“Nếu nhìn bề ngoài, ít ai biết Thuận Yến là nhạc sỹ. Tác phong nghiêm túc, ăn vận gọn gàng, chúng tôi đùa ông anh của mình giống cán bộ xã hơn là nghệ sỹ… Nhưng ai cũng yêu quý anh vì Thuận Yến hiền lắm. Cũng vì bản tính hiền lành, nhát… gái nên anh em chúng tôi thường làm anh khổ sở vì trêu chọc những lần đi sáng tác.”Thuận Yến nổi tiếng là người nghiêm túc trong công việc. Trong hồi ức của Nguyễn Cường, chính sự nghiêm túc của nhạc sỹ Thuận Yến đã làm “đẹp mặt” hội nhạc sỹ và “nâng tầm” vai trò sáng tác văn nghệ trong sự nghiệp chung.Nhạc sỹ Thuận Yến lúc sinh thời luôn truyền đam mê nghệ thuật cho các cháu... Ảnh: Tư liệu của gia đìnhNguyễn Cường bồi hồi nhớ lại kỷ niệm cùng Thuận Yến đi sáng tác ở tỉnh Ninh Bình. Với ông, đó không chỉ là hồi ức đẹp đẽ một thời hoa lửa, thời thanh niên sôi nổi của thế hệ nhạc sỹ dòng nhạc cách mạng mà còn là bài học đáng nhớ trong cuộc đời sáng tác của mình...“Tôi vẫn nhớ đó là chiều chủ nhật. Lần đó, tôi, anh Thuận Yến và nhiều nhạc sỹ nữa đi sáng tác ở tỉnh Ninh Bình. Theo kế hoạch, anh em chúng tôi sẽ báo cáo kết quả sáng tác cho lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Ngày chủ nhật ấy, anh em nhạc sỹ chúng tôi đều có mặt đầy đủ, nhưng phía tỉnh thông báo là bí thư tỉnh vì vướng việc đột xuất nên vắng mặt. Thú thực, chúng tôi ai cũng thấy không hài lòng nhưng không dám lên tiếng. Không khí đang chùng xuống, bỗng nhiên anh Thuận Yến đứng bật dậy, phát biểu xin hoãn buổi báo cáo sang buổi khác, đợi sự có mặt của đồng chí bí thư tỉnh. Anh em chúng tôi ai cũng bất ngờ vì người đó là ông anh Thuận Yến của chúng tôi…” nhạc sỹ Nguyễn Cường kể về kỷ niệm đáng nhớ của ông với nhạc sỹ Thuận Yến.Sau một khoảng lặng, nhạc sỹ Nguyễn Cường kể tiếp: “Bác ấy nói, giọng đanh gọn lắm! Anh em nhạc sỹ chúng tôi về đây, thực tế, lấy cảm hứng sáng tác cho nhân dân Ninh Bình, những sáng tác của chúng tôi phải được chính nhân dân nghe và cho ý kiến. Đồng chí bí thư tỉnh là đại diện cao nhất cho nhân dân Ninh Bình. Vì vậy, buổi báo cáo kết quả phải có mặt của đồng chí, người đại diện cao nhất cho nhân dân lắng nghe và đóng góp cho chúng tôi…”Trước phát biểu hùng hồn và “yêu sách” bất ngờ của nhạc sỹ Thuận Yến, nhạc sỹ Nguyễn Cường và anh em nhạc sỹ được phen “ sợ vã mồ hôi”. “Tình thế lúc đó rất khó xử, chung tôi thì ngồi im không ai dám lên tiếng, phía tỉnh cũng phải xin ra ngoài hội ý. Bác Thuận Yến thì mặt lạnh như không…”Nhạc sỹ Thuận Yến hồi trẻ. Ảnh: Tư liệu của gia đìnhĐang mạch câu chuyện, đột nhiên nhạc sỹ Nguyễn Cường hỏi tôi “Bạn biết kết quả thế nào không?” trong mạch cảm xúc vừa bùi ngùi vừa hứng khởi như thể kỷ niệm chỉ mới chỉ ngày hôm qua vậy! “Cứ tưởng mọi chuyện sẽ hỏng ấy vậy mà đồng chí bí thư tỉnh ủy đã phải bỏ mọi việc để có mặt nghe anh em chúng tôi báo cáo sáng tác đấy!”Và kể từ sau buổi họp báo cáo sáng tác ấy, anh em nhạc sỹ phong cho nhạc sỹ Thuận Yến là “ông gan to” vì dám đưa ra yêu sách với lãnh đạo tỉnh, “chỉnh” cả Bí thư tỉnh ủy.Nói về sự nghiệp đồ sộ của nhạc sỹ Thuận Yến, nhạc sỹ Nguyễn Cường cho rằng Thuận Yến là một trong những nhạc sỹ sáng tác hay nhất về đề tài bác Hồ. Trong đó, bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la,” của Thuận Yến đã lay động hàng triệu con tim người dân Việt Nam và có sức sống vượt thời gian.Đặc biệt, nhạc sỹ Thuận Yến cũng là trường hợp nhạc sỹ “hiếm có” thời đó có cuộc “vượt biên” thành công khi chuyển mình từ dòng nhạc cách mạng sang phong cách nhạc nhẹ với những sáng tác đỉnh cao như “Chia tay hoàng hôn,” “Khát vọng,” “Em tôi”…“Thời kỳ âm nhạc Việt Nam chuyển mình sang nhạc nhẹ, ít nhạc sỹ thay đổi được phong cách và dòng nhạc để có thêm những sáng tác mới. Nhưng nhạc sỹ Thuận Yến đã bước qua được và gặt nhiều thành công. Bằng chứng là ông định hình được phong cách âm nhạc sau này của mình đậm chất dân gian. Trong đó nhiều sáng tác nhạc nhẹ của ông nổi tiếng thời điểm đó và có sức sống tận bây giờ,” Nhạc sỹ Nguyễn Cường nói.Gia đình nghệ sỹ nổi tiếng của nhạc sỹ Thuận Yến. (Ảnh: Tư liệu của gia đình)Ngoài nổi tiếng là nhạc sỹ tài hoa với sự nghiệp sáng tác đồ sộ ở cả hai dòng nhạc cách mạng và nhạc nhẹ, nhạc sỹ Thuận Yến còn nổi tiếng với gia đình nghệ sỹ tài hoa bậc nhất Việt Nam. Vợ ông là Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Hương, con gái là Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Lam, con trai là nghệ sỹ DJ Trí Minh.Nhạc sĩ Thuận Yến tên khai sinh là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15/8/1935, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam.Ông tham gia công tác từ năm 1949, là cán bộ văn nghệ của Đoàn văn công Khu ủy Liên khu V, sau đó theo học lớp Trung cấp sáng tác tại Trường âm nhạc Việt Nam.Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông có những sáng tác động viên thanh niên lên đường: “Ba lô ta buộc cho chặt,” “Vành lá nguỵ trang rất xanh”...Từ năm 1965, ông lấy bút danh là Thuận Yến, sáng tác những ca khúc ở chiến trường như: “Bài ca tiếp vận,” “Mỗi bước ta đi,” ;“Hát mừng quê ta giải phóng,” “Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin.”Cũng như nhiều nhiều nhạc sỹ cùng thời, ông hăng hái ra chiến trường và có mặt tại chiến trường Thừa và đã viết ca khúc nổi tiếng thời đó là “Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc.”Trong sự nghiệp âm nhạc khá đồ sộ của mình, nhạc sĩ đã xuất bản một số tác phẩm như: “Tuyển chọn ca khúc Thuận Yến” (sách nhạc), “Đi tìm trái tim” (album, Sài Gòn Audio thu âm và phát hành), “Chia tay hoàng hôn” (album, DIHAVINA thu âm và phát hành).Nhạc sĩ Thuận Yến cũng đã được nhiều giải thưởng: “Vầng trăng Ba Đình” (Giải nhất ca khúc của Bộ văn hoá, 1987), “Màu hoa đỏ” (Giải ca khúc xuất sắc của Bộ quốc phòng, 1994), “Chia tay hoàng hôn” (Giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992-1993 của Đài Tiếng nói Việt Nam)... Theo Vietnam+