Theo dõi Báo Thanh tra trên
Văn Thanh
Thứ bảy, 13/11/2021 - 10:59
(Thanh tra) - Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy (còn có tên gọi khác là Chá chiêng, Xăng khan) của đồng bào dân tộc Thái, xã Xuân Phúc, huyện miền núi Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa là một lễ hội tín ngưỡng văn hoá dân gian truyền thống, độc đáo. Đây là di sản văn hoá phi vật thể, có giá trị không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Thái nơi đây.
Lễ tục Kin Chiêng Bọoc Mạy của đồng bào Thái Như Thanh. Ảnh: VT
Từ năm 2007, lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy đã được ngành Văn hóa thông tin tỉnh Thanh Hóa đầu tư để phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Các nghệ nhân làm cây bông, sưu tầm những bài hát, bổ sung các nhạc cụ và trang phục, đồng thời đồng bào ở địa phương tham gia tích cực để khôi phục và đã có những kết quả quan trọng, góp phần làm cho lễ tục này có sức sống trường tồn qua thời gian.
Hiện nay, lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy đang được cộng đồng người Thái nơi đây thường xuyên thể hiện vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về và trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Thái.
Để tiến hành làm lễ tục Kin chiêng Boọc Mạy, đồng bào Thái ở làng Roộc Răm, xã Xuân Phúc phải tiến hành làm lễ Tem phạ (lễ hết sấm nộp tang Trời), mọi nhà đều phải treo các dải chỉ xanh đỏ để tang trời 3 ngày.
Năm nào lễ tục Kin chiêng Boọc Mạy diễn ra ở phạm vi các gia đình thì thường những năm làm tiểu, còn những năm đồng bào tổ chức làm đại thì tục lệ này được diễn ra tại đền Cấm, nơi làng thờ Thành hoàng Trần Công Bát, với mục đích là tạ ơn thần linh, mở hội ăn mừng sau một năm lao động để cầu cho dân làng bình an, mạnh khỏe, gia đình ấm no, hạnh phúc, phát triển sản xuất, làm nương rẫy được mùa ...
Nội dung của tục Kin chiêng Boọc Mạy là tế lễ thần linh gồm: Mường Trời, thổ địa, thần núi, thần rừng, thành hoàng. Làm lễ cơm mới, lễ cầu may, cầu mát, giải hạn, cầu lành cho dân. Tổ chức chơi bói hoa, mô phỏng một số trò chơi dân gian trong việc lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người xưa, trong xã hội Thái cổ truyền.
Trong buổi lễ này, toàn bộ dân làng đồng bào Thái đều đến tham dự, nhân dân các vùng lân cận cũng có thể đến dự và góp vui. Tục lệ này không chỉ phản ánh tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của bộ phận người Thái mà trở thành sinh hoạt cộng đồng, kéo theo cả bộ phận người Mường, người Kinh cùng chung sống lâu đời ở đây tham gia.
Bài cúng trong tục Kin chiêng Boọc Mạy cũng được thể hiện khá công phu và ấn tượng cụ thể như sau: “Mường Roộc Răm quê tôi từ khi có đất và nước, có vua Mường Trời, có Phật cao thiên. Tôi Mo mùn mường này, xin mặc áo thăng gươm, đội mũ chầu ấn tề, Mo tôi có dòng, dòng nhà Mo có dõi, được trời đất giao cho kiếm lệnh, có tổ tông truyền bá lâu đời. Roộc Răm mường này quê tôi có chủ đất, chủ nước, có thổ công long mạch, có thành hoàng bản địa. Hôm nay ngày lành tháng tốt dân bản làng Roộc Răm, gồm già trẻ gái trai cùng chung lòng chung dạ, sắm lễ tế các thần linh có cả mâm chay để thỉnh Phật; lợn, gà, to, sạch, đẹp; rượu cần, rượu xiêu, trầu, cau, xôi trắng, xôi màu xin dâng tế thần linh, thành hoàng, thổ địa, thần linh ở trên núi, có công giúp dân làng, bảo vệ lúa nương, rẫy, trừ ma tà yêu quái, hiện linh về hái lá chữa bệnh, Phật tổ người đức thiện dạy dân làm các điều lành, tránh làm điều ác, dạy phép làm các bài thuốc tốt chữa bệnh cho muôn dân.
Các thần nghe lời thỉnh của thầy, theo khói hương của dân bản, mùi hương thơm của bản mường, theo lời khấn của thầy, các thần về ngự tại ngai thờ đền Cấm, làng Roộc Răm nơi linh thiêng thổ công long địa có công giúp dân làng giữ đất màu tươi tốt, không cho các ma tà quấy nhiễu, người trong làng trong bản không ốm đau bệnh tật. Thành hoàng Trần Công Bát người có công giúp dân đánh giặc bảo vệ bản làng Roộc Răm, người ở mường dưới lên cả làng cùng đánh, giặc ở mường trên xuống cả làng đều dẹp, không quên ơn người có công với bản làng, cả làng lập đền Cấm làm nơi thờ phụng, mo tôi cùng dân bản, các bào chớ, sao chớ xin tế lễ thần linh mời cùng về đền Cấm để ăn mừng Kin chiêng boọc mạy, bảo vệ dân làng bình an. Mo tôi xin mời thần linh về dự lễ Kin chiêng boọc mạy cùng ăn cơm uống rượu với dân làng, che chở cho dân làng bình an mạnh khỏe làm lúa nước không cho thua, làm nương rẫy không cho thiếu, cánh đồng nào lúa cũng tốt ngập đầu ngựa, lúa nương rẫy xanh tốt bời bời như cây rừng, được như lời thầy mo tôi ước, được như lời thầy mo tôi cầu. Mọi nhà muốn lợn gà đầy đàn, nuôi trâu, bò sinh sôi nảy nở. Các thần linh cùng vui mừng với làng, với bản ăn bữa cơm này bảo vệ cho dân làng vui…"
Ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Như Thanh cho biết: Thông qua tục lệ Kin chiêng Boọc Mạy của đồng bào Thái làng Roộc Răm, xã Xuân Phúc, toàn bộ đời sống bản Mường cổ truyền được tái hiện lại, bao gồm văn hóa sản xuất, hoạt động kinh tế, văn hóa ứng xử tín ngưỡng, phong tục tập quán, quan hệ ứng xử, văn hóa nhận thức về tự nhiên, xã hội, con người. Vì vậy, lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy thực chất là một giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Thái. Nó ra đời và tồn tại cùng với sự vận hành của thiết chế bản Mường. Tục lệ do người Thái đứng ra tổ chức, đây là một sinh hoạt văn hóa dân gian được cộng đồng người Thái sáng tạo ra từ lâu đời, nó được các thế hệ người Thái nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đến nay nó đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống và khá hoàn chỉnh về nghệ thuật trình diễn.
Lễ tục này kéo dài từ một đến ba ngày đêm, nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong làng bản. Vì thế mà nó đã có sức sống lâu bền và trở thành tâm thức dân gian trong đời sống của nhiều thế hệ người Thái. Việc tổ chức tục lệ này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về tính kết nối cộng đồng, trên tinh thần đoàn kết để tạo nên sức mạnh chiến thắng thiên tai địch họa mà còn có ý nghĩa giáo dục và tinh thần nhân văn cao cả.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị “Phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Hội và nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác văn phòng Hội Nhà báo khu vực phía Bắc”.
Phương Anh
21:55 22/11/2024(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.
N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024Vũ Linh
12:37 22/11/2024Phương Anh
12:37 22/11/2024Lê Hữu Chính
08:59 22/11/2024Thái Hải
21:03 21/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương