Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Về lại thủ phủ cà phê

Thứ hai, 14/03/2011 - 14:41

(Thanh tra) - Từ Sài Gòn, khởi hành bằng xe đò, sau 7 giờ đồng hồ tôi đã có mặt ở thành phố Buôn Ma Thuột, thành phố loại I của Tây Nguyên, in đậm dấu ấn lịch sử của cuộc tổng tiến công thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975, mà khởi đầu là chiến thắng Buôn Ma Thuột.

Quyến rũ cà phê

Những ngày đầu tháng 3, Buôn Ma Thuột trời se lạnh, nhưng mọi hoạt động vẫn “nóng” theo nhịp phát triển kinh tế ở xứ sở cao nguyên này. Trên những nẻo đường, xe cộ vẫn nườm nượp. Những khu đô thị mới, trung tâm thương mại cứ hối hả mọc lên. Thành phố hiện có cả chợ cà phê, để nông dân có thể bán loại nông sản đặc thù này cho các đơn vị kinh tế mà không sợ bị ép giá.

Những ngày này, thành phố đang gấp rút chuẩn bị cho Lễ hội cà phê  Buôn Ma Thuột lần thứ III được dự đoán thu hút đông đảo du khách, bởi có sự góp mặt của “Duyên dáng VN” với chủ đề “Hơi thở đại ngàn”, và các chương trình “tour du lịch cà phê” từ các đơn vị tổ chức lữ hành. Dù tour có tên là du lịch cà phê, nhưng Nhà Đày Buôn Mê Thuột nằm ở trung tâm thành phố luôn là điểm du lịch đầu tiên du khách tìm đến. Tiếp theo đó là Viện Bảo Tàng, ngày xưa là Biệt Điện của Bảo Đại. Du khách tham quan hai nơi này không hẳn là để đi sâu vào lịch sử của tòa nhà cũng như ý nghĩa của những đồ vật của người dân tộc trưng bày bên trong. Nhiều người cho biết là để thỏa mãn sự tò mò, ham thích khám phá thế giới tự nhiên. Nơi đây, du khách luôn ấn tượng với hai cây cổ thụ hơn trăm tuổi, gốc cây lớn gấp mấy lần vòng tay người ôm và tán thì thật rộng, che bóng mát cả một góc trời. Trong khu Biệt Điện ngày nay có quán cà phê Thương Thương rất đông khách, dù quán không có bày trí gì, chỉ toàn là một không gian với cây cao, bóng cả và cả nền đất đỏ bazan, đặc trưng của miền cao nguyên.


Buôn Ma Thuột có bề dày lịch sử trên 4 ngàn năm tuổi. Điều này được tư liệu khảo cổ học khẳng định qua những dấu tích cư trú, làm nông của cư dân thời tiền sử. Qua tư liệu văn hóa dân tộc và tư liệu sử học, Buôn Ma Thuột tròn một trăm tuổi vào ngày 22/11/2004. Địa danh Buôn Ma Thuột là tên của một buôn đồng bào Êđê Kpă. Vùng đất này vào cuối thế kỷ XIX chỉ có một buôn với khoảng 50 nhà dài. Mỗi nhà có từ 30-40 người do Tù trưởng Ama Thuột cai quản nằm bên dòng suối Ea Tam. Đến những năm đầu của thế kỷ XX, Buôn Ma Thuột không còn là một buôn đơn lẻ nữa, mà đã qui tụ phát triển thêm hàng chục buôn khác. Tuy nhiên, Buôn Ma Thuột vẫn còn là một buôn lớn, trung tâm của cả vùng lúc bấy giờ và do Tù trưởng Ama Thuột, một người có thế lực và uy tín cai quản. Tên gọi Buôn Ma Thuột cũng bắt nguồn từ đó. Buôn Ma Thuột tức là làng của Ama Y Thuột, làng của cha Y Thuột.

Nhiều người cho rằng, những quán cà phê đầy quyến rũ và đa phong cách của thành phố này, đã làm nên một “thương hiệu” Buôn Ma Thuột. Quán cà phê dày đặc trên những con đường như Nguyễn Công Trứ, Lê Thánh Tông, Phan Chu Trinh, Đinh Tiên Hoàng… đã trở thành điểm hẹn của người dân địa phương, điểm đến thưởng thức thú vị của du khách. Đi vào quan sát ta thấy rằng, mỗi khu phố cà phê đều có đặc trưng riêng và mỗi quán đều có phong cách riêng từ cách đặt tên, trang trí nội thất, âm nhạc... Có những tên quán nghe gợi cảm giác bồng bềnh, mơ mơ - thực thực, man mác - hoài niệm như Thương Thương, Thu Thu, Chiều Nhớ, Thung Lũng Hồng, Cảm Xúc… Lại có những cái tên nghe mà có thể cảm nhận cả được vị của cà phê như quán Vị Đắng trên đường Mai Hắc Đế, quán cà phê Đắng trên đường Nguyễn Công Trứ… Theo tôi, không một thành phố cao nguyên nào có nhiều quán cà phê như ở Buôn Ma Thuột.

Với tôi, ngồi uống cà phê ngắm nhìn phố núi bàng bạc trong màn mưa đan xéo dưới ánh đèn vàng là thú vị nhất. Quán Văn được quảng cáo rầm rộ trên mạng phải xuống một con dốc gần như dựng đứng trên đường Đinh Tiên Hoàng. Quán cà phê cũng khá bình thường như những quán cà phê vườn khác. Nơi đây chỉ có phong cách phục vụ cây nhà lá vườn và treo nhiều bức tranh vẽ của người chủ quán là lạ so với các nơi. Buôn Ma Thuột có rất nhiều quán cà phê với phong cảnh tự nhiên, thoáng mát và lồng lộng khí trời như Thung Lũng Hồng, Mê Khúc, Hội Ngộ, Hoa Mộc Lan, Vị Đắng 2… Người uống cà phê vừa thưởng thức cà phê vừa thư giãn với không gian yên bình và lắng nghe những giai điệu rộn ràng của nhịp đời trên phố núi.

Thưởng thức cà phê đã trở thành cái "thú" của người dân ở đây. Với đa số người, đi uống cà phê là những khoảnh khắc được thư giãn, giải trí, được nghỉ ngơi. Chỉ với ly cà phê, đĩa hạt dưa là đã có thể tạo nên những cuộc hội ngộ. Vì vậy, quán cà phê đã trở thành điểm hẹn, nơi giao lưu hội đủ phong cách. Đây chính là nét độc đáo mà chỉ có riêng trên mảnh đất đỏ bazan này, tạo nên nét độc đáo, đa dạng phong cách của cà phê phố núi. Nhiều du khách nước ngoài đến Buôn Ma Thuột cũng muốn uống cà phê - “We want to enjoy Buonmathuot coffee” và khi được hỏi “Các anh chị thấy cà phê Việt Nam thế nào?” thì họ đều trả lời “Excellent!” (tuyệt vời). Vậy mà thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vẫn chưa được khai thác có hiệu quả do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà nguyên nhân chính vẫn là khó khăn trong việc quản lý và khai thác thương hiệu này.

Tạ ơn cà phê

Đi trên những con phố thoáng đãng, với vỉa hè rộng và sạch dưới những hàng cây xanh như Nguyễn Tất Thành, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Ama Trang Long,… mới cảm nhận hết những đổi thay của thành phố trẻ Buôn Ma Thuột.

 Trước đây, đến quãng năm 1990, Buôn Ma Thuột còn là một phố núi nhỏ nhoi mang tên thị xã. Lúc đó, mỗi kỳ đi công tác đến Buôn Ma Thuột thì anh em đều nói vui là xứ sở “buồn muôn thuở” và “bụi mù trời”. Trên những con đường chưa kịp qui hoạch trong thị xã mọc lên đều là nhà không số, phố không tên. Nhưng đến năm 1992-1994, với sự đầu tư mạnh mẽ của chính quyền địa phương và trung ương, Buôn Ma Thuột đã trở thành thành phố loại III (1994) và đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào tháng 3/2010. Thuở ban đầu Buôn Ma Thuột lên thành phố, nhiều người cho rằng nhờ công rất lớn từ cà phê. Quả thật, lúc đó, cà phê đột ngột lên giá cao ngất trời, nhiều hộ gia đình bỗng chốc đã trở thành triệu phú, tỷ phú. Ngân sách thành phố được đóng góp lớn lao từ phong trào quần chúng và nhân dân cùng làm đã mở thêm cho thành phố những con đường thoáng đãng và đại lộ Nguyễn Tất Thành mọc lên dẫn về tượng đài chiến thắng, nơi ghi lại chiến công của ngày giải phóng Buôn Ma Thuột ( 10/3/1975).
Từ tập quán uống cà phê, người dân Buôn Ma Thuột đã nâng lên thành một nét văn hóa ẩm thực. Về mặt giao lưu hội nhập kinh tế, cà phê Buôn Ma Thuột đã có mặt trên thị trường thế giới qua hoạt động xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, được các nước trên thế giới cảm thụ tiếp nhận do hương vị độc đáo của một sản phẩm có xuất xứ từ vùng đất bazan màu mỡ của Tây Nguyên Việt Nam. Hiện nay, ngành công nghiệp và thương mại cà phê vẫn đang là nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh Đắk Lắk. Và Buôn Ma Thuột đã trở thành chỉ dẫn địa lý của thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới.

Hiện nay, giá cà phê cao ngất ngưởng, vượt kỷ lục năm 1995, đã làm cho người trồng cà phê ở xứ sở này vui mừng khôn xiết. Và Lễ hội cà phê lần III diễn ra từ ngày 10/3 đến hết ngày 15/3/2011 tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk với chủ đề “Tạ ơn cà phê”, được kỳ vọng thu hút rất đông du khách. Đến với lễ hội lần này, du khách ngoài việc thưởng lãm các phong cảnh hữu tình, hoang dã của thiên nhiên, còn được thưởng thức cà phê miễn phí từ 21 quán cà phê thơ mộng bố trí dày khắp thành phố Buôn Ma Thuột.

Một mùa lễ hội cà phê nữa lại đến! Ly cà phê Buôn Mê vẫn tiếp tục tỏa hương khắp các nẻo đường và vươn ra khắp bốn biển. Đây đó, trên các cánh rừng cà phê trổ hoa trắng xóa như bầu trời đầy mây và nắng đẹp. Và tôi ước muốn thực hiện một tour du lịch mới đầy hấp dẫn: Cưỡi voi dạo rừng cà phê đầy hoa trắng.

Phóng sự của Duy Khanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm