Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nét độc đáo trong nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng

Trần Thắng

Thứ tư, 26/04/2023 - 22:00

(Thanh tra) - Đúng 7h30 phút ngày 26/4/2023 (tức ngày mùng 7/3 Âm lịch), nghi thức rước kiệu của các xã, thị trấn vùng ven Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã chính thức diễn ra. Các xã, thị trấn tham gia nghi thức rước kiệu trong khuôn khổ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 gồm: Các xã Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, Hy Cương và phường Vân Phú (thành phố Việt Trì), xã Tiên Kiên, Hùng Sơn (huyện Lâm Thao).

Toàn cảnh các đoàn rước kiệu tại sân trung tâm hành lễ

Nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ hội Đền Hùng hằng năm, thì lễ rước kiệu về Đền Hùng là một trong những nghi lễ độc đáo, mang đậm dấu ấn riêng biệt vùng đất Tổ và của đất nước Việt Nam mà không có bất cứ quốc gia nào trên thế giới có được.

Đây là nghi lễ truyền thống được duy trì và bảo tồn từ hàng nghìn năm nay, có ý nghĩa đặc biệt thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự thành kính tôn nghiêm của dân tộc. Nghi thức rước kiệu từ các xã, thị trấn vùng ven khu di tích Đền Hùng còn là nét văn hóa độc đáo, đặc sắc và mang tính đại diện toàn cầu, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết trong tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

Nghi thức rước kiệu về Đền Hùng, dâng cúng lễ vật tri ân công đức các Vua Hùng

Đội hình rước kiệu được sắp xếp theo trình tự: Đi đầu là đội múa sư tử, tiếp đó là đoàn rước Quốc kỳ và cờ hội, đội rước cờ thần nhỏ; các thiếu nữ đội lễ vật, hương hoa; đoàn người đánh chiêng, trống, đội bát âm và múa sinh tiền, rước bát bửu, rước tàn, lọng, đội kiệu, chủ tế và quan viên; theo sau là lãnh đạo xã, phường, thị trấn, các cụ cao niên mặc áo the, khăn xếp theo trang phục truyền thống cùng nhân dân tham gia rước kiệu.

Lễ vật gồm có hương, hoa, quả, bánh chưng, bánh giầy và các sản vật địa phương...

Ông Nguyễn Minh Đức, chủ tế đoàn rước kiệu xã Hùng Lô chia sẻ: “Đây là lần thứ 4 tôi làm chủ tế rước kiệu về Đền Hùng. Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào bởi để được lựa chọn làm chủ tế thì bản thân tôi phải có sức khỏe, gia đình hòa thuận, đủ vợ đủ chồng, con cái có nếp có tẻ, ngoan ngoãn và phải gương mẫu thực hiện đầy đủ các hương ước của xã và các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước”.

Ông Đức cho biết thêm: “Xã Hùng Lô hiện nay còn lưu giữ được những chiếc kiệu bát cống, kiệu văn có tuổi đời hơn 400 năm (1697). Trong nghi lễ rước kiệu hôm nay, xã chúng tôi còn có cả tấm biển thưởng giành được trong cuộc thi rước kiệu cách đây gần 100 năm”.

Ngoài 07 xã, thị trấn vùng ven tham gia nghi thức rước kiệu về đền Hùng, còn có rất nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh Phú Thọ có các di tích như đình, đền, miếu… thờ cúng Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh thời các Vua Hùng.

Những nét độc đáo trong nghi thức rước kiệu về Đền Hùng hằng năm là hoạt động cộng đồng quan trọng góp phần củng cố, phát triển, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đến bạn bè quốc tế.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm