Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 30/01/2012 - 18:19
(Thanh tra) - Không tấp nập như Hạ Long, nhưng vịnh Bái Tử Long - nơi mà theo truyền thuyết, đàn Rồng con đã cùng Mẹ xuống hạ giới giúp dân chống giặc giữ nước cũng có một quần thể đảo đá, hang động, bãi biển xinh đẹp với một hệ sinh thái phong phú, ôm trọn trong lòng những làng chài yên ả với những cư dân hiền lành, dung dị. Làng chài Vông Viêng trên vịnh Bái Tử Long đang trở thành niềm đam mê khám phá của du khách trong và ngoài nước.
Ảnh minh họa
Từ bến tàu du lịch Bãi Cháy, sau gần 2 giờ len giữa hàng chục hòn đảo bồng bềnh trên sóng, vượt gần 18 hải lý, chúng tôi tới làng chài Vông Viêng. Làng chài là những nhà bè san sát nhau men theo rìa đảo đá, tạo nên cảnh đẹp nên thơ của vịnh Bái Tử Long với bầu không khí trong lành, thoáng đãng.
Ra với Vông Viêng, du khách như bị mê hoặc với vẻ đẹp hoang sơ của làng chài giữa Vịnh Bái Tử Long. Càng thích thú hơn khi lênh đênh trên những chiếc thuyền nan cùng các chàng trai, cô gái làng chài đi tham quan các đảo đá, hang động, xem người dân nuôi cá lồng bè, nuôi trai lấy ngọc, được bà con hướng dẫn cách cho cá ăn, cách thả lưới, sảng khoái khi được tận tay gỡ từng chú cá đối, cá nục còn tươi rói, cùng ngư dân đốt lửa nướng làm mồi đưa cay trong bữa tối ngay trên thuyền. Một ngày ở Vông Viêng, du khách có dịp trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của ngư dân như chèo thuyền đi ngắm cảnh làng chài; tham quan Nhà văn hóa cộng đồng, nơi có phòng tranh về Vịnh Hạ Long do chính những họa sĩ của Hạ Long vẽ, xem phòng trưng bày công cụ sản xuất của ngư dân trong làng, mua sắm đồ lưu niệm làm từ vỏ ốc, sò, ngọc trai… Chị Fiena-Phipp - du khách Anh và ông Peter Kiter - du khách Australia trong đoàn không ngớt lời trầm trồ: “Thật tuyệt vời, mọi thứ rất tuyệt, thức ăn rất ngon, người phục vụ thì rất chu đáo. Mọi người đối với nhau như người một nhà. Tôi nhất định sẽ giới thiệu cho bạn bè đến đây tham quan”.
Du khách có thể sống lại một thời ấu thơ khi thử làm học trò lớp học nổi của làng chài. Tuy không đông nhưng tiếng đọc bài của lũ trẻ hòa trong tiếng rì rào của sóng biển nghe như những nốt nhạc vui của cuộc sống yên ả, thanh bình.
Đêm ở lại Vông Viêng, du khách ngồi thuyền nan nghe trai gái làng hát giao duyên, cùng ngư dân thắp đèn câu cá, câu mực đêm, tự tay chế biến sản phẩm do mình câu được để góp vui cho bữa rượu khuya.
Làng chài Vông Viêng có hơn 60 hộ với gần 260 nhân khẩu sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới và nuôi trồng thủy sản. Từ khi thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch Vạn Chài, cuộc sống người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay. Ông Đoàn Văn Dũng – Tổng Giám đốc Công ty du thuyền Đông Dương - đơn vị khai thác tour du lịch sinh thái Vông Viên cho biết: “Điều quan trọng là chia sẻ lợi ích với cư dân địa phương. Hiện tại HTX du lịch đã có 120 xã viên đều là những chàng trai cô gái từ các làng chài. Thu nhập của họ từ 2 đến 3 triệu đồng mỗi tháng từ dịch vụ chèo đò đưa khách tham quan. Qua khai thác tour du lịch, quan hệ giữa doanh nghiệp với cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương ngày càng mật thiết hơn. Đây là mô hình liên kết khai thác và bảo vệ môi trường Di sản văn hóa Hạ Long một cách tốt nhất”.
Hoạt động du lịch đã gắn kết du khách với dân làng. Du khách đến Vông Viêng còn mang theo sách vở, đồ dùng học tập tặng trẻ em nghèo, phao nhựa tặng dân làng làm nhà nổi thay cho phao xốp vốn nhanh hỏng và gây ô nhiễm môi trường, cùng người dân trồng rừng ngập mặn, vớt rác trên biển… Tục thờ Thần Biển và lễ cúng Thủy thần, nét đẹp văn hóa trong cuộc sống, những kinh nghiệm đánh bắt hải sản, chữa bệnh dân gian, tâm hồn trong sáng, dung dị của người dân miền biển, vẻ đẹp hoang sơ của Bái Tử Long đã trở thành niềm đam mê khám phá đối với du khách. Ông Đặng Ngọc Linh - Trưởng phòng nghiệp vụ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ninh cho rằng: “Khách tham quan, được sống cuộc sống của ngư dân, họ thích, thế là họ trả tiền 500.000 đồng cho một “sô” đánh cá chứ ít đâu. Đánh lưới một tiếng rưỡi làm sao bằng. Họ muốn được trải nghiệm, muốn biết cha ông họ 500 năm trước sống như thế nào. Rồi họ thích xem một “sô” biểu diễn các câu hò điệu lý của dân miền biển, thì dân mình phải học hát để phục vụ. Nghĩa là ta đã làm được hai việc, mang lại thu nhập cho dân, phát triển kinh tế, đồng thời bảo tồn được văn hóa, gìn giữ được môi trường. Du lịch như thế thì nên quá đi chứ!”.
Vông Viêng là một trong ba làng chài đưa vào khai thác du lịch là Vạn Chài, Vông Viêng và Cống Đồng theo Chương trình “Vì một Hạ Long xanh”. Lượng khách đến làng chài Vông Viêng dao động từ 1000 đến 2000 người mỗi tháng và ngày càng tăng. Du lịch cộng đồng là sản phẩm mới góp phần giữ chân du khách ở lại Hạ Long lâu hơn. Phát triển du lịch trong mối quan hệ sẻ chia với cộng đồng; sẻ chia lợi nhuận và sẻ chia trách nhiệm để gắn kết cộng đồng dân cư với việc phát huy và gìn giữ những giá trị quý báu của Di sản.
Vân Thiêng
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân