Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Sứ giả” đưa văn hoá ra toàn cầu

Hải Hà

Thứ sáu, 09/02/2024 - 06:30

(Thanh tra)- Về Xuân Lai những ngày cuối năm, trong cái nắng hanh hao, vàng ruộm của mùa Đông xứ Bắc, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những bó tre cao chất ngất, trải dài từ đầu làng đến cuối thôn, tiếng đục đẽo kì cạch, rộn rã từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ làng nghề đang tất bật chuẩn bị đơn hàng Tết...

Những bó tre cao chất ngất, trải dài từ đầu làng đến cuối thôn. Ảnh: HH

Làng nghề hàng trăm năm tuổi

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 40km về phía Đông Bắc, làng nghề tre trúc Xuân Lai nằm nép mình bên dòng sông Đuống thuộc xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Từ xa xưa, người làng Xuân Lai đã có cuộc sống gắn bó với cây tre, cây trúc. Không ai nhớ chính xác nghề có từ bao giờ, nhưng theo các cụ cao niên trong làng, nghề tre trúc ở Xuân Lai có từ khoảng hai trăm năm trước, khi lớn lên, họ đã thấy cả làng làm thợ.

Ông Nguyễn Văn Thuyết, người con ở làng Xuân Lai, năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn tham gia làm nghề cùng con cháu. Ngồi tỉ mẩn vót từng mắt tre bên cạnh bờ ao của gia đình, cụ chậm rãi kể: Làng nghề tre trúc ở Xuân Lai có “tuổi đời” hàng trăm năm. Thời xưa, các cụ tự mày mò, sáng tạo để làm ra đồ dùng chủ yếu trong sinh hoạt gia đình và phục vụ sản xuất nông nghiệp như thúng, rổ, rá, chõng tre, giường...

Những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, kinh tế khó khăn nên làng nghề bị mai một, chỉ có một vài gia đình giữ được nghề. Sau giải phóng, kinh tế đất nước đi lên, nhiều người quay lại làm nghề truyền thống, những năm 2000-2015 được coi là “thời kỳ hoàng kim” của làng nghề.

Kể đến đây, ông Thuyết vui hẳn lên, đôi mắt ánh lên niềm tự hào: Ngày ấy, đơn hàng tấp nập, khách hàng khắp nơi đổ về Xuân Lai giao thương, mua bán. Đặc biệt, có cả khách hàng từ các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Đức cũng tìm về tận làng, hàng hóa làm ra không đủ để bán. Người dân phấn khởi, những người thợ cũng học hỏi và sáng tạo thêm nhiều sản phẩm cầu kỳ và tiện dụng cho cuộc sống như bàn, ghế, giường, tủ, tranh tre nghệ thuật và đặc biệt có cả những công trình kiến trúc, khuôn viên được thiết kế trang trí từ tre hun khói Xuân Lai...

Ông Nguyễn Văn Thuyết, năm nay đã 80 tuổi, vẫn tham gia làm nghề cùng con cháu. Ảnh: HH

Không chỉ thu hút người dân trong làng, tre trúc Xuân Lai nức tiếng gần xa, thu hút những người thợ giỏi ở các tỉnh, thành trên cả nước về đây làm nghề.

Ông Nguyễn Văn Tân, quê ở xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng ngày ngày vẫn cần mẫn làm nghề ở Xuân Lai. Ông cho biết, gắn bó với nghề từ năm 11 tuổi đến giờ. Vì "trót yêu" đồ tre trúc của làng Xuân Lai nên về đây làm nghề và coi Xuân Lai như quê hương thứ hai.

Sản phẩm tre trúc Xuân Lai mang trong mình điểm khác biệt không nơi nào có được. Đó chính là màu tre hun khói. Sản phẩm làm ra có nhiều sắc độ khác nhau, từ đen bóng đến nâu cánh gián, nâu nhạt, vàng… được tạo nên bằng kỹ thuật hoàn toàn tự nhiên chứ hề không sơn phết tạo màu. Điều đặc biệt nữa là, sản phẩm chống được mối mọt mà không sử dụng hóa chất nên được khách hàng rất yêu thích.

“Cây tre trúc được mua về từ Cao Bằng, Bắc Kạn và một số tỉnh phía Bắc, sau đó sẽ được ngâm dưới ao nước khoảng 6 tháng để tránh mối mọt và tăng độ dẻo dai. Sau khi vớt lên, người thợ cạo bỏ lớp vỏ hay gọi là cạo tinh tre rồi hơ lửa để nắn cho thẳng. Cây tre đạt yêu cầu được đưa vào lò hun khói từ 8-12 ngày để đạt theo màu sắc mong muốn. Đặc biệt, vật liệu dùng để tạo khói phải là rơm trộn bùn. Quá trình hun khiến cây tre được sấy khô trở nên rất nhẹ, bền chắc, giữ màu trong nhiều năm” - ông Nguyễn Văn Tân say sưa kể.

Với quy trình nghiêm nghặt, chăm chút tỉ mỉ ở từng công đoạn nên sản phẩm tre trúc Xuân Lai làm ra có chất lượng tốt, dóng đều thẳng, không sâu, mấu nhỏ, chắc chắn, được thị trường rất ưa chuộng. “Hiện nay, xu hướng sống xanh ngày càng phát triển, các sản phẩm nội thất tre trúc Xuân Lai mang vẻ đẹp dung dị, mộc mạc, gần gũi, thân thiện với môi trường nên càng có sức hút mạnh mẽ, đặc biệt rất an toàn do cách chế tác hoàn toàn tự nhiên” - ông Tân tự hào.

Giữ "lửa" nghề truyền thống

Nói về sự sáng tạo của người thợ Xuân Lai, ông Tân giới thiệu cho chúng tôi sản phẩm độc đáo: Tranh tre hun khói.

Theo ông Tân, đây là sản phẩm “sinh sau đẻ muộn” nhưng nhanh chóng góp phần tạo nên thương hiệu “Làng tre trúc Xuân Lai”.

Để tìm hiểu về sản phẩm, chúng tôi tìm đến gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Kỷ (SN 1975), người con sinh ra và lớn lên ở làng Xuân Lai - “cha đẻ” của dòng tranh đặc biệt này.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà lưu giữ những đồ dùng được làm hoàn toàn từ tre trúc của làng nghề, anh Kỷ chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có nghề làm tre, nứa hun khói độc đáo, lại được tiếp xúc, sử dụng những sản phẩm do chính quê hương mình làm ra, nên ngay từ nhỏ, anh đã mê mẩn những sản phẩm độc đáo này.

Năm 15 tuổi, anh Kỷ theo những người thợ trong làng để học nghề làm tre nứa. Nhận thấy làng nghề chủ yếu sản xuất các sản phẩm tre, nứa dùng trong sinh hoạt thường ngày và không mang lại giá trị cao, bản thân là người yêu văn hoá nghệ thuật và luôn tìm tòi sáng tạo, đổi mới nên anh mơ ước sẽ tạo ra sản phẩm từ tre nứa mang thương hiệu riêng.

Sau thời gian lăn lộn với nghề và dày công nghiên cứu, năm 1998, anh Kỷ mạnh dạn sản xuất các sản phẩm tranh tre, nứa hun khói lấy cảm hứng, chủ đề từ dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Kỷ, sinh ra và lớn lên ở làng Xuân Lai - “cha đẻ” của dòng tranh tre hun khói. Ảnh: HH

Chia sẻ về dòng tranh này, anh cho biết: Nghề làm tranh tre hun khói đòi hỏi sự chính xác trong từng khâu, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng sẽ làm hỏng cả một tác phẩm. Điều đó đòi hỏi người làm nghề phải có tay nghề vững, trải qua quá trình học tập, rèn luyện bền bỉ mới có thể làm được.

Khi đã có đủ nguyên liệu đạt yêu cầu, từ cây tre, nứa to sẽ được chẻ nhỏ rồi vuốt thành từng thanh nhỏ ghép lại bằng dây mây. Tùy từng chủ đề mà người thợ có thể sao chép tranh hoặc vẽ tranh sáng tạo theo ý tưởng sau đó mới dùng dao sắc nhọn để cạo, tẩy vỏ tre, nứa.

Điều đặc biệt là tranh trên tre, nứa hun khói ở Xuân Lai chỉ có hai màu nâu và vàng nhạt tự nhiên nên rất gần gũi, thân quen với người Việt Nam. Tranh càng có sức hút mạnh mẽ bởi cách chế tác hoàn toàn tự nhiên nên rất an toàn.

Theo anh Kỷ, tranh tre, nứa hun khói Xuân Lai phong phú về kích cỡ, nội dung. Tùy theo sở thích của người sử dụng có thể chọn kích cỡ và nội dung phù hợp. Hai chủ đề chính được anh Kỷ đưa vào dòng tranh của mình là tranh phong cảnh và tranh dân gian.

Nhiều tranh dân gian được lấy mẫu từ dòng tranh Đông Hồ rồi chuyển thể sang chất liệu tranh tre hun khói như: Gà mẹ gà con, Đám cưới chuột, Hứng dừa hoặc tranh Tứ quý… Ngoài ra, còn có các dòng tranh chân dung về những nhân vật nổi tiếng, tranh phong cảnh các miền quê Bắc Bộ… chân thực, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa nhiều nét văn hóa đặc sắc.

Với sự bền bỉ, nỗ lực cống hiến tác phẩm tranh Tứ quý của anh tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đánh giá 3 sao. Ngoài ra, tác phẩm tranh tre Vinh hoa - Phú quý của anh Kỷ đã được UBND tỉnh công nhận là một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Không chỉ lưu giữ và làm giàu từ nghề truyền thống của quê hương, những năm gần đây, anh Kỷ còn tích cực "truyền lửa” và dạy nghề cho thanh niên trong làng. Xưởng sản xuất của anh cũng là nơi học sinh ở nhiều tỉnh, thành đến thăm quan, trải nghiệm.

Hiện nay, xã Xuân Lai có khoảng 250 hộ làm nghề tre trúc, trong đó 45 hộ chuyên sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp. Anh Kỷ ấp ủ mong muốn sẽ thành lập được khu trưng bày sản phẩm tre trúc Xuân Lai trên mảnh đất quê hương để thế hệ sau biết đến sản phẩm truyền thống của cha ông.

Với việc không ngừng đổi mới sáng tạo, làm ra những sản phẩm đậm chất nghệ thuật, dung dị, gần gũi, tinh tế, thân thiện, sản phẩm làng nghề tre trúc Xuân Lai được người dân trong nước đón nhận và bè bạn quốc tế ưa chuộng.

Hiện nay, các sản phẩm tre hun khói của Xuân Lai đã có mặt ở 63 tỉnh, thành trên cả nước và chinh phục thị trường các nước như Nga, Nhật Bản, Mỹ, Úc… Tre trúc Xuân Lai đã và đang từng bước vươn xa, là những “sứ giả” mang nét văn hoá Việt Nam đến với bạn bè thế giới…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm