Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nghề dệt thổ cẩm của Dân tộc Cao Lan ở Bắc Giang

Nguyễn Kế

Thứ bảy, 20/11/2021 - 07:00

(Thanh tra) - Đồng bào dân tộc Cao Lan ở bản Khe Nghè, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam còn bảo tồn được nhiều nét văn hóa đặc trưng và mang đậm truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.

Kỹ thuật dệt thổ cẩm của người Cao Lan khó nhất ở khâu se sợi và lên khung. Trước đây, khi công cụ chưa được cải tiến, phụ nữ phải dành nhiều thời gian, công sức cho công đoạn này. Ảnh: du lịch.net.vn

Bản Khe Nghè vốn là nơi ra đời nghề dệt thổ cẩm của người Cao Lan. Cao Lan là một trong hai nhóm của dân tộc Sán Chay (Cao Lan - Sán Chí). Trước đây các học giả người Pháp coi người Cao Lan là một bộ phận của dân tộc Dao. Người Cao Lan còn được gọi là người Trại. Cho đến nay, người Cao Lan ở Bắc Giang vẫn tự nhận mình là người dân tộc Cao Lan, có tiếng nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái.

Tại Bắc Giang, người Cao Lan sống tập trung chủ yếu ở 4 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Như các dân tộc thiểu số khác sinh sống ở vùng núi thấp, người Cao Lan lấy việc trồng trọt lúa nước và cây lương thực khác trên đất dốc là hoạt động kinh tế chủ đạo, ngoài ra họ cũng tận dụng những khoảnh đất bằng phẳng để trồng lúa nước. Tất cả hoạt động khác như chăn nuôi, thủ công gia đình, trao đổi buôn bán hay săn bắt hái lượm đều là những hoạt động kinh tế phụ mang tính chất bổ trợ cho trồng trọt. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, người Cao Lan sử dụng các nông cụ như cày, bừa, cào, cuốc bàn, dao quắm và hái.

So với dân tộc Cao Lan ở các địa phương khác như Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, văn hóa đồng bào Cao Lan ở Bắc Giang có một số nét khác biệt. Trong đời sống văn hoá tinh thần, người Cao Lan không chỉ có nhiều truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, hò vè, hát sình ca… mà còn ở nét đẹp của làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của họ, góp phần tô điểm cho truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Thổ cẩm là loại hàng vải dệt thủ công giàu họa tiết và các họa tiết này thường nổi lên mặt vải giống như được thêu. Ở Việt Nam, thổ cẩm thường để chỉ loại vải tự dệt, có hoa văn dệt theo phương pháp truyền thống của các dân tộc ít người ở miền núi. Thổ cẩm truyền thống thường sử dụng nguyên liệu chỉ dệt bằng sợi bông, sợi lanh trên rừng, gai nhuộm sẫm. Hoa văn cũng bằng chỉ nhuộm phẩm màu tự nhiên. Các hoa văn trên vải thổ cẩm thường thể hiện theo nét truyền thống của từng dân tộc.

Nghề dệt vải nơi đây đã từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người Cao Lan, trang phục truyền thống của dân tộc được coi là một nguồn tài sản quan trọng, có giá trị nhất định trong việc phân định giàu nghèo. Ảnh: du lịch.net.vn

Nghề dệt vải nơi đây đã từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người Cao Lan, trang phục truyền thống của dân tộc được coi là một nguồn tài sản quan trọng, có giá trị nhất định trong việc phân định giàu nghèo. Việc dệt may chủ yếu do người phụ nữ đảm nhận, họ tự tay dệt vải để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của các thành viên trong gia đình… và làm hàng hóa để trao đổi mua bán trong những phiên chợ… Và vì thế mà nghề dệt thổ cẩm truyền thống được giữ gìn và lưu truyền qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình.

Kỹ thuật dệt thổ cẩm của người Cao Lan khó nhất ở khâu se sợi và lên khung. Trước đây, khi công cụ chưa được cải tiến, phụ nữ phải dành nhiều thời gian, công sức cho công đoạn này. Cán bông và se sợi đòi hỏi sự tỉ mỉ, chú tâm mới tạo ra những sợi chỉ đều, đẹp. Việc lên khung cần kiên nhẫn để sợi vải sắp xếp 2 tầng với số lượng sợi lẻ và chẵn phù hợp, rồi tuần tự đảo vị trí cho nhau bảo đảm sản phẩm không bị lỗi, đều sợi, trơn mượt.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cao Lan đã được khôi phục từ năm 2007- 2008 thông qua cách truyền nghề trực tiếp. Ngày nay, kỹ thuật khâu may, thêu thùa trang trí trang phục truyền thống vẫn được các nghệ nhân bảo lưu và có ý thức truyền dạy cho con cháu để có sẵn lớp kế tục. Cách dệt hiện nay về cơ bản vẫn được giữ nguyên theo lối truyền thống, song cũng có một số cải tiến nhằm vừa giữ lại truyền thống vừa đảm bảo tính cạnh tranh với những sản phẩm hàng hóa trao đổi mua bán trên thị trường. Với khung dệt truyền thống, khổ vải vẫn giữ nguyên kích thước ban đầu, song hiện nay đồng bào đã biết cách phối hợp sợi nhiều màu trên cùng một khung dệt để có được những sản phẩm phong phú hơn về màu sắc.

Những nghệ nhân trong bản được mời đến để dạy nghề và truyền kinh nghiệm cho lớp trẻ, nhiều chị em phụ nữ trong bản đã rất hào hứng tham gia khôi phục lại nghề dệt truyền thống của dân tộc mình. Trải qua thời gian cùng với tập quán du canh, du cư, sự cầu kỳ và phức tạp, nguyên liệu khó tìm, nên nghề dệt thổ cẩm của đồng bào đã có thời kỳ dài bị chìm trong quên lãng. Song, bằng tâm huyết, sự trân trọng những vốn quý, bản sắc của dân tộc, đồng bào nơi đây đã nhọc công tìm cách khôi phục nghề truyền thống của cha ông.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm