Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người có công lưu truyền, phát triển văn hóa dân tộc Nùng

Trần Quý

Thứ hai, 23/01/2023 - 06:35

(Thanh tra) - Dù đã gần 80 tuổi, Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Xín Hòa vẫn hết lòng với việc lưu truyền, phát triển văn hóa dân tộc Nùng.

Mặc dù đã gần 80 tuổi, song Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Xín Hòa vẫn đang hết lòng với việc lưu truyền, phát triển văn hóa dân tộc Nùng. Ảnh: TQ

Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Xín Hòa, dân tộc Nùng, sinh ngày 25/4/1944 tại Cốc Chứ, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, hiện thường trú tại Pạc Ngam, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Ngay từ nhỏ, ông đã say mê và có niềm yêu thích đặc biệt những làn điệu dân ca Nùng. Đây là cơ sở đưa ông đến gần hơn với công việc sưu tầm và truyền dạy hát dân ca sau này.

“Từ tháng 9/1986 đến tháng 8/1991, tôi tìm đến nghệ nhân Lùng Dỉ Quáng, ở làng Lủng Phạc, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương xin theo học hát dân ca. Thầy Quáng dạy cho tôi những bài hát dân ca cổ, bài hát giao duyên ban đêm... Cách truyền đạt của thầy khá đơn giản và dễ hiểu. Thầy Quáng hát mẫu chậm và rõ để tôi ghi chép theo phát âm tiếng Nùng Dín. Tôi tự học khi có thời gian rảnh hoặc đọc nhẩm lại giai điệu trong những lúc làm việc”, Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Xín Hòa kể lại quá trình nhập môn của mình.

Vốn dân ca được ông tích lũy trong nhiều năm, đặc biệt vào những dịp Tết, hội của người Nùng ở Mường Khương, qua các cuộc hát dân ca ông lại được biết thêm các bài khác, lúc bấy giờ lưng vốn ông có khoảng 60 bài hát. Được thầy khen và cả làng cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần cho ông học tập.

Ông Hoàng Xín Hòa (bìa phải) nhận danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”. Ảnh: TQ

“Năm 2012, tôi đã vận động thành lập Câu lạc bộ (CLB) Dân ca Nùng Dín. Tôi phải đi từng thôn, từng nhà để tìm những người biết hát và thuyết phục họ gia nhập CLB. Phần lớn đều đã cao tuổi, điều kiện sức khỏe hạn chế nên việc vận động gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với lòng nhiệt huyết của mình, tôi đã xây dựng và duy trì được CLB đến ngày nay”, Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Xín Hòa cho biết.

Theo ghi nhận của PV, đến nay, chưa có địa phương nào làm được như xã Nấm Lư. Dù đời sống vẫn còn khó khăn, nhưng người dân vẫn ủng hộ để giữ được các điệu dân ca truyền thống.

Với những cống hiến của mình, năm 2013, ông Hòa được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu “Nghệ nhân Dân gian” trong việc thực hành và truyền dạy dân ca Nùng Dín.

Năm 2015, ông Hòa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.

Kể từ khi được phong danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”, với trách nhiệm của mình, ông luôn duy trì mở các lớp truyền dạy hát dân ca cho các cháu học sinh, các thanh thiếu niên, các chị, các anh trung niên có chung niềm đam mê yêu thích hát dân ca tại nhà hoặc nhà văn hóa thôn, xã.

Số lượng học trò đã được ông truyền dạy đến nay gần 350 người biết hát dân ca Nùng Dín. Trong đó một số học trò xuất sắc như: Lùng Văn Ban, sinh năm 1984, cán bộ tư pháp xã Nấm Lư; Sin Thị Phượng, sinh năm 1974, Trưởng thôn Pạc Ngam, xã Nấm Lư; Lù Thị Hoa, sinh năm 1986, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Cốc Mạc…

“Từ năm 2016 - 2020, tôi chủ động đề xuất với lãnh đạo UBND xã, Hội Người cao tuổi xã Nấm Lư, Ban Chủ nhiệm CLB Dân ca Nùng Dín về việc truyền dạy 2 bài hát dân ca dân tộc Nùng trong nhà trường và đã được chấp thuận. Tôi đã truyền dạy cho hơn 600 học sinh tiểu học, trung học cơ sở Nấm Lư, Mường Khương học thuộc 2 bài hát dân ca dân tộc Nùng. Bên cạnh đó, tôi còn tổ chức 24 cuộc hát giao duyên ban đêm tại 24 thôn bản trong và ngoài xã Nấm Lư, được đông đảo người dân tán thành, cổ vũ”, ông Hòa chia sẻ.

Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Xín Hòa đang dạy hát cho các hội viên CLB Dân ca Nùng Dín. Ảnh: TQ

Ông Phạm Xuân Thái, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Khương cho biết, ông Hòa truyền dạy bằng cách viết phiên âm ra giấy các bài hát rồi phô tô cho các cháu, người học hát và ông hát mẫu để các cháu hát theo. Ông chỉnh sửa cho các cháu cách đánh vần hát, phát âm, cách ngắt và lấy hơi, lấy giọng... Những cháu bé từ 10 tuổi trở lên ông đều nhận dạy hát, cha mẹ các cháu rất ủng hộ, đặc biệt là các cấp các ngành chức năng như Sở Văn hóa, Thể thao, UBND huyện Mường Khương, xã Nấm Lư và đặc biệt là nhân dân trong vùng rất quan tâm, ủng hộ.

Ngoài việc truyền dạy, ông còn tham mưu cho CLB tổ chức được 8 cuộc hát giao lưu tại nhà văn hóa xã, thu hút được 81 người yêu thích dân ca tham gia với các chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, tình yêu, hát mừng đám cưới, mừng nhà mới, mừng dâu rể bằng tiếng Nùng.

Những cuộc giao lưu hát này đã thu hút được hàng trăm người tại các thôn, bản trong xã và các xã lân cận, thị trấn Mường Khương đến tham dự. Những hoạt động này có sự ảnh hưởng nhất định đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Nùng.

“Ngoài các buổi tổ chức giao lưu hát dân ca với hàng chục, hàng trăm bài hát được người dân thể hiện, tôi còn mở cuộc thi sáng tác về chủ đề “Phụ nữ với phong trào xây dựng nông thôn mới”. Có 37 tác giả dự thi. 26 bài được giải do tôi và ban tổ chức chấm, đánh giá chất lượng”, ông Thái cho biết.

Sau những “sô diễn” của CLB Dân ca Nùng Dín. Ảnh: TQ

Theo ông Hoàng Xín Hòa, dân ca phải luôn được bổ sung, cải tiến, phải thổi vào đó luồng gió mới, mang hơi thở của thời đại. Những câu dân ca với nội dung cổ quá thì người học lại không hiểu được, chính vì vậy chỉ nên giữ nhịp điệu, cách hát còn nội dung phải thay đổi, phải lồng ghép trong đó chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Anh Lùng Văn Ban cho biết, nghệ nhân Hoàng Xín Hòa là một người thầy tận tụy, vừa học, vừa sưu tầm, vừa truyền dạy dân ca Nùng Dín cho nhiều thế hệ trong xã và các xã lân cận. Với những tri thức văn hóa thầy Hoàng Xín Hòa đang nắm giữ sẽ là ngọn lửa tiếp truyền cho các thế hệ mai sau.

TS Dương Tuấn Nghĩa - Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai cho biết, hiện nay Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Xín Hòa đang nắm giữ khoảng 100 bài hát dân ca, trong đó có 39 bài phổ thông nhất từ xưa đến nay gồm các bài hát giao duyên ban ngày, ban đêm, bài hát tình yêu, bài hát ca ngợi quê hương, đất nước...

Các làn điệu dân ca đó được ông ghi chép lại bằng tay lưu trong sổ tay, hoặc ghi âm lại để làm tư liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, các hoạt động chuyên môn của một số cơ quan có liên quan.

Đặc biệt, đây là nguồn tri thức to lớn để lưu giữ lại cho thế hệ sau học tập và phát huy bản sắc văn hóa của người Nùng. Bên cạnh đó, ông còn có sự am hiểu sâu sắc về kết cấu ngôn ngữ, nhịp điệu trong các làn điệu dân ca Nùng để có thể viết thành những bài dân ca mới.

“Ngoài ra, ông còn nắm giữ tri thức dân gian người Nùng Dín về các lĩnh vực phong tục, tập quán, lễ hội, nghi lễ, ca dao, tục ngữ, kể chuyện dân gian...”, ông Nghĩa cho biết

Với những cống hiến không biết mệt mỏi, tháng 9/2022, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Xín Hòa đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”.

Với những cống hiến không biết mệt mỏi, Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Xín Hòa đã được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, UBND tỉnh Lào Cai tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Ảnh: TQ

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Xín Hòa còn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, UBND tỉnh Lào Cai và các tổ chức hội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến hạng Ba; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Bằng khen của UBND tỉnh Lào Cai, Ban Chấp hành Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; Kỷ niệm chương của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương tặng, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Huy chương...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm