo liệu bắt nồi nấu cơm. Đây là lúc chim mẹ sau một ngày đi ăn xa về lo liệu "cơm nước" cho đàn con. Tại các tổ chim nằm trên ngọn cây, cò mẹ đang rỉa những con cá mớm cho lũ cò con đang vẫy cánh chờ. Lại nhớ về một câu ca xưa: Con cò lặn lội bờ sông / Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non. Cò đã tặng cho nhân gian cái hình ảnh tần tảo của người mẹ. Vào vườn chim dễ bắt gặp những gợi cảm đến xúc động như vậy…

Cách thị xã Bạc Liêu 6 km về hướng Biển, trên con đường nhựa sạch đẹp mang tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người sáng tác bản Dạ cổ Hoài Lang, về phía phải, sang kênh 30 tháng 4 trên con cầu bê tông vững chắc là đến Vườn chim Bạc Liêu, thuộc địa phận xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu.

Theo tư liệu của khu bảo tồn thiên nhiên Vườn chim Bạc Liêu, địa danh này xuất hiện cách nay khoảng 100 năm, lúc đó là thảm rừng ngập mặn ven biển rất phong phú và đa dạng, với hệ sinh thái ngập mặn tự nhiên. Vườn chim là một phần thảm rừng còn sót lại ven biển Đông do sự bồi tụ tự nhiên nên ngày càng xa biển hơn.

Năm 1962, Vườn chim được một hộ dân quản lý chăm sóc bảo vệ và khai thác chim non. Sau đó, chính quyền địa phương sớm nhận thức Vườn chim là tài sản thiên nhiên quý hiếm nên đã có sự đầu tư từng bước. Năm 1986, Vườn chim Bạc Liêu được đưa vào danh sách các khu bảo tồn thiên nhiên. Vườn chim Bạc Liêu trở thành vùng bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn và phát triển hệ chim nước tự nhiên và đảm bảo tính đa dạng sinh học.


Với hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên trên diện tích khoảng 385 ha, trong đó có 19 ha rừng nguyên sinh. Kết quả nghiên cứu mới đây ước lượng vườn chim hiện nay có khoảng 5 ngàn tổ chim các loại với hơn 40.000 cá thể của gần 40 loài chim. So với năm 1992 số lượng đã tăng gấp 4 lần. Hiện vườn chim có 18 loài chim lớn, tính từ 300 gram trở lên và 19 loài chim nhỏ, có những loài chim quý hiếm được ghi vào sách Đỏ như điên điển, cò ruồi, cò lạo Ấn Độ, bồ nông chân xám, giang sen, cốc đế nhỏ, diệc Sunatra (đây là loài chim di trú từ Indonesia). 

Ngoài ra, ở đây còn có 109 loài thực vật thuộc 90 chi của 46 họ; 150 loài động vật, trong đó có 58 loài cá, 7 loài ếch nhái, 10 loài có vú; 8 loài bò sát và một số động vật khác cùng sống chung trong một quần thể đa dạng, thể hiện cao tính đa dạng sinh học rất cần được bảo tồn và phát triển.

“Vườn chim Bạc Liêu có mức đa dạng sinh học rất cao, có điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học đất ngập nước ở bán đảo Cà Mau”

Vườn chim Bạc Liêu là nơi làm tổ quan trọng của nhiều loài chim nước, điển hình là các loài le le, cò, diệc, vạc, còng cọc, quắm đen và nhiều loài chim khác. Sáng sớm, từng đàn chim đi kiếm mồi ở những nơi xa xôi, tối đến tìm về tổ ấm là Vườn chim, cũng là lúc những loài chim ăn đêm bắt đầu cuộc hành trình hoạt động của mình làm xao động một góc trời.

Lọt vào Vườn chim là như lọt vào thế giới khác. Đó là thế giới có thể làm dịu mát tâm hồn với rừng xanh bạt ngàn, bóng râm mát mẻ. Rừng ở đây là một thảm rừng ngập nước hệ sinh thái rừng ngập mặn quý hiếm của thế giới. Tầng cao của rừng là Chà Là (chiếm 50%), cây Giá (30%) còn lại là Cóc, Lâm Vồ. Thảm thực vật thấp là cỏ và các loài dây leo.

Thích nhất là khoảng 5 giờ chiều. Đó là lúc chim đi ăn xa về tổ. Từ hướng biển Đông tím rịm sắc chiều, từ cánh đồng Bạc Liêu vàng rượm lúa chín... những đàn chim lũ lượt bay về tổ. Chúng bay thật trật tự, tách biệt giữa sắc lông và chủng loại. Màu trắng tinh là cò ngàng, màu đen là còng cọc… Chúng quần đảo đen đặc trên ngọn rừng như che kín bầu trời. Rừng bỗng dậy ào ào với đủ loại âm thanh, từ tiếng gió rít, tiếng cánh vỗ, tiếng cây lá rùng mình, tiếng chim mẹ gọi con. 


Hiện nay Vườn chim Bạc Liêu là một trong những khu vực đươc ghi vào danh mục các vùng đất ngập mặn châu Á, có tầm ý nghĩa quốc gia và quốc tế.

Ngày nay, nằm trong tổng thể phát triển du lịch của tỉnh, cùng với một số dự án khác như: Khu du lịch - dịch vụ cụm nhà Công tử Bạc Liêu; khu du lịch bãi biển Nhà Mát - Hiệp Thành; Vườn nhãn; Du lịch sinh thái rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển; dự án khôi phục, bảo vệ Vườn chim Bạc Liêu tại xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu đang được tích cực triển khai thực hiện, khi dự án hoàn thành, sẽ bao gồm các hạng mục công trình như mở rộng diện tích, trồng thêm rừng; xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên; cầu qua sông (đã hoàn thành); khu Lâm viên và công viên văn hóa…

Qua đợt khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường và tính đa dạng sinh học đất ngập nước tại đây, Viện Sinh học nhiệt đới cho biết, Vườn chim Bạc Liêu có mức đa dạng sinh học rất cao, có điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học đất ngập nước ở bán đảo Cà Mau, trở thành một cơ sở để tham quan du lịch sinh thái rất tốt, giáo dục bảo vệ tài nguyên không chỉ cho địa phương mà cho cả nước và khách quốc tế.

Thụy Vy

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm