Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nghĩ từ bến nước làng Tằm

Tản văn của Đoàn Thị Ký

Thứ sáu, 05/03/2021 - 20:59

(Thanh tra) - Chiều áp ngày Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên tiêu, tôi về quê làng Tằm thuộc phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang để thắp hương cho các bậc sinh thành. Làng Tằm cách đầu cầu Tình Húc, bắc qua sông Lô mới khánh thành chừng dăm trăm mét. Đoạn nối với quốc lộ 37 đi Thái Nguyên còn dang dở, chưa có xe cộ lưu thông.

Ảnh minh họa: Internet

Đêm của làng vẫn yên tĩnh lắm.

Thế nhưng sáng hôm sau, chừng 7 giờ khúc sông chảy trước nhà tôi đã vọng lên tiếng động cơ nổ ầm ĩ, dần sôi lên sùng sục, xen lẫn tiếng máy xúc đào đắp, san ủi mở con đường vành đai trên bãi sông. Không đừng được tôi chạy ra sông, băng qua con đường vành đai mới làm xong nền đường, cắt cánh đồng bãi bồi có tên bãi Dâu làm đôi.

Đất này xưa là đồn điền canh nông của Pháp, chuyên trồng dâu nuôi tằm. Hiện trong vườn đào nhà anh Tuyển cạnh nhà tôi, vẫn còn chiếc bể ươm tơ mặt nguyệt bằng đá xanh, dấu tích nghề canh cửi. Sau ngày hòa bình cánh đồng bãi Dâu là đất của tổ đổi công, rồi của hợp tác xã chuyên trồng ngô và đậu tương.

Ngô làng Tằm thụ lộc sông Lô thơm kẹo kéo tới tận bây giờ. Nhà chị Tính chuyên trồng ngô nếp bán non. Tới vụ, cứ chiều chiều lớp quả ngô tiện bỏ bớt bẹ ngoài, nòn nõn được chị Tính xếp vào chiếc xề, buộc sau xe đạp đèo lên đầu cầu Nông Tiến là dân sành ăn ngô nếp luộc mua bằng sạch.

Dòng sông mùa xuân.

Đâu rồi bến làng Tằm vốn yên ả nước trong leo lẻo, thấy sỏi trắng đã thường, thấy cả khói ngoằn nghèo mới lạ thường. Khói của củi lửa chứ không phải khói sóng phả lên đâu nhé. Chẳng là vào những năm sáu mươi thế kỷ trước, cả làng chỉ có một chiếc giếng đất sát mép cánh ruộng chuyên cấy lúa, mùa mưa giếng mới có nước. Chứ đâu như bây giờ nhà nào cũng có nước máy vào tận bếp. Thế nên hầu như quanh năm cả làng đều ra sông gánh nước về nấu ăn, tắm rửa. Mùa nước đục thì đánh phèn cho trong. Ngày cuối năm, có nhà đông con đem cả nồi ba mươi ra sông vơ củi sậy, cây ngô đun nước nóng tẩy trần cho lũ trẻ. Bếp mới gầy, cây ngô dợm bén, khói cay lan mặt nước…

Ngọn khói hiền hòa giờ trôi đâu? Đập vào mắt tôi là cảnh tượng dòng sông như con thú trúng thương, đang oằn mình quẫy đạp. Bờ sông đối diện thuộc xã An Khang san sát tàu hút cát sỏi, những chiếc vòi rồng nghễu nghện đang sục sạo lòng sông. Bùn đất, chưa chừng có cả váng dầu, nước dòng Lô đen sì. Mắt thường đã thấy bờ bên là núi, là vỉa đá có tên ghềnh Giềng, nói theo khoa học là địa tầng đá cổ, có từ khai sinh lập địa cứ trơ lỳ, khó mà lở lói. Cát, sỏi hút dưới lòng sông lên nằm chềnh ềnh, ngất ngứ đồi to đồi nhỏ chờ xe chuyển đi.

Lòng sông mùa nước cạn ngổn ngang, hẹp lại, không biết đã diễn ra bao ngày tháng.

Tôi đang lan man bỗng nghe tiếng “ùm” rất to, bụi nước bắn lên, đất dưới chân rung rung - lở đất. Hoảng quá, chạy vội vào trong bãi, nhưng vốn tính tò mò tôi vẫn kịp ngoái nhìn, thấy vết nứt dài trên bờ bến sông làng sát mép nước. Chợt nhớ thuở nào mình chẻ củi, cài được cái nêm, chỉ cần gõ nhẹ là thớ củi bện chặt mắt trâu, mắt bò đến mấy cũng bửa ra, nữa là giờ đây sóng nước cứ đập liên hồi vào bở đất. Đất cát pha làm gì có thớ mà bấu mà víu, lòng sông lại đang rỗng rễnh cồn cào gan ruột! Hú vía. Bến sông xưa đã lở. Bãi Dâu mất dần “bờ xôi bãi mật” là minh chứng, tạo hóa đang đòi lại sự quân bình, ngoa ngoắt một tí, sông đang gậm nhấm đường gân, thớ thịt dân làng Tằm cũng lẽ nhi nhiên.

Nhãn tiền “bờ xôi bãi mật” làng tôi mất dần do bàn tay tham lam, thô bạo của chính con người; “dậu đổ bìm leo”, cơ sự này nào ai biết ngày một ngày hai, với sự biến đổi của khí hậu, bão giật, lũ dâng, liệu con đường vành đai nối với quốc lộ 37 lên cầu Tình Húc, tiêu tốn hàng tỷ tiền thuế của dân trên nền bãi bồi có còn?

Đã thấy nơi bến nước có tên Âm Nhạc, phía hạ lưu bến làng Tằm, lưu dấu Đoàn Quân nhạc Trung ương thời kháng chiến chống Pháp từng đóng quân trên quả đồi gần đấy, hiện sóng nước ngoạm bờ chỉ còn cách con đường vành đai chưa đầy đôi trăm mét. Người dạo bộ còn e, đố dám bảo những chiếc xe cơ giới hàng tấn rùng rung nổ máy. Nghe đồn tương lai sẽ có phương án kè bờ nắn dòng chảy. Lại xi măng cốt thép đổ vào. Ôi! Thật là vấn nạn của bài ca loanh quanh, luẩn quẩn đào chỗ này lấp chỗ kia. Lý do ư? Nhiều lắm, nhưng chung quy cũng bởi những hoạch định thiếu tầm nhìn rất chi bình dị - Hài hòa, tôn trọng thiên nhiên!

Trước hiện trạng đau xót đang diễn ra không riêng ở dòng Lô, biết phận mình như hạt cát, viên sỏi, dù có thời từng mơ: “Em là viên sỏi dưới dòng Lô/Nước thời gian phủ rêu mờ/Một sớm tay người nâng em dậy/Góp xây đời lấp lánh vần thơ”.

Đấy là lúc tôi cùng người dân Tuyên Quang mình đi đãi sỏi gửi về Hà Nội xây Lăng Bác. Hơn thế cát sỏi sông Lô còn được nhạc sỹ Trần Công Khanh thổi hồn thành ca khúc “Cát sỏi quê em”, ngân vang mãi ca từ :“… Em có hay chăng đầu nguồn sông xanh biếc/Anh mến yêu người cùng sỏi cát quê em…”, mà đầu những năm 70 thế kỷ trước, đây là bài tủ của Đoàn Văn công tỉnh Tuyên Quang tham gia hội diễn toàn quốc giành giải cao. Tình nghĩa thế kể sao cho xiết.

Vậy thì cát sỏi sông Lô hôm nay, càng phải có nghĩa vụ đóng góp vào công cuộc xây dựng “đất nước đàng hoàng to đẹp hơn”, như lời Bác Hồ mong muốn có gì là lạ. Cớ chi mà băn khoăn, đau đáu? Tôi tự cật vấn và đi tìm câu trả lời, sao cho thấu tình đạt lý nơi bến sông từng in dấu chân mình.

Năm tháng trải nghiệm đã giúp tôi nhìn ra những điều được, mất. Theo cách nói dòng sông là bên bồi bên lở. Rồi một ngày trong tầm mắt chúng ta choáng ngợp những tòa tháp cao chọc trời, những sân bay hiện đại, những Thiền viện uy nghi… để đua bằng người, nhưng chỉ xin một lần cúi xuống, nhìn sự lở lói của dòng sông, ngõ hầu sống chậm lại, cùng cảm nhận nỗi niềm xót xa bãi bờ khuất nẻo, kéo theo bao hệ lụy, mất nhà mất cửa, mất đất đai canh tác, cạn kiệt dần thi liệu cho tục ngữ, dân ca: “Trâu ơi ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta/Cấy cầy vốn nghiệp nông gia/Ta đây trâu đấy ai mà quản công/Bao giờ cây lúa gặt bông/Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn…”, cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn con dân đất Việt 4000 năm chèo chống, gìn giữ, dựng xây đất nước, để mà điều tiết, ứng xử, với thiên nhiên vốn không bao giờ là muộn.

Để “bãi bể nương dâu”, tuồng tích cũ đừng mới lại sớm Xuân này, đâu riêng làng Tằm yêu dấu của tôi.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm