Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 13/02/2012 - 10:45
(Thanh tra) - Trải qua những ngày xuân đoàn tụ, vui chơi, hạnh phúc bên người thân, giờ đây du khách khắp nơi lại nô nức đi viếng lễ chùa, tham gia các lễ hội đầu năm, dưới đây là một vài lễ hội đầu năm du khách không nên bỏ lỡ.
Hành hương về đỉnh Yên Tử_Ảnh tư liệu
Lễ hội chùa Hương
Chùa Hương, hay Hương Sơn nằm ven bờ phải sông Đáy, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa là một quần thể văn hóa - tôn giáo, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm của cụm đền chùa Hương nằm trong động Hương Tích.
Khu thắng cảnh Hương Sơn, được xem là miền đất Phật, nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Hàng năm cứ đến ngày khai hội, hàng triệu phật tử lại nô nức trẩy chùa, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn bay bổng hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật.
Ngày khai hội là ngày mùng 6 tháng Giêng. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch.
Lễ hội Yên Tử
Ngọn Yên Tử thuộc dãy núi Đông Triều vùng Đông Bắc Việt Nam. Núi thuộc xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Vốn là là một thắng cảnh thiên nhiên, ngọn Yên Tử còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử và được mệnh danh “đất tổ Phật giáo Việt Nam”. Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên còn có tên là Bạch Vân sơn.
Quần thể Yên Tử hiện có 11 chùa và hàng trăm am tháp. Chùa Ðồng ở trên đỉnh cao nhất 1.068m (so với mặt nước biển). Lễ hội Yên Tử hàng năm bắt đầu từ mùng 10 tháng Giêng và kéo dài hết tháng 3 âm lịch.
Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Lễ hội đền Gióng
Hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội kéo dài trong ba ngày từ mùng 6 tháng Giêng với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: Lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Lễ hội Thánh Gióng đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản phi vật thể của nhân loại vào ngày16/11/2010.
Hội Xoan
Hội Xoan được tổ chức từ mùng 7 đến mùng 10 tháng Giêng tại xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội suy tôn bà Xuân Nương, một nữ tướng của Hai Bà Trưng và ca ngợi công lao của các Vua Hùng.
Lễ hội có cuộc thi hát Xoan, một loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Tổ Phú Thọ. Hát Xoan cũng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới từ 24/11/2011.
Lễ hội Bà Chúa Kho
Đền Bà Chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14/01 âm lịch. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa “cầu tài phát lộc”.
Lễ hội Bà Chúa Kho cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán. Cuối năm trả nợ, đầu năm đi vay Bà Chúa Kho đã trở thành một phong tục tồn tại lâu đời tại Việt Nam.
Hội Lim
Hội Lim được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng Quận công Đỗ Nguyên Thụy… Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.
Du khách trẩy hội Lim còn được xem nhiều hoạt động văn hoá truyền thống khác của địa phương, hay tham dự các trò chơi đu bay, chọi gà, chọi chim, đấu vật, tổ tôm... vốn là những trò chơi của hội làng cổ truyền mà hội Lim vẫn giữ lại như một di sản.
Lễ hội Điện Hòn Chén
Điện Hòn Chén tọa lạc trên núi Ngọc Trản, thuộc làng Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Núi Ngọc Trản xưa có tên là Hương Uyển Sơn, sau mới đổi tên là Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc), dân gian vẫn quen gọi là Hòn Chén vì nó có liên quan đến giai thoại về vua Minh Mạng đánh rơi chén ngọc.
Điện Hòn Chén không chỉ là một di tích lịch sử và tôn giáo mà còn là một thắng cảnh, một điểm tham quan văn hóa độc đáo. Hàng năm hai lần vào dịp Xuân tế (mùng 2, mùng 3 tháng 3) và Thu tế tháng 7, Điện Hòn Chén lại tấp nập người trẩy hội. Nghi lễ diễn ra rất long trọng. Dân làng tổ chức tế tại đình, trước ngày chánh tế có lễ nghinh thần để rước tất cả các vị thần trong làng về đình.
Lễ hội Tháp Bà
Là một trong 16 lễ hội quốc gia, Lễ hội Tháp Bà Khánh Hòa diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngoài việc thể hiện sự tín ngưỡng, tinh thần uống nước nhớ nguồn đối với bà Thiên Y Ana - Mẹ xứ sở; khát vọng về một xã hội ấm no, thanh bình, yên vui, đoàn kết trong cộng đồng. Du khách còn được xem biểu diễn múa lân và hát Tuồng, và tìm hiểu thêm những nét văn hóa truyền thống qua lễ hội và kiến trúc nghệ thuật tuyệt vời của Tháp Bà - Pônaga.
Lễ hội Chùa Bà
Chùa Bà Bình Dương tọa lạc tại phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, là một trong những ngôi chùa do người Việt gốc Hoa lập, Chùa Bà thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Đến những ngày cận kề và nhất là rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) là dân các tỉnh, thành phố khắp nơi về chùa để cầu an, xin lộc - tài... Lễ hội chính của Chùa Bà sẽ diễn ra vào hai ngày 14, 15 âm lịch. Trong hai ngày này có nhiều tiết mục hấp dẫn mang đậm tính văn hóa dân gian và gần gũi với nhân dân như sự xuất hiện nhiều nhân vật huyền thoại, diễu hành xe hoa, cồng, chiêng, trống, cờ… và đặc biệt là không thể thiếu những đoàn lân sư rồng.
Lễ hội Nghinh Cô
Nằm trong hệ thống lễ hội thờ Mẫu - Nữ thần tiêu biểu của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng đây không đơn thuần chỉ thờ Mẫu - Nữ thần, mà là sự kết hợp của lễ hội Cầu Ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy Long, cá voi của người Chăm) và tín ngưỡng thờ Mẫu - Nữ thần của cư dân địa phương.
Hàng năm lễ hội Nghinh Cô được ngư dân Long Hải tổ chức rất long trọng theo nghi thức cổ truyền vào 3 ngày từ 10 đến 12 tháng 2 âm lịch. Lễ hội gắn liền với những truyền thuyết dân gian, cầu mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an và Nghinh Cô ngoài biển với thuyền hoa lộng lẫy, thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người.
Thái Ninh (tổng hợp)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân