Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát hiện 27 cọc được nhận định thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 năm 1288 ​

Thứ bảy, 21/12/2019 - 14:35

(Thanh tra) – Sáng 21/12, Thường trực Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên”.

Quang cảnh hội nghị

Kết quả khai quật 950m2, với 3 hố khai quật phát hiện 27 cọc, trong đó hố H1 diện tích  khai quật 280m2, phát hiện 17 cọc; hố H2 diện tích khai quật 198m2, phát hiện 2 cọc, và H3 diện tích khai quật 472m2, phát hiện 8 cọc.

Trong quá trình khai quật, Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiếp tục khảo sát các di tích, dòng sông cổ, bến cổ thuộc xã Liên Khê.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT), trên cơ sở phát hiện mới đây của người dân làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên về hai thân cây gỗ nằm trong lòng đất thuộc vùng đê bao sông Đá Bạc, UBND huyện Thủy Nguyên, Bảo tàng Hải Phòng đã xuống hiện trường khảo sát, kiểm tra, lấy mẫu cọc gửi Viện Khảo cổ học giám định niên đại.

Theo các nhà sử học Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, xã Liên Khê xưa thuộc Tổng Trúc Động, huyện Thủy Đường nay là huyện Thủy Nguyên, chính là một trong những nơi được Trần Hưng Đạo cho đóng cọc ngăn cửa sông, buộc địch phải chạy ra sông Bạch Đằng.

Ngày 16/10/2019, theo đề nghị của Bảo tàng Hải Phòng và Phòng Văn hóa và Thể thao huyện Thủy Nguyên, đoàn khảo sát do TS. Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học làm trưởng đoàn về khảo sát hiện trường nơi phát hiện cọc.

Ngày 01 và 02/11/2019, đoàn khảo sát do TS Nguyễn Gia Đối, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học làm trưởng đoàn xuống hiện trường khảo sát lần 2. Đợt khảo sát này phát hiện 9 đầu cọc. Kết quả giám định C14 cho niên đại 1270-1430 AD.

Dựa trên kết quả 2 lần khảo sát, ngày 15/11/2019, Sở VH&TT TP Hải Phòng có Văn bản số 2355/SVH&TT-BTHP đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật khảo cổ tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Ngày 22/11/2019, Bộ VH,TT&DL có Quyết định số 4137/QĐ-BVHTTDL cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê.

Ngày 27/11/2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật bãi cọc được phát hiện trên cánh đồng có kết quả khai quật 950m2, với 3 hố khai quật phát hiện 27 cọc, trong đó hố H1 diện tích  khai quật 280m2, phát hiện 17 cọc; H2 diện tích khai quật 198m2, phát hiện 2 cọc, và H3 diện tích khai quật 472m2, phát hiện 8 cọc.

Trong quá trình khai quật, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiếp tục khảo sát các di tích, dòng sông cổ, bến cổ thuộc xã Liên Khê.

Trong quá trình khảo sát, nhân dân địa phương cung cấp thêm thông tin: Cách đây khoảng 30 năm, khi canh tác trên cánh đồng Cao Quỳ (sát hố H1), gia đình ông Nguyễn Công Từ, bà Nguyễn Thị Chế thôn 3, làng Mai Động phát hiện 10 cọc gỗ; ông Trần Văn Do, thôn 7, làng Quỳ Khê phát hiện 3 cọc gỗ tại cánh đồng thôn vào những năm 70; tại đầu Núi Chẹo và Hang Trê, thôn 7, làng Qùy Khê người dân phát hiện 11 cọc gỗ, số cọc tìm được có đường kính khoảng từ 35-50cm.

Ngoài việc khảo sát hệ thống cọc gỗ tại cánh đồng Cao Quỳ và cánh đồng làng Quỳ Khê, Bảo tàng Hải Phòng và Viện Khảo cổ còn nghiên cứu các di tích đền Thụ Khê, chùa Mai Động, chùa Thiểm Khê thuộc xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên đã được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1993, liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3.

Những di tích này còn ghi đậm dấu ấn vào năm 1288, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã về đây khảo sát trận địa, tập luyện binh mã cho trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288.

Kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ trên địa bàn xã Liên Khê cho thấy: các cọc phân bố theo chiều Đông - Tây, đường kính từ 26 - 46cm, trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Các cọc phân bố không thẳng hàng và căn cứ vào kết giám định niên đại cho thấy, các cọc gỗ này có thể được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.

Bước đầu Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc trên thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Nguyên Mông không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, buộc đạo quân này đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng.

Từ đó, rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Nguyên Mông xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông với quốc gia Đại Việt.

Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá khoa học của Viện Khảo cổ học, Thường trực Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Báo cáo kết quả khai quật tại bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên” với mục đích nghiên cứu các tư liệu, tài liệu lịch sử, khảo cổ học, địa lý, quân sự và khảo sát thực địa.

Trên cơ sở đó, đưa ra những nhận định, đánh giá khoa học về giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của bãi cọc được phát hiện trên cánh đồng Cao Quỳ trong 3 lần chiến thắng kẻ thù phương Bắc của quân và dân ta trên dòng sông Bạch Đằng.

Từ đó, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di sản, giáo dục truyền thống lịch sử.

Đồng thời, kết nối di tích bãi cọc với những quần thể di tích lịch sử quan trọng khác có liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng, nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch cho huyện Thủy Nguyên nói riêng, thành phố Hải Phòng nói chung.

Kim Thành

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm