Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc trên núi Bà Đen, Tây Ninh được tạo tác công phu như thế nào?

Thứ năm, 08/02/2024 - 21:54

(Thanh tra) - Xuân Giáp Thìn, tới Núi Bà Đen hành hương chiêm bái cầu an lạc, du khách sẽ không khỏi trầm trồ trước kiệt tác Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc lớn hàng đầu thế giới trên khu vực đỉnh núi. Đằng sau đó là một quá trình tạo tác hết sức công phu mà không phải ai cũng có thể mường tượng được.

Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc nằm ở độ cao hơn 900m trên đỉnh núi Bà Đen

Chính xác đến từng… centimet

Tôn tượng Di Lặc được tạo hình theo một phương thức chưa từng có tại Việt Nam: ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên theo mô thức bậc thang. Để làm nên một công trình mang đậm tính nghệ thuật, mỗi viên đá sa thạch được chọn lựa kỹ lưỡng, kiểm tra màu, vân đá và kích thước chuẩn xác, sau đó được điêu khắc theo mẫu thiết kế rồi xếp chồng lên nhau thành 54 lớp.

Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên áp dụng chất liệu đá sa thạch để xây dựng tượng Phật. Đá sa thạch hình thành từ những hạt cát, trong đó có silic, một phần của đá vôi. Khi chế tác đòi hỏi người thợ phải nắm bắt được những đường nét cần phải cắt bỏ và những đường nét cần phải giữ lại. Vì tượng có hình theo lối bậc thang nên không nhẵn như các tượng khác, khi gia công các đường nét phải cực kỳ ăn khớp.

Theo đại diện của đơn vị thiết kế Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc, vật liệu được chọn để kiến tạo nên Tôn tượng phải mang ý nghĩa trường tồn. Và đá sa thạch xanh đã được lựa chọn, dù chi phí rất cao và khó thi công hơn rất nhiều so với các chất liệu đơn thuần như các tượng Phật bằng bê tông tại nhiều địa phương khác.

“Quá trình sáng tác rất kỳ công, nhưng quá trình xây dựng mới thật sự là thách thức. Kiến trúc sư và kỹ sư của chúng tôi đã phải vừa học hỏi vừa áp dụng công nghệ thiết kế BIM mô hình hóa công trình hiện đại hàng đầu thế giới để triển khai phương án thi công. Tất cả các hạng mục kết cấu và những phiến đá đều được mô hình hóa 3D, sau đó được đánh dấu thứ tự cẩn thận rồi chế tác một cách chính xác trước khi được ghép thành một khối hoàn chỉnh”, anh Phạm Thanh Quang, Ban Quản lý thiết kế, Tập đoàn Sun Group chia sẻ.

Khâu chế tác tượng vô cùng phức tạp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng núi cao

Là người trực tiếp thi công Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc, anh Bùi Nhất Thi, Trưởng Bộ phận Điều phối thiết kế, Ban Quản lý dự án Tây Ninh cho biết, trong 6.688 viên đá sa thạch, không có viên nào giống viên nào, và viên nào dù chỉ lệch 1 centimet cũng sẽ được cắt gọt điêu khắc lại.

Anh cho biết thêm, các vị trí phức tạp nhất của tượng Phật là bàn tay, bàn chân, mũi, cằm, miệng, và chuỗi hạt, đòi hỏi sự chế tác và ghép đá tỉ mỉ, cầu kỳ để đảm bảo cả tính kỹ thuật, mỹ thuật và linh hồn cho tượng Phật. Đặc biệt, do thi công trên đỉnh núi cao nên điều kiện thời tiết rất khắt nghiệt, thường xuyên có gió lớn, sương mù dày đặc, từng khâu trong quá trình xây dựng và chế tác tượng đều vô cùng phức tạp.

“Chúng tôi đã dùng những con robot để thi công, cẩu lắp từng vị trí một nhằm giảm thiểu sức người, nhưng thực sự đây là một công trình đầy thử thách về cả độ khó và độ cầu kỳ hiếm có trên thế giới” - anh Thi cho biết.

“Trong thi công đòi hỏi những người thợ phải có tay nghề rất cao và con mắt rất tốt để khi cầm búa, cầm đục mình có thể thổi hồn vào từng sản phẩm, từng viên đá. Và khi lắp lên nó phải khít với nhau. Để làm nên một pho tượng lớn như vậy thì người chỉ huy phải nắm được quy trình làm ra từng viên, từng khổ đá. Phải tính toán từng phần nhỏ nhất có thể bởi nếu làm nó xê dịch thì sẽ mất thời gian, phải làm đi làm lại”, anh Nguyễn Văn Chung - đại diện nhà cung cấp đá cho công trình cho biết.

Kiệt tác kiến trúc Phật giáo này là nơi mà ai cũng nên chiêm ngưỡng một lần trong đời

Những thách thức khó có thể tưởng tượng

Tôn tượng Di Lặc Bồ Tát cao bậc nhất thế giới được kiến tạo trên một địa hình vô cùng phức tạp, thật khó tin lại có thể hoàn thành trong thời gian ngắn kỷ lục - 9 tháng, với 120 nhân công thay phiên nhau làm việc từ sáng đến 21h đêm.

Anh Trần Đức Hòa, Trưởng Ban Quản lý dự án Tây Ninh cho biết: “Chúng tôi từng kiến tạo nhiều công trình kỷ lục như cáp treo Fansipan tại Sa Pa hay tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất châu Á trên đỉnh núi Bà Đen, nhưng Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc thực sự là một thách thức khó có thể tưởng tượng nổi”.

Với anh Hoà, hoàn thiện một công trình khổng lồ đòi hỏi độ chính xác đến từng centimet, tại một điều kiện địa hình và thời tiết khắc nghiệt trong khoảng thời gian 9 tháng, ban đầu gần như là một nhiệm vụ bất khả thi. “Nhưng cho đến tháng cuối cùng của năm Quý Mão, chúng tôi đã thực sự biến giấc mơ thành hiện thực. Bao nhiêu mồ hôi và cả nước mắt, với chúng tôi đã trở thành niềm hạnh phúc vỡ oà khi được chứng kiến hàng ngàn du khách đến chiêm bái Tôn tượng Di Lặc vào những ngày đầu xuân năm mới” - anh nói.

Tết năm nay, Hội Xuân Di Lặc trên núi Bà Đen sẽ có nhiều trải nghiệm thiêng liêng ngay trước Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc lớn hàng đầu thế giới

Theo Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM: “Có thể nói, đây là tác phẩm kiệt tác không chỉ của Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng chưa có tác phẩm tinh tế đến như vậy. Đây cũng là dịp để mọi người đến chiêm bái Tôn tượng và học hạnh hỷ xả của Bồ Tát Di Lặc”.

Ở độ cao hơn 900m, nằm trên đỉnh phân thuỷ có địa hình dốc lớn của núi Bà Đen, tôn tượng Bồ Tát Di Lặc lớn hàng đầu thế giới đã thực sự trở thành một kiệt tác kiến trúc Phật giáo, một trong những kỳ quan ai cũng nên chiêm ngưỡng một lần trong đời.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm