Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng (Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Thứ năm, 30/01/2025 - 06:30
(Thanh tra) - "Đường lớn đã mở, đi tới tương lai/ Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay/ Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay...". Những giai điệu mượt mà, đầy niềm tin và lạc quan về tương lai tươi sáng, huy hoàng của quê hương, đất nước trong tác phẩm "Hát về cây lúa hôm nay" của nhạc sĩ Hoàng Vân năm nào như có sự kết nối, chuyển tiếp thôi thúc những người làm công tác văn hóa phải hành động quyết liệt hơn nữa, khát vọng phải lớn hơn nữa để cùng với toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, chuẩn bị tâm thế và những điều kiện tốt nhất sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đội tuyển bóng đá nam Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chúng ta đang đi giữa mùa Xuân. Xuân của đất trời, Xuân của lòng người vui phơi phới với tâm thế sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới cùng khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, giàu mạnh. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phấn khởi, tự hào đã nỗ lực đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
Bộ và toàn ngành tiếp tục quyết liệt thay đổi căn bản, thực chất công tác quản lý Nhà nước thông qua pháp luật và bằng công cụ pháp luật. Theo đó, công tác tham mưu xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế đạt được nhiều thành quả rất quan trọng với điểm nhấn là Quốc hội thông qua Nghị quyết số 162/2024/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với nhiều chính sách mới, khơi thông nguồn lực, kiến tạo phát triển và phân cấp sâu cho địa phương theo phương châm: “Địa phương quyết - Địa phương làm - Địa phương chịu trách nhiệm”.
Bộ cũng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới văn hóa cơ sở và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045; Quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến 2045; Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Chỉ thị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ban hành: 5 nghị định, 10 quyết định, 2 chỉ thị; Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 13 thông tư. Đây là những chính sách pháp luật có tính chất đột phá của ngành trong năm 2024, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tạo bước chuyển biến căn bản về chất trong xây dựng thể chế phát triển của Bộ và ngành.
Môi trường văn hóa tiếp tục được đầu tư, chăm lo thực chất hơn, đã hình thành nhiều mô hình hay từ địa bàn dân cư, cơ quan, doanh nghiêp. Di sản văn hóa đã từng bước trở thành nguồn lực góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững. Năm 2024, chúng ta tự hào có 2 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh: “Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế của Việt Nam” là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và “Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các ngành công nghiệp văn hóa có những bước phát triển rất đáng tự hào với nhiều chương trình và tác phẩm nghệ thuật được đầu tư công phu, hiện đại không chỉ đáp ứng nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật của Nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị mà còn góp phần định vị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế và có đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa được tăng cường, Bộ đã tiến hành đàm phán và ký kết 11 văn kiện hợp tác quốc tế, qua đó đã tạo điều kiện để văn hóa Việt Nam vươn ra với thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga năm 2024 là minh chứng sống động về việc củng cố, phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình cảm đặc biệt giữa Việt Nam - Liên bang Nga đã được lãnh đạo và Nhân dân hai nước qua các thời kỳ xây dựng và dày công vun đắp. Ảnh: bvhttdl.gov.vn
Thể thao Việt Nam năm 2024 có nhiều nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 70-KL/TW, ngày 31/1/2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tạo đà cho thể thao phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Thể thao quần chúng năm qua phát triển mạnh mẽ với nhiều mô hình mới được triển khai, tiếp tục tạo đà và nền tảng cho thể thao thành tích cao; đồng thời nâng tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao giúp cho dân cường, nước thịnh.
Thể thao thành tích cao ngày càng được chú trọng đầu tư cả về cơ sở vật chất đến chất lượng đào đạo, tập luyện và thi đấu. Tại Olympic Paris 2024, chúng ta đã có 16 VĐV/11 môn giành suất tham dự. Mặc dù không đạt được huy chương, nhưng toàn đoàn, nhất là các huấn luyện viên, các vận động viên đã cố gắng, nỗ lực hết mình vì tinh thần thể thao cao thượng và màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Điểm nhấn ấn tượng là Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương đồng thế giới tại Cúp bóng chuyền thế giới - FIVB Challenge Cup 2024 và lần thứ hai vô địch châu Á Cúp bóng chuyền châu Á - AVC Challenge Cup 2024. Khép lại năm 2024, thể thao Việt Nam đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế, trong đó có 482 huy chương vàng, 360 huy chương bạc 372 huy chương đồng.
Du lịch Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trên cơ sở các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ đã chủ động đồng hành cùng với các địa phương tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, tập trung phát triển du lịch hướng tới: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Tổ chức xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm có quy mô quốc gia, quốc tế với điểm nhấn lần đầu tiên tổ chức xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới” và đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất của UN Tourism tại Hội an. Giải thưởng Du lịch thế giới đã tôn vinh Việt Nam ở ba hạng mục: “Điểm đến hàng đầu châu Á 2024”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024”. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo Du lịch Việt Nam năm 2024 đã đạt chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính giao với những con số rất ấn tượng: Gần 110 triệu lượt khách nội địa; gần 17,5 triệu lượt khách quốc tế với tổng thu ước đạt 840 nghìn tỷ đồng, đóng góp thực chất cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) với chủ đề "Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử". Ảnh: VHO
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhận thấy, ngành VHTTDL vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức với những điểm nghẽn, nhất là điểm nghẽn về thể chế, khoảng trống pháp luật cần phải tiếp tục được quan tâm tháo gỡ. Đó là mâu thuẫn giữa nhận thức, và mong muốn của xã hội với chức năng, nhiệm vụ của Bộ VHTTDL; mâu thuẫn giữa mục tiêu cần hướng đến và nguồn lực được phân bổ cho mục tiêu này còn khó khăn, hạn chế về cơ chế; nhân lực chất lượng cao cho ngành Văn hóa đang còn thiếu, đặc biệt là những chuyên gia đầu ngành trong quản lý, nghiên cứu sâu về văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, ngành VHTTDL cũng đang thiếu cơ chế để phân tích dự báo phát triển ngành, nhất là công tác thống kê. Đồng thời, những tác động mặt trái của cơ chế thị trường cũng đang tạo nên thách thức cho sự phát triển của văn hóa. Chính vì vậy, để khắc phục, giải quyết những vấn đề trên đòi hỏi phải có lộ trình với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tăng tốc và bứt phá.
Có thể nói, năm 2024, toàn ngành VHTTDL đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương; được các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, ủng hộ. Những thành quả của năm 2024, cùng với những kết quả đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ 2021 - 2025 tới nay đã tạo tiền đề, bệ đỡ quan trọng để toàn ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Năm 2024 đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Ảnh: IT
Năm 2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ tình hình thực tế, Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tập trung vào một số nội dung sau:
(1) Tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, ổn định hoạt động của Bộ VHTTDL sau khi phương án sắp xếp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay, không làm gián đoạn công việc và các hoạt động bình thường khác. Tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngành VHTTDL.
(2) Quyết liệt tham mưu thể chế hoá toàn diện, kịp thời các chủ trương chính sách mới của Đảng trong lĩnh vực VHTTDL, Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá; hạn chế khoảng trống pháp lý. Gắn hoàn thiện pháp luật với tăng cường hiệu quả thực thi. Thực hiện có hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực của sự phát triển. Do đó, phải đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật”. Từ đó, tập trung hoàn thành Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết Luật Di sản văn hóa năm 2024, bảo đảm đúng thời hạn được giao và các nghị định về một số chế độ, chính sách, đào tạo đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo khả thi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
(3) Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị cốt lõi, bản sắc riêng biệt của dân tộc Việt Nam; phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Chú trọng yếu tố tiên tiến trong phát triển văn hóa mang tính hiện đại, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc.
(4) Kiên trì kiến tạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, là tiền đề vững chắc để xây dựng con người Việt Nam thấm nhuần tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tực cường, tự hào dân tộc”. Tập trung ưu tiên xây dựng văn hóa trong từng gia đình, cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, văn hóa doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện các hương ước, quy ước đề cao vai trò chủ thể của Nhân dân, do Nhân dân đề xuất, Nhân dân tự giác thực hiện. Tổ chức và phối hợp tổ chức thành công các sự kiện kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2025; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao bảo đảm Nhân dân được đón Tết Ất Tỵ vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
(5) Triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa, phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam có tiềm năng, có dư địa phát triển; khuyến khích sự sáng tạo trong văn hóa, văn học nghệ thuật gắn với đặc trưng của Việt Nam và thời đại. Trong phát triển công nghiệp văn hóa, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách, doanh nghiệp giữ vai trò triển khai thực hiện, đội ngũ sáng tạo giữ vai trò thiết kế sản phẩm, nội dung.
(6) Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đầu tư phát triển thể thao quần chúng. Thực hiện di huấn của Bác Hồ kính yêu khi về thăm trường Đại học Thể dục, thể thao Bắc Ninh năm 1961, gặp gỡ cán bộ, giáo viên và học sinh Bác nói: “Các cháu học thể dục thể thao ở đây không phải để trở thành ông kiện tướng này, bà kiện tướng nọ. Cái chính là làm người cán bộ phục vụ đắc lực cho Nhân dân, đem hiểu biết của mình ra hướng dẫn mọi người cùng tập luyện để nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật”. Hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026. Trước mắt tập trung chuẩn bị lực lượng cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 (SEA Games 33) tại Thái Lan, Đại hội thể thao trẻ châu Á lần thứ 4 tại Ba-Ranh, Đại hội Thể thao thế giới tại Trung Quốc và các sự kiện thể thao quốc tế năm 2025.
(7) Triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng, thực hiện các chương trình, chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch tại các thị trường nguồn trọng điểm của du lịch Việt Nam. Phấn đấu năm 2025, ngành Du lịch đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120 -130 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng.
Với phương châm: “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến” và niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; sự quản lý, điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; sự chung tay của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, của các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài nước; kế thừa những thành quả đã được trong thời gian qua, Bộ và ngành sẽ không ngừng nỗ lực, thúc đẩy năng lực sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, quyết tâm thực hiện chức năng: “Văn hóa là nền tảng - Thể thao là sức mạnh - Du lịch phát triển bền vững” để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tham gia Giải Vô địch trẻ Châu Á JuJitsu năm 2025 được tổ chức tại Thái Lan, 6 vận động viên (VĐV) Cao Bằng đang huấn luyện tại Trung tâm Đào tạo, thi đấu Thể thao và Nghệ thuật tỉnh đã xuất sắc giành 13 tấm huy chương các loại cho đội tuyển Jujitsu Việt Nam.
Trung Hà
(Thanh tra) - Ngày 17/2, UBND tỉnh Điện Biên cho biết đã ban hành Quyết định số 272/QĐ-UBND ngày 14/2/2025 phê duyệt dự án xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và đầu tư bổ sung một số hạng mục công trình tại Di tích đồi E2.
Trần Kiên
Trần Lê
Trần Lê
Hương Trà
Trần Quý
PV
Văn Thanh
Trần Lê
PV
T.Vân
Trần Quý
Văn Thanh
Bùi Bình
Hương Giang
Hoàng Long
Trần Kiên