Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Về bản Yên Hoà, ngắm tháp cổ, xem điệu múa xoè

Trà Vân

Thứ sáu, 29/10/2021 - 22:22

(Thanh tra)- Phải vượt qua hàng trăm cây số từ TP Vinh, bạn mới đến được xã biên giới Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Vượt thêm nhiều ghềnh đá nhấp nhô của những con thác, bạn mới đến được bản Yên Hoà, nơi có ngôi tháp cổ linh thiêng huyền bí và xem những điệu múa xoè.

Tháp cố Yên Hoà linh thiêng cổ kính. Ảnh: Cảnh Huệ

Theo người dân địa phương, ngôi tháp cổ được xây dựng hơn một ngàn năm trước, cũng là điểm tâm linh du lịch cộng đồng ở bản Yên Hòa.

Tháp có nhiều tượng Phật bằng đồng được xếp xung quanh và 11 tượng Phật bằng đồng khác được giấu phía trong tòa tháp. Trên đỉnh ngự một viên xá lợi màu xanh da trời hay còn gọi là “mắt ngọc. Nhưng giờ đây, tháp phủ rêu phong lẫn bụi bặm thời gian, nguy cơ đổ sập. Trước đây, xã Mỹ Lý có 3 ngôi tháp cổ nhưng đã sụp đổ vì không được bảo tồn, giữ gìn.

Tháp cổ hay còn gọi là tháp chùa ở bản Yên Hòa được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII.

Theo người dân bản địa, nơi đây từng là một ngôi chùa nhỏ, có nhiều vị sư thờ tự và truyền bá đạo Phật.

Tháp tọa lạc trên nền đất rộng, có chiều cao khoảng 30m, kiến trúc mang đậm phong cách Phật giáo, có sự kết hợp hài hoà giữa uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thiên nhiên của núi rừng hùng vĩ. Các hoa văn được thiết kế cầu kỳ, tinh xảo nhưng nay đã bị bong tróc, đứt đoạn. Xung quanh thân tháp, các tượng Phật đầu đội mũ, hai tay chắp trước ngực, thần thái khoan thai không dính bụi trần. Kết cấu được xây bằng gạch đất nung, liên kết bằng vữa vôi. Tháp đã bị hổng nhiều chỗ do gạch xây bị con người đập phá, hoặc rơi vỡ theo thời gian.

Già làng Kha Văn Thảo (91 tuổi, trú tại bản Yên Hòa) nhớ lại: “Lúc già còn nhỏ, vào buổi tối nhìn lên tháp sẽ thấy “mắt ngọc” chiếu ánh sáng lấp lánh. Nhưng rồi một người ở xuôi lên Mỹ Lý công tác đã dùng súng AK bắn vỡ “mắt ngọc”. Sau đó ông này cũng bị mù”.

Năm 1986, tháp hư hỏng nặng, nguy cơ đổ sập cũng một phần do kẻ xấu trộm tượng Phật. Nơi nào có hoa văn là nơi chúng đục thủng tìm cổ vật, từ chân tháp lên đỉnh có đến hơn 20 lỗ.

Theo các bậc cao niên ở bản Yên Hòa, cây bồ đề cạnh tháp đã hàng trăm năm tuổi nhưng đây chỉ là cây con. Cây mẹ đã chết từ trăm năm trước, cây con lớn lên bao phủ, che chắn gió táp mưa sa để tháp trường tồn. Dưới tán bồ đề, vào ngày rằm hay mồng một hằng tháng, người dân bản Yên Hòa và các bản khác trong vùng thường mang lễ vật, hương nhang, đèn nến đến cầu bình an, may mắn, mưa thuận gió hòa. Tháp cổ trở thành điểm tựa tâm linh của người dân miền sơn cước.

Giữa núi rừng điệp trùng hùng vĩ, bản Yên Hòa nằm trên nền địa chất cổ xưa bậc nhất Việt Nam, của khối nâng Pù Hoạt có tuổi trên 600 triệu năm.

Ngày trước, bản Yên Hòa có tên là Xốp Lợt, nghĩa là suối có nhiều cây lá tốt. Giá trị truyền thống của người Thái tại bản Yên Hòa được bảo tồn khá tốt, thể hiện qua những nét đặc trưng như: Kiến trúc, trang phục, ẩm thực, văn hóa, nghề dệt thổ cẩm...

Những ngôi nhà sàn được dựng lên san sát tại bản. Nhà được cấu trúc thường từ 3 đến 5 gian, trên sàn được bố trí gian khách, buồng ngủ, bếp. Dưới căn nhà là chỗ để nông cụ, khung dệt và cũng là sân chơi cho trẻ con.

Điệu múa xoè đặc trưng của những cô gái Thái, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: Đào Tuấn/Báo Nghệ An

Những cô giái Thái vận bộ trang phục truyền thống lộng lẫy với áo cóm có hàng cúc bạc chạy dọc từ cổ xuống hông đẹp như đóa hoa rừng.

Bữa ăn của người Thái nơi đây là những sản vật từ núi rừng, thậm chí công cụ nấu ăn là lá chuối, tre… Trên mâm ăn truyền thống người Thái chia thành 5 phần, đồ chấm, đồ uống, đồ ghém, thức ăn, cơm hoặc xôi. Món cá nướng, “pá pình tộp” nghĩa là cá gập nướng, luôn lưu lại trong ký ức của du khách những ấn tượng khó quên với hương thơm gia vị núi rừng được tẩm ướp ngay trong bụng cá.

Vào những dịp lễ, Tết, đồng báo Thái bay bổng trong những điệu múa mang âm hưởng tình yêu lứa đôi. Điệu múa xòe cuốn hút người xem vào bước chân nhịp nhàng, bàn tay uyển chuyển, quên đi những mệt nhọc thường ngày... Dưới chân nhà sàn, phụ nữ Thái miệt mài bên khung dệt thổ cẩm. Để dệt được một tấm thổ cẩm đẹp đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mẩn, từ khâu vỡ đất trồng bông, trồng dâu tới se chỉ, thêu dệt nên những đường nét hoa văn…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm