Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Non nước Cao Bằng

Thứ hai, 20/06/2011 - 10:08

(Thanh tra) - Là một tỉnh vùng núi cao Đông Bắc, cách Hà Nội chừng 286 km, Cao Bằng có đường biên giới dài 311 km giáp với Trung Quốc, hầu hết là đồi núi với hệ thống núi đá vôi... Cao Bằng với non xanh, nước biếc hữu tình là một điểm đến của du lịch sinh thái, về nguồn, còn rất nhiều điều hấp dẫn để bạn khám phá.

Hoa Ban đỏ đặc trưng của Cao Bằng

Non nước Cao Bằng đã ghi đậm những dấu ấn lịch sử của thời kỳ cách mạng vô cùng gian khổ nhưng cũng lắm vẻ vang, anh hùng. Mỗi địa danh, mỗi khu rừng, mỗi thôn xóm dường như đều gắn liền với những chặng đường phát triển lịch sử của cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu kháng chiến.

Lên Cao Bằng, du khách trước nhất thường ghé thăm Pắc Pó, bởi đây chẳng những là một danh thắng rất nổi tiếng và còn là một di tích lịch sử cách mạng đặc biệt. Địa danh này gắn liền với một giai đoạn lịch sử trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại nơi đây, Bác Hồ đã mở nhiều lớp huấn luyện về chính trị, quân sự, dịch và viết nhiều tài liệu quan trọng. Bác đã chủ trì hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại lán Khuối Nậm - Pắc Pó từ ngày 10/5 đến 19/5/1941, quyết định thành lập mặt trận Việt Minh, lập các căn cứ địa cách mạng.

Lối vào hang Pắc Bó

Pắc Pó có phong cảnh hùng vĩ, hữu tình. Trong Hang Cốc Pó có một nhũ đá được Bác Hồ đặt tên là Các Mác, bên ngoài hang có dòng suối đẹp, Người đặt tên là Suối Lê Nin. Rừng Pắc Pó hoang sơ, thơ mộng. Ngày nay Pắc Pó đã trở thành di tích lịch sử thiêng liêng, niềm tự hào của mỗi người Việt Nam và là địa chỉ du lịch đặc sắc của tỉnh Cao Bằng. Ở núi rừng, ven các sông suối của Pắc Pó, có rất nhiều hoa ban với sắc màu hồng tím nở suốt mùa xuân trông rất lãng mạn... Các loài chim rừng với giọng hót hay rất nhiều.

“Cao Bằng cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc: Đông nhất là người Tày rồi đến Nùng, Dao, Mông, Kinh, Hoa, Sán Chỉ. Con sông Bằng Giang uốn khúc ôm lấy thị xã như một dải lụa âu yếm lững lờ.”

Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim huyện Nguyên Bình. Đứng giữa núi rừng hoang sơ, lộng gió, bạn sẽ thấy dâng lên mối cảm xúc dạt dào, nhớ rằng nơi này ngày 22/12/1944 đã chứng kiến sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo, chỉ huy.

Tượng đài Bác Hồ ở giữa trung tâm thị xã Cao Bằng là một công trình điêu khắc mỹ thuật mang tính nghệ thuật cao. Tượng đài đứng giữa vườn hoa tươi đẹp. Công trình này được khởi công từ năm 1999 và khánh thành vào gần cuối tháng giêng của thiên niên kỷ mới (28/1/2000).

Có dịp đến Cao Bằng, bạn đừng bỏ qua dịp tham quan Thác Bản Giốc thuộc xã Đạm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách Cao Bằng 86 km theo tỉnh lộ 206 về phía Bắc. Đây là một thác đẹp vào bậc nhất Việt Nam. 

Trên độ cao khoảng 53 m, những khối nước lớn đổ ào ào qua nhiều tầng, bậc đá vôi cuồn cuộn bắn tung lên thành bức màn sương mờ ảo bao phủ cả một vùng rộng lớn trông như chốn bồng lai tiên cảnh. Từ xa, du khách đã có thể nghe thấy tiếng ầm ì của Thác Bản Giốc vang động cả một vùng núi non hùng vĩ. Giữa thác có một ốc đảo nhỏ có nhiều cây chẽ dòng sông thành ba luồng nước như ba dải lụa trắng lượn lờ. Vào mùa hè nắng nóng, nơi đây không khí vẫn mát lạnh. 

Thác Bản Giốc nơi thu hút nhiều du khách

Mỗi buổi sáng ban mai, ánh nắng mặt trời chiếu xiên qua làn hơi nước trên mặt thác, ánh lên thành dải cầu vồng bảy sắc lung linh, huyền ảo. Thác Bản Giốc là nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều văn nghệ sĩ.

Hang Ngườm Ngao là một kỳ tích của thiên nhiên. Hang khá rộng có ba cửa, dài trên 2.000 m nằm giữa lòng dãy núi đá vôi bị phong hóa và xâm thực cách đây hàng triệu năm. Trong hang có rất nhiều thạch nhũ với muôn vàn hình dạng kỳ ảo như một mê cung. Nhũ đá lung linh nhiều sắc màu mang hình dáng tiên, phật ,người, loài vật trông rất sống động. Cảnh sắc trong hang kỳ vĩ thay đổi theo mỗi bước chân của du khách.

Đầu mùa xuân, ngược lên Cao Bằng, đến vùng bà con dân tộc Tày ở Đông Khê bạn sẽ có dịp tham gia vào lễ hội “mời Mẹ Trăng” kéo dài từ 10 đến 15 ngày. Mọi nhà trong bản đều nô nức tham gia. 

Lễ hội mang mục đích cầu Mẹ Trăng ban điều tốt lành cho dân bản, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi nảy nở... Giữa núi rừng hoang sơ, thiên nhiên kỳ vĩ, không khí của lễ hội như hòa trộn giữa cõi thực và cõi tiên trong mối giao hòa của đất trời, vạn vật. Trong lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như chọi gà, đu quay, đánh còn... 

Lễ kết thúc gọi là “Slống Hai”, có nghĩa là lễ tiễn trăng về trời. Sau cùng là bữa cơm tập thể, vui mừng hội làng kết thúc tốt đẹp và bạn bè, trai gái giao ước, hẹn mùa sau.

Ngoài những thắng tích trên, Cao Bằng còn có nhiều di tích, thắng cảnh đẹp khác như: Đền Xuân Lĩnh, Thành Nà Lữ, Chùa Viên Minh, Đồn Pai Khắt, mộ Kim Đồng, Hồ Thăng Hen, Đền Kỳ Sâm, Pháo Đài... mỗi nơi có một nét đẹp riêng...


 Thụy Vy

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm