Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Văn hoá độc đáo của người Chăm ở An Giang

Thu Huyền

Chủ nhật, 07/11/2021 - 21:31

(Thanh tra) - Tỉnh An Giang hiện có 9 làng Chăm, với khoảng 5.000 hộ dân, hơn 17.000 người, tập trung chủ yếu ở thị xã Tân Châu và huyện An Phú. Cộng đồng dân tộc người Chăm ở An Giang đã hình thành nên những nét đặc trưng văn hóa, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng về sắc màu văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang. Nguồn ảnh: angiang.gov.vn

Hiện nay, các làng Chăm ở An Giang còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa độc đáo trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Người Chăm ở An Giang chủ yếu sống bằng các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt, thêu, đan… Sản phẩm thủ công là vải thổ cẩm, áo choàng, xà rông, khăn quấn cổ đội đầu và các mặt hàng lưu niệm.

Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang tập trung chủ yếu ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu và xã Đa Phước, huyện An Phú. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của thị trường vải dệt, việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm còn là cách để người Chăm giữ gìn bản sắc, lưu giữ truyền thống và phát triển văn hóa, du lịch.

Đặc trưng dễ nhận biết về các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang là thường có hoa văn, họa tiết ô vuông, kẻ sọc, sóng nước, vân mây, bông dâu, lồng đèn… với các sản phẩm phổ biến như xà rông, khăn quàng, túi xách. Những sản phẩm này được làm thủ công từ các công cụ chính là sa quay chỉ, khung kéo canh và khung dệt.

Sự sắp đặt khéo léo về màu sắc, họa tiết đã tạo nên những hình ảnh sống động về thiên nhiên, con người và những lễ hội sinh hoạt, phong tục tập quán.

Về trang phục của người Chăm, nam và nữ đều mặc xà rông, trong cả việc học hành, giao tế, tiệc tùng và sinh hoạt cộng đồng. Đối với người nam thì đội nón vải, còn phụ nữ thì choàng khăn Ma tơ ra hay còn gọi là khăn Khanh ma-om.

Hình ảnh cô gái Chăm với trang phục truyền thống bên khung cửi không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn là điểm nhấn độc đáo, duyên dáng đặc trưng của phụ nữ Chăm ở An Giang.

Những nét đặc sắc trong văn hoá Chăm ở An Giang còn thể hiện qua tiếng nói, chữ viết riêng của mình. Để bảo tồn văn hoá, tiếng nói và chữ viết, hiện nay hầu hết các thánh đường đều có mở lớp dạy. Đặc biệt, tại Thánh đường Azhar ở ấp Châu Giang, xã Châu Phong còn có một lớp học chuyên dạy đọc, viết chữ bằng tiếng dân tộc cho trẻ em của cộng đồng người Chăm.

Nơi người Chăm sinh sống được xem là một trong những địa điểm tham quan thú vị về văn hóa, ẩm thực, làng nghề, thu hút nhiều khách du lịch. Trong đó, văn hóa ẩm thực cũng là nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm, nổi bật là các món ăn quen thuộc như cơm nị, cà ri và cà púa. Món cơm nị có màu vàng rất đẹp mắt của bột nghệ, mùi thơm của cà ri, vị đặc trưng của lá tía tô và vị ngọt của tôm, mực rất hấp dẫn.

Khi nếm qua món cà ri của đồng bào Chăm sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị, nhưng có lẽ hấp dẫn và ngon nhất vẫn là món cà ri dê. Người Chăm sử dụng rất nhiều gia vị, hương liệu trong nấu ăn, nhất là bột cà ri và lá cà ri tươi, củ hành tím, nước cốt dừa, ớt...

Khi đến với làng Chăm, mọi người đều nhìn thấy những thánh đường Hồi giáo uy nghi, có kiến trúc tháp chòm độc đáo, với 2 màu chủ đạo là trắng và xanh lá cây.

Tại mỗi xã, người Chăm đều có thánh đường riêng, là nơi họ cầu nguyện mỗi ngày 5 lần. Vào trưa thứ sáu hàng tuần, các tín đồ nam đều tắm rửa sạch sẽ, y phục chỉnh tề đến thánh đường làm lễ. Còn tín đồ nữ thì được hành lễ tại nhà. Họ thực hiện nghiêm túc giáo lý, giáo luật của Hồi giáo, thực hiện các bổn phận của tín đồ như nhịn ăn tháng Ramadam. Đặc biệt, họ không nuôi heo và ăn thịt heo, không uống rượu, bia, tuân thủ nghiêm ngặt giáo luật.

Không chỉ nổi bật với thánh đường, ở các làng người Chăm còn gìn giữ được những ngôi nhà sàn bằng gỗ với tuổi đời hàng trăm năm. Những ngôi nhà sàn có kiến trúc đẹp, được dựng từ các loại gỗ có độ bền cao, chịu được ngập mỗi khi mùa nước nổi về. Phía trước nhà sàn có thang gỗ, cửa cái ra vào luôn thấp hơn đầu người.

Trong những năm qua, cộng đồng người Chăm ở An Giang luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nên đời sống vật chất và tinh thần ngày càng phát triển, phong phú. Hiện nay, tất cả các ấp, xã vùng dân tộc Chăm ở An Giang đều đã có điện lưới quốc gia. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới và nước sạch sinh hoạt đạt cao; đường giao thông nông thôn được đổ nhựa hoàn toàn. Các xã vùng đồng bào Chăm đều có nhà văn hóa, trạm phát thanh phục vụ cho việc sinh hoạt cộng đồng…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm