Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sự liên kết giữa các địa phương có chung không gian văn hoá là hết sức cần thiết

Trà Vân

Thứ bảy, 10/09/2022 - 13:04

(Thanh tra)- Đó là những chia sẻ của nhà sử học Dương Trung Quốc khi nói đến mô hình phát triển du lịch và bảo tồn di sản của Khu Danh thắng Tràng An.

Toàn cảnh Khu Danh thắng Tràng An, ảnh: Trà Vân

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, sự phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và tôn giáo là mô hình hoàn thiện, bởi đất nước ta rất nhiều những giá trị tiềm năng du lịch mà chưa khai thác hết. Mô hình của Tràng An-Bái Đính phù hợp với sự phát triển kinh tế du lịch.

Theo ông, để kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững cần phát huy những giá trị, không để Ninh Bình ở trong khuôn khổ đơn vị hành chính mà phải là không gian văn hoá gắn kết với các khu vực xung quanh để tạo ra được tiềm năng to lớn hơn. Đồng thời, lan toả được những giá trị, kinh nghiệm mà tỉnh đã làm được.

“Tôi nghĩ, sự liên kết giữa các địa phương có chung không gian văn hoá là hết sức cần thiết, nó sẽ ngày càng hoàn thiện hơn. Ví dụ như Hà Nam với Tam Chúc, xuôi về Chùa Hương, hay như Bắc Giang là Tây Yên Tử kết hợp với Quảng Ninh có Đông Yên Tử tạo ra không gian du lịch tâm linh hết sức phù hợp. Vì vậy, vai trò của Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch là hết sức quan trọng, cộng với sự đóng góp của các chuyên gia sự liên kết giữa các tỉnh, các nước và giữa các ngành với nhau, giữa những doanh nghiệp khác nhau, có như vậy, ngành Du lịch mới phát triển bền vững”, ông Dương Trung Quốc nói.

Những nghi lễ truyền thống còn được lưu giữ tại Khu Danh thắng Tràng An, ảnh: Trà Vân

Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 12.252ha, bao gồm Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tam Cốc-Bích Động và một phần khu rừng đặc dụng Hoa Lư.

Nhờ vào một chiến lược bảo tồn bài bản, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị vốn có của di sản, trong đó có việc áp dụng một cách có hiệu quả mô hình quản lý hợp tác công-tư, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, Quần thể danh thắng Tràng An đã đáp ứng những giá trị đặc sắc nổi bật toàn cầu về thẩm mỹ, địa chất, địa mạo và truyền thống cư trú của người tiền sử, để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Ninh Bình, thời gian trước khi Tràng An trở thành di sản thế giới (từ 2010 đến 2014), lượng khách tham quan tăng trung bình 8,86%/năm, doanh thu tăng 14,49%/năm. Giai đoạn từ năm 2014 -2018, sau khi Tràng An trở thành di sản thế giới lượng khách tăng trung bình hàng năm là 14,95%, doanh thu tăng 36,19%/năm gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2010 - 2014.

Trước khi Tràng An được công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, sinh kế của cộng đồng dân cư địa phương chủ yếu là canh tác nông nghiệp, bao gồm trồng cấy và chăn nuôi, một số ít hộ gia đình có nghề truyền thống, tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch hoặc làm thuê. Khi quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới, ngoài hoạt động nông nghiệp có thêm một bộ phận người dân, gia đình đã tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch hoặc làm thuê tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Xác định tầm quan trọng của Quần thể Danh thắng Tràng An trong "ngành công nghiệp không khói" của tỉnh, Ninh Bình đã xây dựng chiến lược xây dựng Tràng An trở thành một khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế với sự kết hợp của các loại hình du lịch, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị di sản, kết hợp bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Đó là hướng đi chuyên nghiệp, bền vững, tạo động lực để Ninh Bình phấn đấu thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia.

Đây cũng là nội dung được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXII. Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh phấn đấu số khách du lịch đạt 8-9 triệu lượt người; doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng trở lên.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm